Hơn 400 bài thi Lịch sử bị điểm 0: Do môn học bị xem thường

(Dân trí) - Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, lại thêm một lần nữa, với 442 thí sinh “dính” điểm 0 môn Sử. Thật xót xa như là một hệ quả tất yếu của việc dạy học môn Sử đi cùng với cách hành xử thiếu công bằng khi xem Lịch Sử là môn phụ, là môn học bị xem thường nhất.

Phổ điểm của môn Sử được đồ họa bằng đồ thị là đẹp nhất, không có nhiều gấp khúc và phân bố khá đều ở 3 mức độ: yếu kém, trung bình, khá và giỏi. Tuy nhiên, trong 3 môn thi tự luận khối C, Lịch Sử là môn thi có số lượng nhiều nhiều điểm 0 nhất (442), rồi đến môn Địa (429), môn Văn (423). Vì sao vậy? Chúng ta nên buồn hay vui với kết quả đó ?

Sự thật… thật xót xa?.

Nếu như kết quả này diễn ra ở các kỳ thi trước có lẽ vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” và vẫn là điệp khúc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Nhưng nó vẫn xảy ra ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 thì đó thật sự đáng lạ, đáng buồn và khó chấp nhận được vì nhiều lý do sau.

Thứ nhất, đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện hình thức thi “hai trong một”, vừa công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

 

img-5506-9ec10
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, lại thêm một lần nữa, với 442 thí sinh “dính” điểm 0 môn Sử

Những thí sinh đã lựa chọn môn Sử là môn thi công nhận tốt nghiệp (ngoài 3 môn bắt buộc là Văn, Toán, Ngoại ngữ) và xét tuyển vào đại học (khối C: Văn, Sử và Địa), thông thường các em ít nhiều đã có sự chuẩn bị cơ bản về kiến thức mà bị dính điểm 0 ở môn “sở trường” là khó chấp nhận.

Thứ hai, đề thi và đáp án môn Sử năm nay có thể nói là hay, có khả năng phân hóa cao, đáp ứng được chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT với cấu trúc 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức phân hóa nâng cao.

Chỉ cần kiến thức rất sơ đẳng và với lực học trung bình, các thí sinh có thể làm được vài điểm vậy mà đã có 1.163 thí sinh “dính” điểm “tử”, trong đó có 442 thí sính bị điểm 0! Đề thi gồm có 4 câu, trong đó 2 câu đầu, ban ra đề và đáp án đã có dụng ý chỉ yêu cầu thí sinh tóm tắt những kiến thức rất cơ bản (kỹ năng trình bày), không cần phải nêu các sự kiện, ngày tháng cụ thể, chi tiết, không cần sử dụng kỹ năng nhận xét, đánh giá, phân tích, lý giải (còn gọi là kỹ năng thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao) cũng đã có điểm.

Ở câu 1 (3,0 điểm): Tóm tắt sự phát triển kinh tế Nhật Bản từ 1952 đến 1973 và nêu nguyên nhân của sự phát triển đó.?

Câu hỏi này rất rõ ràng, không cần phải nhớ chi tiết số liệu, sự kiện, ngày tháng nào cả (điều mà học sinh rất ngại nhớ và cũng khó nhớ).

Thí sinh chỉ cần nêu được ý kinh tế Nhật Bản phát triển nhanh, hoặc phát triển thần kỳ và vươn lên đứng thứ hai thế giới (sau Mỹ) là được 1,0 điểm. Trong các nguyên nhân của sự phát triển đó, thí sinh chỉ nêu là Nhật Bản đã biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại cũng đã có 1,25 điểm.

Ở câu 2 (3,0 điểm): Nếu những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam, thí sinh chỉ cần nêu rất cơ bản là tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là được 1,0 điểm.

Những kiến thức rất cơ bản như thế này đã được nhắc nhiều đến các phương tiện thông tin đại chúng, trong các lễ kỷ niệm lớn được tổ chức hàng năm, được học trong các cuốn sách lịch sử từ lớp 5. Những câu hỏi rất đơn giản và cơ bản như thế mà quá nhiều thí sinh vẫn bị “dính” điểm 0 thì thật là khó hiểu và khó chấp nhận được.

Vì sao lại nên nông nỗi này?

Báo chí và các phương tiện truyền thông trong nhiều năm qua đã đề cập quá nhiều về thực trạng môn Sử, thi Sử. Với góc độ là giáo viên dạy Sử ở bậc phổ thông, tôi sẽ không ngạc nhiên khi một số em bị điểm 0, nhưng rất bất ngờ và xót xa việc trong kỳ thi này lại có 1.163 thí sinh bị điểm “tử”, trong đó có 442 “dính” điểm 0!

Và trong 3 môn thi tự luận khối C: Văn - Sử - Địa, thì môn Sử cũng là môn thi có số lượng thí sinh đứng “đội sổ” về điểm 0, theo thứ tự là Sử (442), Địa (429), Văn (423). Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân sau đẫn đến tình trạng đó:

Thứ nhất, đa số trong 442 điểm 0 đó chủ yếu có thể rơi vào các em học sinh hệ giáo dục thường xuyên, ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, những trường không học môn ngoại ngữ nên có thể chọn môn Sử là môn thi tự chọn.

Thứ hai, những điểm 0 rất “vô cảm” đó có thể rơi vào những trường hợp chủ quan và tự tin khi kỳ vọng vào tài liệu đã mang vào phòng thi, nhưng khâu coi thi năm nay đã nghiêm túc hơn nên các thí sinh đó không có cơ hội quay cóp nên phải nộp giấy trắng và chấp nhận điểm 0.

Thứ ba, là tình trạng học lệch, học “tủ”, võ đoán theo kiểu “may rủi” hoàn toàn không có cơ sở khoa học trong giai đoạn ôn thi. Trong thi cử xưa nay nói chung, môn Sử nói riêng các thí sinh không nên ôn theo kiểu “khoanh vùng kiến thức”.

Kiến thức những năm gần đây đã ra rồi không có nghĩa là năm nay sẽ không ra nữa. Ví dụ, kiến thức phần chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp (1919-1929) năm 2012 đã ra thì năm 2013 vẫn ra.

Về Nhật Bản, năm 2012 đã thi, nhiều thí sinh “võ đoán” năm nay không thi nên dù câu hỏi rất cơ bản và khá dễ nhưng vẫn không học và không hề làm được ý nào. Lỗi này, tôi cho rằng chính một số giáo viên Sử chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thẳng thẳn là thầy đã dạy “tủ” cuối cùng trò cũng học “tủ”.

Thứ tư, là nhiều em do không ôn hoặc ôn “tủ” nên khi gặp những câu hỏi “lệch tủ” hoàn toàn thì chỉ viết trong bài thi theo kiểu “chém gió”, được dòng nào hay dòng đó, thậm chí có nhiều em chấp nhận “đầu hàng” và nộp giấy trắng. Tình trạng này chính các thầy cô làm nhiệm vụ giám khảo là những người có dịp “mục sở thị” rõ nhất rằng, vì sao các bài thi kiểu đó không có điểm nào, dù đã cố gắng để tìm ý cho điểm.

Thứ năm, tựu trung lại đó lỗi của một nền giáo dục còn quá nhiều bất cập dù đang trong quá trình “đổi mới toàn diện và đồng bộ”. Có vẻ như càng đổi mới lại càng bộc lộ nhiều lúng túng và bế tắc, có “đổi” nhưng chưa “mới”. Các môn khoa học xã hội đang bị quay lưng, môn Sử bị xem thường và đang đứng trước nguy cơ trở thành môn học, môn thi bị “khai tử” với kiểu thi “tự chọn” dẫn đến hệ lụy là học lệch hoàn toàn.

Và nếu các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp không dám dũng cảm (hay không muốn) nhìn nhận một cách thẳng thắn, trung thực tình trạng này để tìm ra các giải pháp hữu hiệu thì những kỳ thi tiếp theo môn Sử vẫn luôn nóng trên diễn đàn các phương tiện truyền thông và học sinh càng chán Sử, thầy cũng chán dạy Sử!

ThS.Trần Trung Hiếu

(GV Sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An).

 

Hơn 400 bài thi Lịch sử bị điểm 0: Do môn học bị xem thường - 2