Chương trình tiểu học chưa hấp dẫn học sinh

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nội dung chương trình tiểu học của Việt Nam hiện đang quá tải, nặng tính hàn lâm, ít thực hành, thiếu thực tế, chưa hấp dẫn học sinh.

Sáng ngày 21/3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Sự sáng tạo trong quá trình tổ chức, quản lý và dạy học tiểu học".

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết hiện nay ngành giáo dục TP.HCM đang cố gắng xây dựng nội dung chương trình tiểu học theo hướng nhẹ nhàng, cơ bản, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này. Thế nhưng, không dễ để xây dựng mô hình này vì những khó khăn hết sức cơ bản và nặng nề từ những quan niệm giáo dục xưa cũ, không còn phù hợp nữa với thời đại mới. Theo ông Minh, luật Giáo dục quy định nội dung chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành với một cơ chế hoạt động nặng nề, thiếu tính cơ động, khó thay đổi.

Bà Hoàng Tuyết, ĐH Sư phạm TP.HCM thì cho rằng ngành giáo dục Việt Nam cần phải rà soát lại và loại bỏ những yếu tố bóp nghẹt tinh thần sáng tạo trong giáo dục. Bà dẫn ra một ví dụ là quy trình dạy, học và tư liệu giảng dạy độc tôn với một bộ sách giáo khoa kèm sách giáo viên, khiến thầy lười động não, trò không hứng thú học tập.

Còn theo bà Trần Thị Hà, chuyên viên Phòng Giáo dục quận 3, nhất thiết cần xây dựng môi trường sư phạm, môi trường lớp học gần gũi, thân thiện. Chúng ta không thể đào tạo được một công dân tiên tiến, trụ cột của đất nước trong tương lai thông qua một môi trường sư phạm thiếu trong sáng, lành mạnh. Giáo dục ý thức cho các em vẫn phải luôn là ưu tiên hàng đầu, có thể kêu gọi ý thức thông qua các băng rôn, khẩu hiệu, những hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ thương,

Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, TS. Hồ Thiệu Hùng ví von rằng: "Ngành đóng giầy phục vụ khách hàng với với vô số mẫu mã, kích cỡ giầy với nhận định rằng khách hàng luôn có những số đo, kích cỡ khác nhau "chín người, mười ý", thậm chí còn biết hai bàn chân của cùng một người không chỉ đối xứng mà còn khác nhau về kích cỡ. Còn ngành giáo dục thì tổ chức trường lớp, biên soạn chương trình và tổ chức dạy học theo luận điểm sai lầm là trẻ cùng độ tuổi thì cùng nhận thức”. Theo ông Hùng, năng lực tiếp thu của học sinh như bàn chân, còn chương trình như chiếc giầy. Do vậy, ngành giáo dục cần học theo tư duy của ngành giầy da, đóng giày cho chân, đừng cố gọt chân cho vừa.

TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh, mô hình nhà trường tiểu học cần được xây dựng theo đúng triết lý của ngành giáo dục: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Đi học là hạnh phúc”.

Đức Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm