Chuyện bi hài trên những “giảng đường tạm”

Sau kỳ ôn thi dài hơn nửa năm trời ở lớp thầy H, N. đã mang thai 4 tháng và làm mẹ khi mới 19 tuổi. Không biết đó là tình yêu của cô gái mới lớn, hay là những phút giây buông thả của ông thầy luyện thi ở lò luyện đã 60 tuổi...

Đây chỉ là một trong vô vàn chuyện bi hài xảy ra quanh những “giảng đường... tạm” - lò luyện thi.

Hàng thật, hàng rởm

Một trung tâm luyện thi tư nhân ngay trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), cứ mỗi mùa luyện thi, chuyện cười ra nước mắt từ các thầy không hề thiếu. Đây là mảnh đất tương đối màu mỡ, bởi không chỉ các “chủ lò” mà kể cả các thầy cô cũng “hái ra tiền”. Bởi vậy, “giảng đường tạm” này cuốn hút cả những người không phải “thầy chính hiệu”.

M.K được một giáo viên có tiếng giới thiệu vào dạy “chữa cháy” môn Hoá cho một giáo viên dạy tồi vì giáo viên này dạy được nửa tháng thì học sinh bỏ gần hết. Ngay buổi đầu tiên, M.K đã “lôi” trở lại được gần đủ số học sinh đã bỏ đi bằng những phương tiện rất hiện đại, đèn hình, máy chiếu. Đây được coi là những thứ xa xỉ trong giới luyện thi.

Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không có chuyện trong một lần cao hứng, anh ta tuyên bố hùng hồn: “Cần gì phải học hoá mới dạy được hoá. Mình là dân học toán ra trường đi “đánh” ngoài chứ chả cần biên chế vào một trường nào cả. Chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng thuê 1 vị giáo sư soạn bài sẵn theo chương trình. Sau đó cứ mỗi buổi học tớ chỉ việc “tua” lại cho học sinh nghe là xong”.

Không những thế, mỗi buổi lên lớp, thầy còn vận những bộ đồ theo kiểu “hip hop”, tóc đỏ hoe, dựng ngược mặc cho các em học sinh thì thầm to nhỏ.

Sau vụ “tiếng tăm lừng lẫy” đó, M.K bị bật khỏi trung tâm. Nhưng được biết vì lợi nhuận các “lò” khác vẫn đón “thầy” về dạy bình thường. Bởi lẽ, những “lò” này chỉ cần thu hút đông học sinh là coi như đạt mục tiêu.

“Bi kịch” tình yêu lệch…

Nằm sát trường ĐHSP, lò luyện của thầy H. rất đông học sinh ôn luyện. Ở tuổi 60, thầy H. nổi tiếng là giáo viên giỏi được đồng nghiệp đánh giá cao và học trò ái mộ.

N. vốn là một cô bé vùng ngoại ô của thành phố Cảng, lên Hà Nội ôn luyện với hy vọng sẽ có được một chân trong giảng đường đại học.

Sau kỳ ôn thi dài hơn nửa năm trời ở lớp thầy H., N. đã mang thai 4 tháng và làm mẹ khi mới 19 tuổi. Không biết đó là tình yêu của cô gái mới lớn, hay là những phút giây buông thả của người thầy không đúng mực. Chỉ biết sau một hồi đánh ghen của người vợ đã bao năm chia ngọt sẻ bùi, đám cưới cũng được tổ chức tại nhà cô vợ trẻ.

Gặp lại thầy H. tất tả vào chợ mua thức ăn chăm người vợ trẻ đang kỳ ở cữ, thầy bảo: “Cái quý nhất là tuổi trẻ thì mình đã không còn để cho cô ấy nên đi dạy thêm được bao nhiêu tiền mình đưa hết để cô ấy vui…”.

Trường hợp “đào hoa” của thầy Vũ C. C. lại có nhiều tình tiết lạ khác. Thầy C. vốn là học trò “cưng” của một giáo viên khoa Lý, tốt nghiệp loại ưu nhưng không được giữ lại trường bởi đã “trót” làm cho con gái người ta có bầu khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học.

Ở cái tuổi 30, được “trời phú” cho cái mã đẹp trai ngời ngời cùng lối giảng bài buông lơi nên sau khi được nhận vào dạy tại Trung tâm luyện thi của trường ĐHSP, thầy C. nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của các trò là nữ.

Trước học trò, thầy giới thiệu mình là giảng viên trường BK nổi tiếng nên các em lại càng mến mộ (nhưng thực ra thầy là “dân đi luyện” tại các “lò” ở trường đó mà thôi).

Sự việc cứ diễn ra bình thường, mặc dù các đồng nghiệp không hài lòng với phong cách dạy thiếu chất “sư phạm” trong con người thầy. Nhưng không ai dám có ý kiến bởi e ngại bị đánh giá là “ghen ăn tức ở”.

Sau đó, những pano, áp phích giới thiệu về vị “giáo sư” tài năng Vũ C. C. được rải khắp mọi nơi mời gọi. Không biết những học sinh mến mộ thầy tìm đến được bao nhiêu, nhưng trong đó có cả các bậc phụ huynh tìm đến “bắt đền” vì cái tội thầy đã quyến rũ và yêu con gái họ.

Sau một “xì-căng-đan” bị phụ huynh “bắt đền”, trung tâm luyện thi đã rút tên thầy C. Không chỗ này thì dạy chỗ khác, thầy C. lại tiếp tục cuộc hành trình với những “lò” luyện mới và cả những mối tình mới với những học trò ngây thơ từ các vùng quê về Hà Nội ấp ủ giấc mơ “vượt vũ môn”.

Theo Bình Nguyên
Vietnamnet