Chuẩn giáo viên mới: “Xin hãy kiểm định người thầy một cách công minh!”

(Dân trí) - Nhiều giáo viên mong mỏi đi kèm chuẩn mới là một tổ chức kiểm định, đánh giá, sát hạch giáo viên độc lập, khách quan. Loại bỏ cách đánh giá nặng về cảm tính, vì thiên vị mà bao che, vì nể nang mà cào bằng gây tiêu cực.

Đón nhận nhưng vẫn trăn trở

“Nếu ban hành chuẩn mới nhưng vẫn giữ cách đánh giá cũ, bị ảnh hưởng nhiều bởi cảm tính, độ thân sơ, yêu ghét như trước nay thì chuẩn mới thậm chí còn là gánh nặng áp lực lớn lên các giáo viên. Nó dễ trở thành cái cớ để điều chuyển, loại bỏ người mà lãnh đạo không vừa ý”, cô Phạm Mai Hương (giáo viên một trường THCS tại Hà Nội) băn khoăn.

Trước thông tin có chuẩn đánh giá mới, đông đảo giáo viên bày tỏ sự đồng tình, sẵn sàng đón nhận trên tinh thần tất cả để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) quan điểm: “Các chuẩn cũ đã áp dụng được nhiều năm nên có những tiêu chí không còn phù hợp (Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học từ 2007, chuẩn giáo viên trung học từ 2009).

Để đáp ứng được yêu cầu của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, đội ngũ giáo viên cần bộ tiêu chuẩn thích hợp để căn cứ vào đó tự đánh giá mình, tự bồi dưỡng mình. Đồng thời, đó cũng là căn cứ để các trường ĐH,CĐ sư phạm lấy căn cứ đào tạo nhân lực ngành giáo dục. Do đó, giáo viên chúng tôi sẵn sàng đón nhận trên tinh thần tất cả để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục”.

Theo thầy Mạnh Tùng, trước khi ban hành chuẩn mới, Bộ GD&ĐT nên tổ chức đánh giá chuẩn cũ một cách sâu sắc và toàn diện nhằm rút kinh nghiệm về cái được, chưa được của bộ tiêu chí đánh giá trong gần chục năm qua. Đặc biệt, lấy ý kiến giáo viên và các nhà quản lý, người làm giáo dục để cùng xây dựng bộ chuẩn mới phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn giáo dục trong giai đoạn mới.

Nói là vậy nhưng lo lắng, trăn trở cũng không ít. Có khi nào bộ chuẩn đánh giá giáo viên mới lại thêm cơ sở cho cấp quản lý đơn vị gây khó dễ cho giáo viên đứng lớp. Nhất là khi cách đánh giá giáo viên trước nay thiên về cảm tính, chủ quan.


Chuẩn mới ban hành phải đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng nếu không sẽ trở thành gánh nặng, áp lực khiến các thầy cô giáo khó lòng an tâm công tác (ảnh minh họa).

Chuẩn mới ban hành phải đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng nếu không sẽ trở thành gánh nặng, áp lực khiến các thầy cô giáo khó lòng an tâm công tác (ảnh minh họa).

Nên chăng có tổ chức độc lập kiểm định chất lượng giáo viên?

“Cơ chế đánh giá như hiện nay khó mà khách quan, công bằng. Theo quy định, hàng năm, giáo viên, tổ bộ môn, hiệu trưởng sẽ đánh giá, xếp loại dựa trên điểm của từng tiêu chí. Cách đánh giá này phụ thuộc nhiều vào cảm tính và sự chủ quan của người đánh giá. Từ đó dẫn đến tiêu cực và làm nặng thêm tính hình thức, bệnh thành tích trong ngành giáo dục”, thầy Trần Mạnh Tùng nhận định.

Theo thầy giáo này, việc tổ chức đánh giá trong thời gian vừa qua mới chỉ làm phần ngọn, gây khó khăn, phức tạp thêm chứ thực ra chưa nâng cao được chất lượng giáo dục.

Thầy giáo Nguyên Lê cảm thán: “Giáo viên lại chịu áp lực rồi... Áp lực mới tăng thêm còn đâu thời gian chăm lo vào đào sâu chuyên môn để yên tâm giảng dạy. Rồi có cớ để dìm, loại bỏ người đấu tranh chống tiêu cực với lãnh đạo... Tôi nói vậy bởi thực trạng 2 chữ công tâm xem ra còn phải xem xét vì hiện tượng bè phái, mất dân chủ trong trường học còn nặng nề lắm…”.

Thầy giáo này cho rằng, muốn chuẩn mới áp dụng có hiệu quả thì Hội đồng giáo dục nhà trường phải kiểm soát tốt quyền lực lãnh đạo cũng như công đoàn, thanh tra nhà trường phải bảo vệ người lao động...

Đông đảo thầy cô giáo mong mỏi, ở bộ chuẩn giáo viên mới mà Bộ GD&ĐT áp dụng trong năm học này, cách đánh giá phải loại bỏ được sự cảm tính, chủ quan, tiêu cực, tránh nể nang, cào bằng. Để việc đánh giá giáo viên theo chuẩn thực sự hiệu quả và đáng tin cậy, một tổ chức kiểm định đánh giá giáo viên độc lập, khách quan có thể là một giải pháp.

Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo công bằng chính trực. Với các giáo viên không đạt chuẩn, cần mạnh dạn bố trí công việc khác hoặc yêu cầu bồi dưỡng, tập huấn một cách nghiêm túc, tránh nể nang, cào bằng, phản tác dụng.

“Cần có một tổ chức kiểm định, đánh giá giáo viên độc lập, khách quan (tương tự như các tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ). Có được điều này, việc đánh giá, sát hạch giáo viên mới thực sự đáng tin cậy, tác động trở lại việc dạy học một cách có hiệu quả”, thầy Trần Mạnh Tùng đề xuất.

Lương giáo viên có “nhúc nhích” theo chuẩn?

Cũng theo thầy Tùng, để nâng cao chất lượng giáo dục, cần làm từ gốc: cần siết chặt đầu vào các trường sư phạm, tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc để đào tạo, cho ra trường những giáo viên thật sự có chất lượng. Thay đổi cách thi tuyển công chức giáo viên sao cho thực chất, công bằng, hiệu quả.

Các thầy cô giáo cũng cho rằng, đi kèm chuẩn mới cần có chế độ lương, thưởng tương xứng với các mức độ khác nhau theo bảng đánh giá giáo viên, có thế mới khuyến khích giáo viên luôn tự hoàn thiện mình.

“Đủ thứ chuẩn vậy lương của giáo viên đã chuẩn chưa. Ban hành các loại chuẩn mới trong khi lương thì không thấy nhúc nhích gì…”, cô giáo Ng. Hoa đặt câu hỏi.

Giáo viên sẽ được đánh giá theo chuẩn mới. Chỉ thị năm học 2017-2018 mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ngày 10/8 nêu rõ, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục áp dụng trong năm học này. Đó là cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn.

Từ đó có biện pháp xử lý đối với các giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Lệ Thu