Chủ trường Quốc tế Mỹ Nguyễn Thị Út Em bị cấm xuất cảnh

Hoài Nam

(Dân trí) - Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN).

Thông tin trên được UBND TPHCM đề cập trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Trường tiểu học - THCS - THPT Quốc tế Mỹ ( Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - AISVN).

Chủ trường Quốc tế Mỹ Nguyễn Thị Út Em bị cấm xuất cảnh - 1

Bà Nguyễn Thị Út Em, chủ trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, bị cấm xuất cảnh (Ảnh: AIPI).

Theo đó, UBND TPHCM cho biết cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐTQ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, do nợ thuế thu nhập cá nhân.

Báo cáo của UBND cũng thông tin, theo ý kiến của Công an TPHCM, hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.

Một số nhà đầu tư đã làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em đề xuất hỗ trợ kinh phí để trường tiếp tục hoạt động đến hết năm học 2023 - 2024. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn nhận lại lợi ích bằng tỷ lệ cổ phần Công ty và có quyền điều hành các hoạt động tài chính của trường.

Đình chỉ tuyển sinh chờ giải quyết

Về hướng giải quyết, UBND TPHCM chỉ đạo các sở ban ngành đẩy nhanh tiến độ làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đầu tư và tổ chức hoạt động giáo dục.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp thanh toán lương cho giáo viên và người lao động (bao gồm giáo viên, người lao động là người Việt Nam và người nước ngoài) đang công tác tại AISVN nhằm ổn định tình hình hoạt động của nhà trường đến hết năm học 2023-2024; có giải pháp yêu cầu nhà đầu tư và Hội đồng trường nhanh chóng thực hiện các vấn đề liên quan đến quyền lợi của giáo viên và người lao động.

Chủ trường Quốc tế Mỹ Nguyễn Thị Út Em bị cấm xuất cảnh - 2

Phụ huynh cầm băng rôn đòi nợ tại trường AISVN vào tháng 9/2023 (Ảnh: PHCC).

Sở GD&ĐT triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học của học sinh bị gián đoạn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập và các nhà đầu tư, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường có tổ chức Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) tiếp nhận học sinh chuyển từ trường AISVN đến theo nhu cầu, tạo điều kiện để học sinh nhanh chóng hòa nhập và ổn định học tập.

Đình chỉ tuyển sinh trong năm 2024 - 2025 đối với AISVN đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục.

Đình chỉ hoạt động của trường nếu không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự.

Chiều 28/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục tích hợp, liên kết giáo dục, đào tạo với nước ngoài trên địa bàn, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nếu có.

Bộ cũng yêu cầu các Sở tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, lưu ý cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.

Về tình hình tại trường AISVN, báo cáo của UBND TPHCM cho biết, tháng 9/2023, nhiều phụ huynh tập trung tại cổng trường căng băng rôn đòi nợ trường.

Sau đó, UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác liên ngành làm việc với trường. Thời điểm đó, trường báo cáo có thể hoạt động đến cuối năm sau khi huy động phụ huynh bổ sung các khoản phí thường niên năm học 2023-2024.

Tính đến tháng 3 năm 2024, đội ngũ nhân sự đang công tác tại trường gồm 129 giáo viên người nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam, 103 nhân viên.

Đối với giáo viên người nước ngoài, trường đã thanh toán 70% lương tháng 1/2024, đang nợ lương 2/2024. Đối với giáo viên người Việt, trường hoàn tất thanh toán lương tháng 1/2024, đang nợ lương 2/2024.

Ngày 7/3, bà Nguyễn Thị Út Em cam kết bằng văn bản về lộ trình trả lương cho giáo viên để duy trì hoạt động dạy học. Cụ thể đến ngày 11/3 sẽ trả bảo hiểm quốc tế và 10% lương tháng 1, đến ngày 14/3 sẽ thanh toán 20% còn lại của lương tháng 1 và toàn bộ lương và tiền nhà tháng 2 cho giáo viên.

Đến thời điểm hiện tại, ghi nhận bà Nguyễn Thị Út Em không thực hiện được nội dung trả lương như cam kết.

Sở GD&ĐT trong quá trình kiểm tra ghi nhận đầu tháng 3 có khoảng 37% giáo viên tại trường nghỉ dạy. Sau khi có bản cam kết về lộ trình trả lương của bà Nguyễn Thị Út Em, tỷ lệ giáo viên nghỉ dạy giảm xuống ở mức dưới 20%.

Chủ trường Quốc tế Mỹ Nguyễn Thị Út Em bị cấm xuất cảnh - 3

Học sinh AISVN đi học trở lại vào ngày 19/3 nhưng phải tự học ở căng tin vì không có đủ giáo viên (Ảnh: PHCC).

Ngày 18/3, trường cho toàn bộ hơn 1.200 học sinh nghỉ học. Sau đó, trường mở trở lại cho học sinh đi học vào ngày 19/3 theo yêu cầu của Sở GD&ĐT TPHCM, ghi nhận khoảng 50% giáo viên nghỉ dạy.

Ngày 20/3, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị các trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức, hiệu trưởng các trường THPT,  trường có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh từ AISVN có nhu cầu chuyển đến.