Chương trình tiểu học mới: “Quá” vẫn phải “tải”

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có quyết định giảm 15% chương trình tiểu học, nhưng tình trạng này liệu có được cải thiện?...

Quá tải ở chỗ nào?

 

Trong các Hội nghị Trưởng phòng Tiểu học toàn quốc, lãnh đạo phụ trách bậc tiểu học ở các Sở GD-ĐT đều nhất trí: Có quá tải! Nhưng, điều quan trọng là nó không nằm trong chương trình- sách giáo khoa (SGK)! Không thể đổ tại chương trình-SGK để phải sửa chương trình- SGK cho giảm tải, vì như khẳng định kiên quyết của lãnh đạo vụ Tiểu học: SGK là một bộ sách mang tính quốc gia nên không thể vừa ban hành đã thay đổi!

 

Vậy thì vì sao quá tải? Theo ông Lê Tiến Thành, Phó vụ trưởng vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT thì hiện nay đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn còn nhiều bất cập, nhất là so với những yêu cầu của việc đổi mới chương trình – SGK và yêu cầu của chuẩn giáo viên trong thời kỳ mới. Cùng đó còn có tình trạng một bộ phận không nhỏ giáo viên đã làm cho chương trình nặng thêm do những yêu cầu quá cao mà trong nội dung chương trình không đề cập đến, một số giáo viên giao cho học sinh quá nhiều bài tập về nhà. Họ không có được nhận thức đúng đắn rằng đó là sự nhồi nhét… Đáng tiếc là hiện tượng này đã ngày càng trở nên phổ biến. Như vậy quá tải, trước hết là tại giáo viên.

 

Một điều đáng tiếc nữa góp phần vào quá tải là do bản thân học sinh! Đó là đối với những trường hợp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, khi bước vào lớp  một vẫn còn rất ít hoặc chưa biết tiếng Việt nên việc tiếp thu kiến thức trên lớp rất hạn chế. Bên cạnh đó, các nhà quản lý giáo dục còn đưa ra một số nguyên nhân khác như trường lớp tạm bợ và tình cảnh dạy chay, học chay dài dài…    

 

Bởi thế, khi “chốt” lại giải pháp cho quá tải, Thứ trưởng Bộ GDĐT Đặng Huỳnh Mai kết luận: “Giảm tải tức là giảm cường độ làm viêc cho giáo viên thay vào đó là phát huy khả năng làm việc của học sinh với bài học. Giải pháp chính là làm thế nào để người giáo viên không nhồi nhét mà để học sinh tự tin tiếp thu được kiến thức!”.

 

Tải quá liệu có tiếp tục?

 

Qua tổng kết 2 năm việc thực hiện thay sách, cả nước chỉ có khoảng 10% gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận chương trình mới. Vì vậy, đã có kết luận rằng chương trình mới là quá tải không chiếm số đông.

 

Được biết chương trình tiểu học hiện nay được thiết kế để dạy học một buổi. Trong tương lai việc tổ chức học 2 buổi/ ngày sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ngoài nhà trường. Đó là chuyện của tương lai vì hiện hiện toàn quốc còn thiếu khoảng 100.000 phòng học cho việc học 2 buổi/ngày.

 

Tuy nhiên, bất chấp điều kiện thế nào, việc tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày lại đang được xem như thành tích thi đua của nhiều địa phương! Buổi học thứ hai nhiều trường không có đủ điều kiện nhưng vẫn tổ chức dạy và cả cô, trò cùng phụ huynh phải…tự tìm và thuê địa điểm. Ngay tại Hà Nội nhiều quận huyện đã đưa việc tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày vào một trong những chỉ tiêu của năm học.

 

Và Bộ GD không có quy định chi tiết nào về nội dung cho buổi học thứ 2 này ngoài một hướng dẫn chung chung : Buổi 2 dành cho luyện tập, học các môn năng khiếu, tự chọn hoặc sinh hoặc tập thể…Vậy là mỗi nơi làm một phách, miễn là có hai buổi cho theo kịp phong trào!

 

Rút cục thì có lẽ dù sẽ giảm 15% chương trình tiểu học nhưng việc quá tải của bậc học này chắc chưa thể đến hồi kết.

 

Mai Minh