Chọn nghề năm 2019: Nên xóa bỏ định kiến nghề danh giá

(Dân trí) - “Nghề danh giá là nghề đem lại giá trị cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp. Như vậy, không nên so sánh nghề này với nghề kia bởi nghề nào đáp ứng được những tiêu chí đó cũng đều danh giá”.


Học sinh trường THPT Việt Đức - Hà Nội tại buổi tọa đàm tư vấn hướng nghiệp

Học sinh trường THPT Việt Đức - Hà Nội tại buổi tọa đàm tư vấn hướng nghiệp

Nghề thu nhập cao nhất là nghề “chuyên nghiệp nhất”

Tại buổi tọa đàm: “Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học năm 2019”, Tiến sĩ Trần Văn Tính, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, các phụ huynh và học sinh cần xóa bỏ định kiến về nghề danh giá để lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Theo TS Tính, nghề danh giá là nghề đem lại giá trị cho xã hội, phát triển và đáp ứng nhu cầu của cá nhân, giữ được nhân cách con người tốt đẹp. Như vậy, không nên so sánh nghề này với nghề kia bởi nghề nào đáp ứng được những tiêu chí đó cũng đều danh giá.

Đặc biệt, nghề có thu nhập cao nhất là nghề “chuyên nghiệp nhất” và bất cứ nghề nào cũng có thể chuyên nghiệp được. Ví dụ: Nghề cắt tóc, gội đầu nếu chuyên nghiệp thì đều có thu nhập có tốt.

TS Tính đưa ra 3 yếu tố quan trọng đối với một nghề chuyên nghiệp, đó là: Phát huy tối đa năng lực cá nhân; đáp ứng nhu cầu của thị trường và phải công nghệ hóa.

Trong thời cuộc 4.0 sẽ luôn có những nghề mới xuất hiện theo xu thế của xã hội như các nghề: quảng bá sản phẩm, bán hàng online, môi giới chứng khoán, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi, tổ chức sự kiện, làm đẹp, công nghệ ô tô… đây là những nghề mà xã hội cần và có nhu cầu cao và khó thất nghiệp.

Tư vấn cho các thí sinh, TS Tính lưu ý, khi chọn nghề, trước hết bạn phải hiểu chính mình. Sau đó, đến các yếu tố như yêu cầu điểm thi, năng lực trí tuệ người lao động mà nghề đó yêu cầu, tính cách, sức khỏe và sự đam mê…

Rất nguy hiểm nếu không hiểu rõ nghề mình chọn

Trước đó, chia sẻ với các thí sinh về chọn nghề tại các buổi tư vấn tuyển sinh, Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà cho rằng, chọn nghề nhưng không hiểu biết về những công việc mà mình phải làm sau này, nhưng khó khăn vất vả mình phải đối mặt… dẫn tới khi các bạn tốt nghiệp ra trường, đi làm rồi lúc đó mới nhận ra ngoài kiến thức chuyên môn được học thì bản thân không có đủ điều kiện cả về sức khoẻ, tính cách đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của công việc. Chọn nghề kiểu này sẽ dẫn tới những tác hại vô cùng nguy hiểm dẫn tới những sự cố đáng tiếc sau này.

Theo TS Hà, thu nhập cao và dễ xin việc luôn là những giá trị hấp dẫn các bạn học sinh lấy làm căn cứ cho việc chọn nghề. Điều này không sai nhưng nó lại khiến các bạn quên mất chúng ta chỉ có thể kiếm được việc làm và được trả lương cao khi chúng ta đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của nhà quản lí cả viền kiến thức, kĩ năng và thái độ.

Hơn nữa, khi các bạn bắt tay vào công việc lúc đó bạn mới nhận thấy ngoài tiền bạc bạn còn mong đợi một cơ hội để mình phát huy năng lực, có một môi trường làm việc thân thiện, phù hợp với tích cách của mình.

Thực tế hàng năm chúng ta có hàng ngàn bạn sinh viên ra trường ở mọi ngành nghề khác nhau nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Nhiều bạn không thể chờ đợi công việc đúng chuyên môn đã phải đi làm đủ nghề để kiếm sống như chạy bàn trong quán bar, đi bán nước chè, bán quần áo…

Trong khi đó, nhiều bạn sinh viên học các ngành như điện, hàn, nguội… tại các trường trung cấp, khi tốt nghiệp ra trường đã được các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhận về làm việc với thu nhập ổn định và nhiều cơ hội thăng tiến. Vì thế nếu nghĩ đơn giản rằng học đại học sẽ dễ xin việc hơn học trung cấp, cao đẳng thì đó là một sai lầm.

Một vấn đề quan trọng mà theo TS Hà, mỗi người đều có sở trường, sở đoản, tính cách, năng lực và sở thích khác nhau vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc đã mang đến thành công cho người kia. Ở nhiều gia đình, bố mẹ thường hay định hướng thậm chí bắt buộc con cái phải đi theo con đường nghề nghiệp mà bố mẹ đã có nhiều thành công.

“Truyền thống nghề nghiệp gia đình là một nhân tố quan trọng để các bạn học sinh phát triển sự nghiệp của mình. Nhưng sẽ là sai lầm nếu bản thân cố tình lựa chọn theo nghề của bố mẹ, người thân mà không tính tới sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú của mình với các yêu cầu của nghề nghiệp” – TS Hà nhấn mạnh.

TS Trần Văn Tính, giảng viên khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, học sinh cần trả lời 7 câu hỏi để chọn nghề phù hợp nhất với năng lực bản thân:

1.Có nghề mới xuất hiện không, xu thế xã hội hiện tại đang phát triển nghề gì?

2. Nghề nào phát triển tốt nhất, dễ xin việc nhất?

3. Nghề nào là nghề danh giá nhất?

4. Nghề nào thu nhập cao nhất?

5. Học đại học có phải là con đường duy nhất để thành công không?

6. Chọn một ngành học có phải là nghiệp của cả đời không?

7. Xã hội phát triển cần người làm nghề như thế nào?


Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm