Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường đại học: Nghe rất lạ, không hợp lý
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh vừa được giao kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020 -2025. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nghe rất lạ, không hợp lý.
Ngày 18/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 1588/QĐ-UBND công nhận ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trường Đại học Hạ Long trực thuộc UBND tỉnh, được thành lập năm 2014 trên cơ sở 2 trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long.
Được biết, ông Nguyễn Văn Thắng là tiến sĩ kinh tế, là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Không thuận
Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường, nguyên hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp cho rằng: “Việc này nghe rất lạ. Tôi nghiên cứu giáo dục mấy chục năm thì thấy trên thế giới chưa có nước nào, có lãnh đạo nào đang đương chức mà kiêm hiệu trưởng một trường đại học.
Nếu chiếu theo Luật Giáo dục đại học, điều 20 nêu rõ về tiêu chuẩn Hiệu trưởng trường ĐH: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;
Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, làm gì thì làm phải chiếu theo luật pháp, ở Việt Nam không cấm chủ tịch tỉnh làm hiệu trưởng. Tuy nhiên, nếu ông Nguyễn Văn Thắng hội đủ các điều kiện trên thì không vấn đề gì nhưng nếu ông Thắng chưa là giảng viên đại học, chưa là trưởng khoa, hiệu phó hoặc chưa có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học thì tôi thấy không thuận”.
Theo GS Viên, trên thực tế, làm chủ tịch một tỉnh bận trăm công ngàn việc quản lý địa bàn thì làm sao mà có thời gian để làm đúng, đủ chức trách của một hiệu trưởng trường đại học. Bởi hiệu trưởng của một trường đại học phải trực tiếp giải quyết trăm thứ việc của nhà trường từ tuyển sinh, giáo trình, đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học…
"Làm hiệu trưởng là phải làm thật vì theo Luật tự chủ giáo dục đại học, hiệu trưởng là CEO của một đơn vị và phải chịu trách nhiệm chính những việc mình làm mặc dù có thể giao cho hiệu phó làm.
Nếu làm chỉ hình thức thì không được bởi vì đã là hiệu trưởng một trường đại học thì việc đầu tiên phải là nhà khoa học. Như vậy, việc ông Thắng làm hiệu trưởng là vi phạm Luật Giáo dục đại học" - GS Viên nhấn mạnh.
Cần hiệu trưởng thực sự
Trao đổi với PV Dân trí, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết, đây là chuyện buồn cười trong giáo dục. Tôi thấy, liên quan đến vấn đề đổi mới trong giáo dục đại học hình như nhiều địa phương không quan tâm nên vẫn làm theo tư duy cũ là cử cấp trên về phụ trách trường đại học. Tuy nhiên, đây lại là việc làm sai.
TS Khuyến cho hay, Luật Giáo dục đại học đã khẳng định: Hội đồng trường mới là thực quyền cao nhất trong một trường đại học chứ không phải hiệu trưởng mà Hội đồng trường chọn ra hiệu trưởng và có quyền phế truất, bãi nhiệm hiệu trưởng.
Những quyết định đó được cấp có thẩm quyền công nhận mà trường ĐH Hạ Long là trường địa phương thì cơ quan quản lý thẩm quyền chính là chủ tịch tỉnh.
Theo TS Khuyến, việc tréo ngoe ở đây, chủ tịch tỉnh là cấp trên của Hội đồng trường, Hiệu trưởng lại chịu sự quản lý của Hội đồng trường, mà ở trường đại học theo quy định, Hội đồng trường mới có quyền lực. Như vậy, ở đây là vô hiệu hóa Hội đồng trường.
"Nếu xét về tiêu chuẩn, nếu ông Thắng chưa đi giảng dạy ở một trường đại học thì không để làm được hiệu trưởng. Nếu xét theo Luật Giáo dục đại học số 34, ông Thắng không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng đại học mặc dù thừa tiêu chuẩn làm trong Hội đồng trường" - TS Khuyến chia sẻ.
TS Khuyến cho rằng, Hội đồng trường một năm họp có vài lần nhưng hiệu trưởng là phải điều hành trực tiếp, quán xuyến hoạt động của trường nên phải luôn có mặt ở trường. Nếu tỉnh muốn cử người hỗ trợ trường ĐH Hạ Long thì kiêm chức ở Hội đồng trường sẽ khả dĩ hơn.
“Nếu chủ tịch UBND về làm hiệu trưởng thì chỉ nên là hiệu trưởng danh dự vì thực tế là cần hiệu trưởng thực sự chứ không cần hiệu trưởng danh dự để quản lý nhà trường” – TS Khuyến nói.
Còn theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, trên thực tế, cũng đã có nhiều thứ trưởng về làm Hiệu trưởng trường đại học nhưng thực ra chỉ là tạm thời, giải quyết khủng hoảng khó khăn trước mắt của trường đại học đó. Còn bổ nhiệm cả một khóa chủ tịch về làm hiệu trưởng thì chưa ở đâu có.
Theo ông Lập, giá như đồng chí chủ tịch tỉnh kiêm chủ tịch Hội đồng trường là mới phù hợp, vì quyết định mọi chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển trường đại học... nằm ở Hội đồng trường. Còn hiệu trưởng là người điều hành trực tiếp thực hiện các chủ trương đó.
Ông Lập nhận định, ở đây có gì đó không hợp lý, vì hiệu trưởng trường đại học rất nhiều việc cụ thể phải điều hành và phải quyết định. Trong khi đó chủ tịch một tỉnh lớn như Quảng Ninh bao nhiêu là việc.
Điều 20 của Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định như sau:
Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc đại học (gọi chung là hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học) là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận; hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ hoặc thời gian bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học.
Tiêu chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học; độ tuổi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật;
Đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;
Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;
Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;
Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Hồng Hạnh