Chủ động trước kỳ thi THPT quốc gia
Nhằm hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn và chất lượng; phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ theo hướng giữ ổn định như các năm 2017, 2018 và có một số điều chỉnh so với năm 2018. Trên tinh thần đó, các trường đã chủ động triển khai chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, trọng tâm là công tác ôn tập, phụ đạo cho HS khối 12.
Học đâu chắc đấy
Thầy Nguyễn Văn Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1 (Bắc Ninh) cho biết, song song với việc dạy - học chính khóa, nhà trường đã có kế hoạch tổ chức ôn tập cho HS. Kiến thức ôn tập bám sát đề thi minh họa và chủ yếu chương trình lớp 12 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Theo thầy Hiếu, kế hoạch ôn tập của nhà trường được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 là học đâu chắc đấy. Nghĩa là, học chính khóa đến đâu, HS sẽ được củng cố kiến thức luôn để không bị “rơi rụng”. Giai đoạn 2, bắt đầu từ cuối tháng 3 đến hết tháng 4, giáo viên sẽ giúp các em hệ thống lại toàn bộ kiến thức và có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng của Bộ GD&ĐT và đề thi minh họa. Giai đoạn 3, từ cuối tháng 4 cho đến trước kỳ thi, chủ yếu tập trung ôn tập cho HS dưới dạng luyện đề và rèn kỹ năng làm bài thi. Đồng thời tư vấn hướng nghiệp và giúp các em ổn định tâm lý trước khi vượt vũ môn.
Cũng theo thầy Hiếu, nhà trường đã tổ chức khảo sát, phân loại HS lần 1. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng cho HS khá - giỏi và phụ đạo thêm cho HS có học lực từ trung bình trở xuống. “Quan điểm của chúng tôi là, trước hết các em phải nắm chắc kiến thức trong SGK sau đó mới bồi dưỡng nâng cao” - thầy Hiếu nhấn mạnh và cho biết thêm: Năm nay nhà trường tiếp tục tái bản cuốn “Cẩm nang tư vấn thi THPT quốc gia” và có bổ sung, chỉnh sửa thêm so với năm 2018.
Tại Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên), cô hiệu trưởng Ngô Thị Quyên cho biết, ngay sau khi Bộ GD&ĐT có công văn về việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2019, nhà trường đã quán triệt đến 100% giáo viên và HS khối 12. Đồng thời đề nghị giáo viên, HS nghiên cứu những điểm mới của kỳ thi năm nay để có tâm thế chủ động trước mọi phương án thi.
Cô Quyên chia sẻ, nhà trường đã tổ chức cho HS đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn thi, đồng thời thi khảo sát lần 1 cho HS khối 12 để có kế hoạch tổ chức ôn tập hợp lý. “Năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức thi khảo sát 3 lần. 2 lần còn lại sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5. Mục đích là để phân loại thật sát học lực của các em HS khối 12, từ đó tổ chức ôn tập đúng và trúng với từng nhóm HS. Qua đó nhằm giúp các em đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới” - cô Quyên nhấn mạnh.
Cán bộ chấm thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Có kế hoạch để “về đích” thành công
Cũng theo cô Quyên, đối với giáo viên, nhà trường đã thành lập các nhóm giáo viên ôn tập cho HS. Các nhóm giáo viên này sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi, hoặc sưu tầm câu hỏi, đề thi để giúp các em ôn luyện. Đồng thời, hướng dẫn các em học online sao cho hiệu quả. “Bắt đầu từ tháng 4, ngoài việc tổ chức ôn tập cho HS, chúng tôi sẽ mở cửa các lớp học vào buổi tối nhằm phục vụ các em có nhu cầu đến học tập, ôn luyện. Cùng với đó, nhà trường sẽ khuyến khích giáo viên bộ môn đến trường để đồng hành cùng HS khối 12 và phụ đạo cho các em (nếu cần)” - cô Quyên chia sẻ.
Xác định việc đầu tiên là giúp HS nắm được những điểm mới của Kỳ thi THPT quốc gia 2019, thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết: “Chúng tôi liên tục nhắc nhở giáo viên trong trường và HS khối 12 về một số điều chỉnh của kỳ thi năm nay để thầy - trò không bị bị động. Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn tập, chúng tôi chú trọng làm công tác tư vấn tâm lý để các em không hoang mang, lo sợ. Trái lại, giúp các em bình tĩnh, tin tưởng vào khả năng của bản thân và tin tưởng vào chủ trương, phương án thi của Bộ GD&ĐT”.
Theo thầy Lạc, đến thời điểm này, vẫn còn đủ thời gian để các em củng cố kiến thức, sau đó tiếp đà “tăng tốc” để “về đích” đúng nguyện vọng. Vì thế, việc cần làm lúc này là các em cần học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đấy và tuyệt đối không được lơ là, sao nhãng học hành, nhất là những giờ học trên lớp.
Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi Kỳ thi THPT quốc gia năm nay bám sát kiến thức chuẩn, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở GDĐH, GDNN làm cơ sở cho tuyển sinh. Cùng với đó, Bộ sẽ tăng cường trách nhiệm của cán bộ các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ trong tổ chức thi và bảo mật đề thi, bài thi. Bộ cũng sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT và của các trường ĐH, CĐ đối với chấm bài thi tự luận.
Theo Minh Phong
Giáo dục & Thời đại