Chương trình GDPT tổng thể: Sẽ không còn tình trạng giáo viên lo "cháy" giáo án

(Dân trí) - Giáo viên nhận định, việc dành phần thời lượng cho giáo dục địa phương sẽ giúp giáo viên chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học của mình, không còn khái niệm sợ “cháy" giáo án như trước đây.

Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đang tạo ra một đợt góp ý sôi nổi trong đội ngũ giáo viên, những người sẽ trực tiếp tạo nên thành công cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.


Những thay đổi trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông lần này là thay đổi từ gốc và đúng hướng.

Những thay đổi trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông lần này là thay đổi từ gốc và đúng hướng.

Thầy Trần Hữu Hoà, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh: “Hoạt động trải nghiệm rất cần thiết, đặc biệt với môn Lịch sử”

Môn Lịch sử là một trong những môn học có ưu thế trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Những nội dung trải nghiệm cho môn học này, chúng tôi đang thực hiện và thực tế cho thấy nó rất hiệu quả và bổ ích.

Tôi cho rằng, các hoạt động tổ chức dạy học tại các di tích lịch sử, các bảo tàng, các nhà truyền thống, hay dạy học tại di sản; tổ chức các hoạt động ngoại khóa lịch sử…. là rất cần thiết. Dự thảo chương trình lần này đã nhấn mạnh được điều đó.

Tôi cũng đánh giá cao hình thức kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giảm nhẹ được áp lực thi cử, tiếp cận được đánh giá tiến bộ của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Lịch sử là một quá trình. Các em cần được thẩm thấu các kiến thức trong chương trình môn Lịch sử qua sự đổi mới cách thức tổ chức các nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục, qua trải nghiệm từ các di tích và các hoạt động ngoại khóa, không cần yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc các sự kiện, không cần phải quá nặng nề trong việc kiểm tra đánh giá,. Tôi cho rằng chỉ cần đổi mới như vậy thôi thì học sinh cũng đã yêu môn học này rồi.

Theo tôi, ở bậc trung học phổ thông, chương trình và nội dung sách giáo khoa mới môn Lịch sử nên xây dựng theo chủ đề. Lớp 10, các chủ đề nên mang tính chất trang bị kiến thức nhẹ nhàng. Ở lớp 11 và 12, các chủ đề sẽ phân chia theo từng lĩnh vực cụ thể của cả lịch sử Việt Nam và thế giới nhưng đi vào chiều sâu của từng lĩnh vực.

Điều này sẽ giúp học sinh có cách nhìn bao quát về chiều dài lịch sử, khuyến khích học sinh ham tìm tòi, đam mê về các lĩnh vực nhất định, góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nam, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Quảng Xương 3, Thanh Hóa: “Giáo viên không còn lo“cháy" giáo án

Tôi và các đồng nghiệp đặc biệt quan tâm tới những đổi mới trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông lần này. Cảm nhận của chúng tôi, hai chủ thể thực hiện và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự đổi mới là giáo viên và học sinh đều được chủ động, được phát huy những kiến thức, năng lực, phẩm chất của cả thầy và trò.

Việc dành phần thời lượng cho giáo dục địa phương sẽ giúp giáo viên chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học của mình, không còn khái niệm sợ “cháy" giáo án như trước đây.

Từ đó việc sinh hoạt của các tổ, cụm chuyên môn và cách đánh giá giờ dạy cũng sẽ thay đổi theo hướng tích cực, giáo viên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giờ dạy, góp ý, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ chứ không nặng nề việc xếp loại giờ dạy như trước. Điều này tránh được việc sinh hoạt chuyên môn một cách hình thức, tạo hứng thú, động lực cho giáo viên tham gia trao đổi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Cá nhân tôi cho rằng học sinh được lựa chọn những nội dung giáo dục mà mình yêu thích, phù hợp với năng khiếu, sở trường của bản thân, tăng cường giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp là một bước tiến phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Cô giáo Trần Thị Bích Nga, giáo viên Vật lí, Trường THPT Nguyễn Trãi, Tây Ninh: “Nên tinh giảm kiến thức trong tài liệu giảng dạy”

Tôi cho rằng, những thay đổi trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông lần này là thay đổi từ gốc và đúng hướng.

Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có văn bản chỉ đạo cụ thể cho những vùng khó khăn tạo điều kiện cho địa phương làm đúng theo tinh thần đổi mới.

Ví dụ, hiện nay có thực trạng ở một trường THCS không có giáo viên dạy nhạc thì phân công một giáo viên dạy Hóa sang dạy nhạc; có môn học bơi lội nhưng địa phương không có bể bơi; dạy ngoại ngữ nhưng không có thiết bị nghe..., nếu làm không đúng thì kết quả cũng sẽ không thể tốt được.

Về tài liệu giảng dạy, Bộ cũng nên thiết kế theo hướng tinh giảm những kiến thức hàn lâm, không cần thiết đối với học sinh phổ thông, đồng thời tăng thời lượng học sinh được rèn luyện, trải nghiệm sáng tạo trong các môn học.

Thầy Tào Tuấn Sửu, Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên: “Chương trình cần nêu rõ vai trò phụ huynh học sinh trong việc tham gia giáo dục”

Đây là lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông đã nêu được rất rõ các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học. Cùng với đó, trong định hướng nội dung giáo dục, chương trình đã nêu ra định hướng nội dung cho các môn học truyền thống và cả các nội dung mới có tính mở như trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập, hướng nghiệp,...

Đặc biệt, việc đưa môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật thành môn học chính khóa ở bậc THPT thể hiện được tầm nhìn giáo dục của chương trình, tạo cơ hội cho học sinh được lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp, đồng thời có tác dụng thiết thực trong xây dựng và phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Tuy nhiên, theo tôi, chương trình cần nêu rõ hơn tính tự chủ, tự giáo dục của người học, vai trò phụ huynh học sinh trong việc tham gia giáo dục, vai trò xã hội trong giáo dục.

Ngoài ra, sáu phẩm chất cần đạt của học sinh mà chương trình mô tả cũng chưa hoàn thiện. Quan điểm của tôi là chúng ta dựa theo Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng để hoàn thiện các phẩm chất này.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Hà Thuyên, Bắc Ninh: “Giáo viên đã được tiếp cận đổi mới từ nhiều năm trước”

Giáo viên chúng tôi đã được tiếp cận với đổi mới từ nhiều năm nay qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; triển khai thực hiện và tổ chức các cuộc thi liên môn, tích hợp, thi khoa học kĩ thuật; triển khai đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Theo tôi, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cần đặc biệt chú ý đến vấn đề tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Chương trình hay nhưng giáo viên không tâm huyết, không đủ năng lực cũng không thể đổi mới thành công.

Việt An