Chồng than trời vì vợ "kỳ thị" tiếng Việt, bắt cha con phải nói tiếng Anh
(Dân trí) - "Thôi, thôi, bố nói tiếng Anh với con đi!", cuộc nói chuyện bằng tiếng cha sinh mẹ đẻ của anh Hải với con trai lớp 3 nhanh chóng bị vợ chỉ đạo, can thiệp.
"Bố nói tiếng Anh với con đi"
"Có ai là người Việt, sống ở Việt Nam mà không được nói tiếng Việt, chỉ được dùng tiếng Anh như cha con nhà mình không?", anh Nguyễn Ngọc Hải, ở TP Thủ Đức, TPHCM cảm thán về chuyện... tiếng Việt bị kỳ thị ngay trong nhà mình.
Có vốn tiếng Anh, giao tiếp trôi chảy nên lâu nay, anh Hải được vợ giao nhiệm vụ nói tiếng Anh với con. Tuy nhiên, hai bố con cũng chỉ trao đổi tiếng Anh khi con học hay ở những thời điểm nhất định, còn lúc thoải mái nhất, hiểu nhau nhất vẫn là nói tiếng mẹ đẻ với nhau.
Tuy nhiên, mỗi lần cha con nói chuyện tiếng Việt, chỉ được một lúc là vợ anh chen vào chỉ đạo: "Bố nói tiếng Anh với con đi".
Không chỉ ở nhà, nhiều lần đi trong thang máy hay ra ngoài, vợ anh cũng nhắc đi nhắc lại "câu thần chú" trên.
Anh Hải kể, khi con còn bé, tiêu chí tìm trường mầm non cho con của vợ anh phải là trường có tiếng Anh. Khi con vào tiểu học, khát khao có tiền cho con học trường quốc tế bất thành, vợ anh bù đắp bằng cách dồn thời gian, tiền bạc, công sức để con học tiếng Anh.
Cháu học tiếng Anh tăng cường ở trường, rồi được mẹ đăng ký học thêm ở trung tâm Anh ngữ một tuần 3 buổi, học phí tầm 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, vợ anh còn đăng ký cho con khóa học online 1 kèm 1 với giáo viên nước ngoài.
"Trong nhà, lương của vợ tôi chi trọn cho việc học tiếng Anh của con", anh Hải cho hay.
Vẫn thấy chưa đủ, người mẹ làm còn mọi cách để "nhúng" con trong tiếng Anh. Từ việc yêu cầu chồng nói tiếng Anh với con, chị mở oang oang suốt ngày các chương trình tiếng Anh để "ngôn ngữ đi vào não con tự nhiên nhất".
Ngay cả bạn bè con đến chơi nhà, cũng nghe mẹ nhắc: "Các con nói tiếng Anh với nhau đi" đến mức đứa con khó chịu, căng thẳng vì hay bị mẹ nhắc nhở, nắn chỉnh.
Đã không ít lần anh Hải nổi khùng lên "cô giỏi đi mà nói", người vợ liền ca bài: "Mẹ không giỏi tiếng Anh nên mới khổ thế này, mới thua thiệt đủ bề". Được vài ba hôm, vợ anh lại... quen đường cũ, không ngừng nhắc chồng và con "tích cực nói tiếng Anh vào".
Câu chuyện "bố bớt nói tiếng Việt, nói tiếng Anh với con nhiều vào" trở thành vấn đề gây xung đột trong gia đình anh.
Nguồn lực giáo dục trong gia đình tập trung hết cho tiếng Anh của con như gia anh Hải không phải là chuyện hiếm. Không ít bố mẹ Việt, từ khi con trong bụng mẹ đã thai giáo hát ru bằng tiếng Anh, làm mọi cách để "nhúng" con trong tiếng Anh khi con vừa chào đời.
Từ trong nhà ra ngoài ngõ, nhiều ông bố bà mẹ tìm cách "bồi" tiếng Anh cho trẻ. Cảnh bội thực dễ gặp ở thang máy tại nhiều chung cư, trong không gian chật hẹp đó, nhiều bố mẹ vẫn ráng "bắn" tiếng Anh với con nhỏ.
Giờ đây, những đứa trẻ mới 2-3 tuổi đã được bố mẹ cho "chạy sô" học tiếng Anh tại các trung tâm, tại nhà giáo viên đã không hề lạ.
Không ít đứa trẻ người Việt, sống ở Việt Nam nhưng khó khăn trong sử dụng tiếng Việt, thậm chí có trường hợp không nói được tiếng mẹ đẻ cũng là vấn đề được nhắc đến lâu nay.
Học tiếng Anh và tiếng Việt không nằm ở hai phía đối lập
TS Nguyễn Vinh Quang, sáng lập viên Tổ chức hướng nghiệp Mr.Q, tác giả cuốn sách "Khởi nghiệp cuộc đời" nêu quan điểm, việc bố mẹ Việt Nam đẩy mạnh việc học tiếng Anh cho con từ rất sớm không hoàn toàn là "kỳ thị" tiếng Việt.
Đây có thể là một phản ứng tự nhiên đối với xu hướng toàn cầu hóa, môi trường kinh tế toàn cầu đòi hỏi khả năng thông thạo tiếng Anh.
Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu, việc biết tiếng Anh có thể tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ em khi các em trưởng thành. Đây không chỉ là việc mở rộng kiến thức và hiểu biết văn hóa toàn cầu cho trẻ mà còn giúp tăng khả năng hợp tác, giao tiếp trong thế giới ngày càng liên kết.
Ông Vinh cho biết, chính bản thân ông đã tiếp cận và cho con mình tham gia học tiếng Anh ngay từ khi con còn nhỏ.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Vinh Quang nhấn mạnh: "Việc học tiếng Anh và việc gìn giữ tiếng Việt không cần phải đứng ở hai phía đối lập".
Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp cả hai để tạo ra một môi trường học tập đa dạng, tăng cường và giàu tính văn hóa. Đặc biệt, phải làm cho quá trình học này trở nên thú vị và hấp dẫn giúp trẻ yêu thích, hào hứng với việc học.
Việc giáo dục đa ngôn ngữ, bao gồm cả việc học tiếng Anh có thể mang lại những lợi ích to lớn cho trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học nhiều hơn một ngôn ngữ từ sớm có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng suy nghĩ phản biện, sáng tạo hơn, và có khả năng tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề.
Hơn nữa, điều này còn giúp trẻ học cách tập trung và kiểm soát mức độ chú ý của mình. Việc tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ từ nhỏ cũng giúp trẻ phát triển lòng thông cảm và sẵn lòng chấp nhận sự khác biệt văn hóa.
Đối với việc nhiều đứa trẻ người Việt, sống ở Việt Nam bị hạn chế dùng tiếng mẹ đẻ, TS Nguyễn Vinh Quang cho hay là điều đáng buồn.
Ngôn ngữ là một phần quan trọng của văn hóa và danh tính. Việc trẻ hiểu và giữ gìn tiếng mẹ đẻ có ý nghĩa trong việc hình thành bản thân và nhận diện danh tính của đứa trẻ.
Mất đi khả năng giao tiếp trôi chảy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ có thể tạo cảm giác xa cách với văn hóa và nguồn gốc của mình, theo ông Quang đó cũng chính sự thiệt thòi, mất mát với chính đứa trẻ.
TS Nguyễn Vinh Quang bày tỏ, trẻ em Việt Nam học và sử dụng tiếng Anh không có nghĩa là phải giảm bớt việc học và sử dụng tiếng Việt.
Ngược lại, việc thành thạo nhiều ngôn ngữ sẽ mở rộng tầm nhìn của trẻ, giúp chúng hiểu thêm về thế giới và văn hóa khác nhau, đồng thời giữ vững và phát triển ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ.