Khánh Hòa
Chuyện "anh shipper bị khóa app vì 1.000 đồng" vào đề thi lớp 10
(Dân trí) - Vấn đề "nóng" trên mạng xã hội xoay quanh câu chuyện "anh shipper bị khóa app vì 1.000 đồng" được nêu trong đề thi môn ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 5/6, hơn 13.000 thí sinh trên toàn tỉnh Khánh Hòa tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024. Môn thi đầu tiên là ngữ văn. Thí sinh thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút.
Đáng chú ý, phần đọc hiểu (3 điểm) với 4 câu hỏi trong đề thi năm nay yêu cầu thí sinh phân tích về tác dụng của biện pháp tu từ so sánh, mối quan hệ ứng xử giữa người với người, sự phân định rạch ròi đúng - sai trong câu chuyện "anh shipper bị khóa app vì 1.000 đồng".
Cụ thể, đề thi đã trích một đoạn trong bài đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam ngày 22/5.
"Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1.000 đồng. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1.000 đồng khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đây là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.
1.000 đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1.000 mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xỉn. Đứng giữa lằn ranh lý - tình, 1.000 quá nhỏ để phân định đúng - sai, nhưng lại quá lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người", trích đề thi.
Nhận xét về đề thi năm nay, tài khoản Phương Thảo viết: "Công nhận đề rất hay, khi đưa các yếu tố ngoài xã hội vào để các em học hỏi, yếu tố bao dung luôn hiện hữu xung quanh chúng ta".
Đồng quan điểm, tài khoản Ly Na cho rằng, ăn học cũng chủ yếu để làm sao trưởng thành, sống biết bao dung, thông cảm và linh hoạt trong mọi tình huống. "Đề văn năm nay rất hay", người này nhận xét.
Thầy Nguyễn Đình Hòa, Giáo viên Ngữ văn trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) cũng cho rằng phần đọc hiểu rất hay, vừa có ý nghĩa nhân văn vừa có tính thời sự và có sự đổi mới trong việc kiểm tra đánh giá.
Thầy Hòa nhận định đề thi ngoài việc đánh giá năng lực, phẩm chất của người học còn gợi lên nhiều suy nghĩ cho các em trong độ tuổi mới lớn, những bài học làm người.
Câu hỏi nêu quan điểm cá nhân về mối quan hệ ứng xử giữa người với người, sự phân định rạch ròi đúng - sai có cần thiết không và vì sao?
"Câu hỏi này giúp các em thể hiện những suy nghĩ cá nhân, tạo điều kiện để thí sinh bộc lộ các chính kiến cá nhân dưới góc độ môn ngữ văn", thầy Hòa nhận định.