"Chương trình học lịch sử hiện nay quá lạc hậu"
(Dân trí) - Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Chương trình học lịch sử hiện nay mang tính áp đặt, học thuộc nhiều quá, đó là một cách tiếp cận quá lạc hậu".
Sáng 16/8, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức chương trình giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử giai đoạn Cách mạng tháng 8/1945 với các Thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015 với chủ đề “70 năm – Hành trình lịch sử.”
Chương trình có sự tham gia của ông Lê Đức Vân – Trưởng ban liên lạc Cựu thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu, GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Hải Hùng – Nguyên đội trưởng đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội, nhạc sĩ Doãn Nho – thành viên đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh năm 1945.
Tọa đàm là cơ hội để kết nối các thế hệ, là dịp để các Thủ khoa xuất sắc được gặp gỡ, tri ân, bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc trước những cống hiến, hy sinh của thế hệ thanh niên Hà Nội những năm 1945. Đây cũng là dịp để các thủ khoa thể hiện trách nhiệm tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, viết tiếp trang sử nước nhà, tham gia xây dựng Thủ đô văn minh.
Tại buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử cùng các Thủ khoa đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận về vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên và lực lượng thanh niên Hà Nội trong thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội năm 1945, những kì vọng của thế hệ cha anh đi trước đối với thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay, đặc biệt là các Thủ khoa, những người được coi là “nguyên khí quốc gia”. Các nhân chứng lịch sử cũng đã có những chia sẻ nêu lên trách nhiệm của thủ khoa trong việc tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, tham gia xây dựng Thủ đô và đất nước.
Chia sẻ về ý thức học môn lịch sử của thế hệ trẻ hiện nay, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội chân thành: “Lịch sử vốn là một lĩnh vực vô cùng hấp dẫn, ở đó có những câu chuyện xúc động, những bài học, kinh nghiệm mà người trong cuộc phải đổi bằng xương máu mới có, nhưng tại sao thế hệ trẻ lại không thích tìm hiểu?
Có lẽ là do chương trình học lịch sử hiện nay mang tính áp đặt, học thuộc nhiều quá, đó là một cách tiếp cận quá lạc hậu. Lịch sử có quá nhiều thứ để nhớ: sự kiện, thời gian, nhân vật, số liệu... làm sao mà người học có thể “nhai” được.
Lịch sử cũng là một ngành khoa học, người học được quyền nghiên cứu, khám phá, phát hiện mới, chứ không phải chỉ có học thuộc lòng hay tra google như hiện nay.
Các em phải được tìm hiểu ở thực tế như địa danh lịch sử ở địa phương mình, đến Bảo tàng để tham quan, học hỏi, hay lắng nghe những câu chuyện thật từ những người đã tham gia vào sự kiện lịch sử như những em thủ khoa ngồi đây, để rồi rút ra tinh thần, ý nghĩa của những câu chuyện đó, áp dụng vào cuộc sống hiện tại. Đó mới là cách học lịch sử đúng đắn".
Bác Lê Đức Vân – Trưởng ban Liên lạc Cựu thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu xúc động chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào là một niềm xúc động trào dâng, khi nhìn thấy rất đông các bạn trẻ có mặt để lắng nghe chúng tôi nói về những câu chuyện của một thời kháng chiến.
Các bạn đã khoác lên mình chiếc áo màu cờ đỏ sao vàng, khiến tôi nhớ về cảnh tượng ở thôn tôi 70 năm trước, khi những lá cờ Việt Nam tung bay trên những bụi tre xanh, rất đẹp. Các bạn là những thanh niên đang được sống trong thời kì hòa bình, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, vì vậy tôi tin tưởng các bạn sẽ là lực lượng quan trọng đóng góp trí tuệ vào sự phát triển của đất nước.”
Nghe những câu chuyện lịch sử, lời căn dặn của các bác, Trần Anh Đức – thủ khoa khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội coi đây là cơ hội hiếm hoi để trau dồi vốn kiến thức lịch sử về một dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc mà trước đây bạn chỉ được biết qua những bài học trong tài liệu, giáo trình.
“Từ những nhân chứng sống về lịch sử hôm nay, khi trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng, mình sẽ dùng những bài học thực tế, những phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động để Lịch sử không còn là một môn học khô khan, để tình yêu, niềm tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng, hào hùng sẽ luôn được gìn giữ và tiếp nối trong lòng các thế hệ trẻ".
Chương trình giao lưu đã khẳng định vị trí, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám, qua đó tiếp tục củng cố niềm tin, ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ trẻ với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Hồng Minh