Chồng cô giáo tử nạn ở Hà Giang ám ảnh giây phút lao xe xuống vực
(Dân trí) - "Xe mất phanh lao vun vút xuống vực, trong vòng mấy giây, tôi chỉ kịp kéo con gái ra. Khi mở mắt, tôi nghe thấy tiếng con khóc gọi bố ơi cứu con, còn vợ nằm im bất động cách tôi vài mét".
Trên đây là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Đại Đình Nam, chồng của cô giáo Hà Giang tử vong vì xe lao xuống vực cách đây không lâu.
Chuyến xe định mệnh
Chia sẻ với PV Dân trí chiều 10/5, thầy lặng đi một lúc rất lâu, mắt ngước nhìn lên trần, ầng ậng nước.
Thầy Nam nghẹn ngào nói rằng, gần một tuần trôi qua, anh vẫn rất sợ hãi và ám ảnh bởi giây phút xe máy mất phanh lao vun vút xuống vực khiến vợ anh tử nạn.
Anh không tài nào chợp mắt, có chăng chỉ thiu thiu ngủ độ mươi, mười lăm phút thì giật mình tỉnh ngay, đầu óc căng thẳng.
"Khoảng 7h ngày 3/5, sau kỳ nghỉ lễ, vợ chồng tôi chở con gái bằng xe máy từ nhà bà nội ở Phú Thọ lên Trường Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang.
Đến đỉnh dốc Sín Chải cách trường khoảng 2km, tôi cảm giác xe yếu do đi đường dài. Tôi dừng lại, bảo vợ nghỉ một lúc kẻo sợ đi lâu phanh xe không "ăn". Đến bây giờ tôi không hiểu sao lúc ấy mình lại nói câu đó.
Tôi nghỉ tầm 10 phút và tiếp tục đi. Lúc ấy tôi phanh, xe vẫn đi chầm chậm nhưng được một lát thì tôi không còn cảm giác phanh, xe cứ thế lao vun vút không thể hãm.
Lúc đó con gái tôi ngồi trước, vợ ngồi sau. Trong vòng mấy giây, tôi không kịp suy nghĩ gì, chỉ nhanh tay kéo con ra khỏi xe để cứu cháu , đồng thời hai vợ chồng cứ thế lao vun vút xuống", thầy Nam nghẹn ngào nhớ lại.
Cũng theo thầy giáo Nam, đoạn vực này không quá sâu nhưng rất nhiều đá và nhiều người đã từng mất phanh ở khu vực đó. Xe lao xuống vực một lúc sau, anh mới tỉnh lại.
"Lúc đó tôi nghe thấy tiếng con gái kêu cứu mới biết con còn sống. Nhìn xuống cách tôi tầm vài mét, vợ nằm sõng soài đấy nhưng tôi gọi tên mãi vẫn không thấy động tĩnh gì.
Tôi không thể trở mình để bò tới bên vợ xem thế nào vì bản thân cũng bị thương nặng.
Tôi cố gắng gỡ túi áo ngực, lấy điện thoại gọi cho đồng nghiệp ở trường. Mọi người ứng cứu rất nhanh nhưng đêm đó vợ tôi đã không qua khỏi", thầy Nam nhớ lại.
Hai con nhỏ nhớ thương, gọi mẹ
Được biết thầy giáo Nguyễn Đại Đình Nam sinh năm 1983. Anh là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em.
Thầy Nam tốt nghiệp trung cấp ở Phú Thọ và cơ duyên đến công tác tại Trường Tiểu học Đường Thượng hơn 12 năm nay.
Anh cho biết, lấy nhau hơn 10 năm, mãi đến năm 2021, hai vợ chồng tích cóp dựng được căn nhà nhỏ gần trường, định bụng sẽ sinh sống ở đây lâu dài, nào ngờ!
Thầy Nam cho biết, bố anh mất đã mấy năm nay, mẹ anh cũng ở tuổi thất thập cổ lai hi.
Hai con nhỏ của anh (một lớp 4 và một 5 tuổi) hàng ngày nhớ thương gọi mẹ rất xót ruột.
Vậy nên nếu có thể, anh cho biết, mình rất mong muốn được chuyển về gần gia đình tại Phú Thọ để chăm sóc mẹ già, con nhỏ.
Chia sẻ với PV Dân trí ngày 10/5, bác sĩ Tào Minh Châu - Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, thầy Nam nhập viện trong tình trạng tỉnh táo nhưng chấn thương nặng, thiếu máu nghiêm trọng và tổn thương ở bụng.
Việc chấn thương của thầy Nam đã được Bệnh viện đa khoa Hà Giang và Bệnh viện Việt Đức điều trị, đang trong quá trình phục hồi.
Điều phát sinh hiện nay, thầy Nam bị xuất huyết đường tiêu hóa. Qua nội soi dạ dày cho thấy, bệnh nhân bị loét khá phức tạp ở tá tràng, cần theo dõi.
"Ngày 10/5, Ban Chủ nhiệm khoa đã cho bệnh nhân này chụp cắt lớp xem vị trí chảy máu để có phương án can thiệp, chữa trị ra sao cho phù hợp. Bệnh nhân hiện đang được theo dõi và chưa thể nói trước được điều gì", BS Châu nói.
Cũng theo BS Châu, Ban chủ nhiệm khoa rất thấu cảm, sẻ chia với hoàn cảnh của gia đình anh Nam.
Sau biến cố tai nạn, cộng với chấn thương tâm lý nặng nề có thể khiến bệnh nhân căng thẳng dẫn đến nhiều vấn đề khó chịu trong cơ thể khiến anh mất ngủ.
Mặc dù vậy BS Châu khẳng định, về mặt điều trị chuyên môn, hiện nay khoa đang dành tất cả những gì tốt nhất cho bệnh nhân này.
Như Dân trí phản ánh trước đó, ngay sau khi tai nạn xảy ra với vợ chồng thầy Nam và cô Mai Thị Yến - giáo viên Trường mầm non Đường Thượng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Giang, Sở GD&ĐT Phú Thọ, Sở Nội vụ Phú Thọ và UBND huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), đề nghị xem xét chuyển công tác cho thầy Nguyễn Đại Đình Nam về công tác gần nhà.
Trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay, Sở GD&ĐT Hà Giang, Sở GD&ĐT Phú Thọ ủng hộ việc chuyển và tiếp nhận thầy Nam về công tác gần nhà.
Việc chuyển công tác cho thầy Nam về nơi gia đình thầy đang sinh sống để phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, thuận lợi chăm sóc hai con nhỏ khi vợ thầy không còn nữa.