Bạn đọc viết:

Chọn trường THPT: Đừng để biến thành cuộc “đối đầu” giữa cha mẹ và con

(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy một tháng của năm học 2018-2019, các học sinh bậc THCS sẽ bước vào kì thi học kì 2 nhưng hầu như kì thi định kì này không làm các bậc phụ huynh quan tâm và lo lắng như cuộc đua vào các trường cấp 3 vào đầu tháng 6 tới.

Thời gian này, những gia đình có con em đang học lớp 9 - lớp cuối cấp đang như “ngồi trên đống lửa” về việc chọn những trường chuyên lớp chọn cho con em mình. Nên hiện tượng người người, nhà nhà “chạy đôn chạy đáo” để dò hỏi thông tin, chờ đợi thông tin từ các trường cấp 3 trong việc tổ chức xét tuyển hay thi tuyển đầu vào đang là mối bận tâm lớn nhất.

Từ đây đã nảy sinh không ít chuyện “dở khóc dở cười” của những cô cậu học trò nhỏ đang ở bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong sự nghiệp học vấn của mình.

Câu chuyện chọn trường sẽ trở nên đơn giản và nhẹ tênh đối với những học sinh có học lực từ loại Khá trở xuống vì các em biết mình không thể trèo cao trong cuộc đua đầu tiên này.

Nhưng câu chuyện trở nên hoàn toàn khác biệt đối với những cô cậu học trò có học lực từ Khá trở lên, vấn đề càng trở nên “nóng” hơn với những học sinh có học lực giỏi và được cha mẹ đầu tư một cách “tuyệt đối”.

Câu chuyện chẳng có gì đáng bàn khi cha mẹ và con tìm thấy tiếng nói chung và thống nhất trong cách chọn lớp, chọn trường phù hợp với sở thích và năng lực học của con em. Nhưng điều này hoàn toàn ngược lại.

Cô bé cuối cấp THCS ở cạnh nhà tôi loay hoay mãi trong việc chọn trường thi, lớp học từ đầu năm học lớp 9. Vốn có học lực giỏi trong 4 năm liền 6, 7, 8, 9 và học sinh này còn có chân trong đội tuyển Học sinh giỏi Văn của thành phố. Năm nào em cũng lọt top “gà chọi” môn Ngữ Văn và được công nhận học sinh giỏi môn Ngữ văn.

Tuy nhiên, khi đứng trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn lớp để vào cấp 3, em học sinh này vô cùng lúng túng và mông lung. Thi vào lớp chuyên Văn một trường nổi tiếng đó là ước mơ của bao bậc phụ huynh làm cha làm mẹ, cha mẹ em học sinh này không ngoại lệ nhưng giữa việc nói và làm là cả  một khoảng cách. Mẹ em học sinh này tìm cách tư vấn và động viên con vào lớp chuyên Văn để “thỏa cả đôi đường”, thế nhưng cô học sinh này cảm thấy thật sự áp lực và lo lắng vì để vào được một trường chuyên, lớp chọn không phải là chuyện giản đơn.

Loay hoay mãi, tờ đơn đăng kí thi tuyển vào các trường cấp 3 vẫn đang bỏ ngỏ ở trên bàn học của cô bé này.

Một câu chuyện khác cũng làm người lớn cần phải suy nghĩ.

Cậu học trò lớp cuối cấp (gọi tôi bằng dì) mấy ngày nay hết sức ủ rủ. Chị gái tôi phải cầu cứu tôi vì chuyện xích mích giữa câu bé với bố trong việc đăng kí thi tuyến vào các trường cấp 3.

Cậu bé vốn con gia đình có điều kiện, được bố mẹ đầu tư không ít tiền của để học thêm, học kèm các môn. Cũng may mắn, thằng bé chăm học và rất ngoan ngoãn. Từ học lực khá các năm lớp 6, 7 rồi vươn lên học lực giỏi của hai năm 8, 9.

Anh chị gái tôi không ngớt tự hào về thằng bé. Thế mà giờ đây - ngay thời điểm quan trọng này, nó làm bố nó thất vọng và buồn bã vì ông bố này nhìn thấy trong tờ đơn thằng bé đưa bố kí không thấy tên trường cấp 3 nổi tiếng mà anh thầm ao ước. Thay vào đó, đập vào mắt ông bố này là tên một ngôi trường thuộc loại trung bình.

Ông bố không kịp đọc hết tờ đơn, mắt trợn ngược, mặt đỏ lửng ra sức quát mắng thằng bé. Rằng thằng bé làm mất mặt bố, thằng bé làm anh thất vọng, thằng bé làm anh buồn vì bao nhiêu hy vọng và tiền bạc anh không tiếc đầu tư vào việc học của con. Tờ đơn bay theo chiều gió khi thiếu sức nặng của chữ kí, thằng bé phát hoảng trước thái độ của bố, nó “ba chân bốn cẳng” chạy vào phòng đóng sầm cửa lại.

Không khí gia đình chùng xuống, mẹ thằng bé “chân ướt chân ráo” từ dưới bếp chạy lên với khuôn mặt thất thần, chưa kịp hiểu hết chuyện.

Chị chạy vào phòng trấn an con thì bắt gặp khuôn mặt giàn giụa đầy nước mắt của con.

Lúc này cháu tôi mới có dịp phân trần với chị gái tôi. Cháu bảo rằng chính cháu mới là người biết được sức học của mình ngang đâu. Sở dĩ, cháu chọn ngôi trường bình thường trong những ngôi trường có tiếng là đảm bảo độ chắc cho kì thi tới. Còn nếu cháu chọn những ngôi trường nổi tiếng như trường chuyên lớp chọn, e cơ hội đổ vào sẽ rất thấp, khi đó, cháu sẽ dễ bị hỏng và bố mẹ lại tốn tiền cho cháu học trường tư.

Nghe thằng bé nói, chị gái tôi sững người vì những suy nghĩ rất người lớn của con trai.

Trong câu chuyện này có lẽ, mỗi bên đúng một hướng, chỉ có điều giữa bố mẹ và con chưa thật sự tìm được tiếng nói chung.

Tôi nghĩ rằng, là bố mẹ hãy lắng nghe con, cần hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con vì không ai sống cuộc đời thay con cả.

Bố mẹ có quyền hy vọng nhưng hy vọng phải phù hợp với thực tế.

Tôi chỉ tiếc nuối một điều, giá như thằng bé có một cuộc trò chuyện với bố mẹ trước khi đăng kí thi vào một trường cấp 3 nào đó.

Thiết nghĩ mỗi một chặng đường con đi qua rất cần sự đồng hành của cha mẹ, phụ huynh sẽ là người định hướng, dẫn dắt để con phát triển những mặt mạnh mà chỉ riêng bản thân con mới biết. Xin đừng tạo áp lực lên vai của con trẻ, hãy để các con là chính mình.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm