Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số?

Đình Cường

(Dân trí) - Trong quá trình chuyển đổi số sẽ làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp sẽ bị thay thế.

Sáng 24/4, tọa đàm trực tuyến "Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số" do báo Đại biểu nhân dân phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội.

Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số? - 1

Tọa đàm trực tuyến "Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số".

Xu hướng chọn nghề khi chuyển đổi số

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong thời kỳ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Trong quá trình chuyển đổi công nghệ số sẽ kéo theo sự thay đổi lớn trong quản lý giáo dục nghề nghiệp, cách đào tạo nghề hiện nay. Với sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới, tiếp cận theo xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp học sinh và phụ huynh nắm bắt, lựa chọn được những ngành nghề có sự ổn định và thu nhập cao hơn.

Ngoài ra, nhờ nền tảng của công nghệ số sẽ thay đổi cách thức truyền thông tới học sinh. Chúng ta có thể tạo ra nhiều kênh truyền thông và truyền thông liên tục để chương trình giáo dục phổ thông có lồng ghép nội dung định hướng nghề nghiệp. Đây là những tác động lớn để có thể thay đổi xu hướng lựa chọn nghề nghiệp cho thí sinh.

Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số? - 2

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ số vào tất cả lĩnh vực của các tổ chức, doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Các trường đại học cũng sẽ phát triển dần thành đại học số.

Vậy việc làm sao để dựa trên những ứng dụng mới như vậy thì rõ ràng phải thay đổi phương thức điều hành cũng như lựa chọn trong tương lai.

Chính phủ đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, trong đó đặc biệt ưu tiên một số lĩnh vực cần chuyển đổi số mạnh mẽ, dẫn dắt hàng đầu như giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp…

Đó là những định hướng lớn, khi các trường đại học, cao đẳng, THPT trang bị kỹ năng số cho các em rất sớm. Nếu quá trình chuyển đổi số như vậy sẽ làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt những ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp thì sẽ bị thay thế.

"Để có thể làm chủ cuộc cách mạng số thì càng phải có tri thức cao, có kỹ năng hiện đại, cập nhật, nếu không sẽ bị lạc hậu và tụt lại trong cuộc cách mạng thông tin này", bà Thu Thủy nhấn mạnh.

Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số? - 3

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy 

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, tỷ lệ sinh viên nhập học đại học tại Việt Nam chỉ khoảng 185 em/vạn dân, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong khi ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, tỷ lệ này dao động từ 300 - 600 sinh viên/vạn dân…

Ở nước ta, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đầu tư rất mạnh từ giảng viên đến cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế hội nhập với thế giới để các em có thể lựa chọn. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng ta cần hiểu rằng, học tập là quá trình suốt đời, mỗi phút tri thức sẽ nhân lên rất nhiều lần. Vậy nên, các em học sinh cần lựa chọn ngành nghề phù hợp để lĩnh vực mình đóng góp không bị lạc hậu trong tương lai.

Lựa chọn nghề nào có triển vọng?

Ông Vũ Chí Thành - Giám đốc Khối đào tạo Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng. Các khối ngành nghề kinh tế - xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, khối ngành công nghệ thông tin đang thiếu khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm. Trong công nghệ thông tin có các ngành liên quan đến thiết kế website. Hiện, mỗi doanh nghiệp muốn ổn định đều cần có một web để quảng bá cho hình ảnh của mình.

Nhóm ngành thứ hai trong công nghệ thông tin là ngành thiết kế đồ họa. Trong nhóm ngành này kết hợp đồ họa mỹ thuật bằng tay chân với đồ họa số đòi hỏi các bạn sinh viên khi ra trường phải lành nghề.

Khối ngành liên quan đến kinh tế kinh doanh, trong đó có ngành maketing số. Hiện nay, muốn gia tăng sự xuất hiện của mình thì các doanh nghiệp phải hiểu về kinh doanh số, sự xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, google, trên internet, và sự xuất hiện của mình phải làm sao giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng của mình.

Nhóm ngành nghề hấp dẫn người học là nhóm ngành về du lịch, khách sạn. Việt Nam đang là điểm đến an toàn và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nhóm ngành này đang cần nguồn nhân lực dồi dào. Với khối ngành này, ngoại ngữ là quan trọng.

Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số? - 4

Ông Vũ Chí Thành - Giám đốc Khối đào tạo Cao đẳng FPT Polytechnic

Theo ông Thành, khi xã hội gặp biến động, các ngành công nghiệp như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... ít bị tác động đó là nhóm ngành khoa học cơ bản - được ví như "xương sống" của nền kinh tế. 

Ngoài ra, khi xã hội phát triển, con người có nhu cầu làm đẹp, các nhóm ngành nghề về làm đẹp rất phát triển như chăm sóc da, móng, tóc, trang điểm, các ngành chăm sóc sức khỏe... sẽ rất phát triển.

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi cho biết, nhu cầu xã hội hay thị trường lao động là yếu tố luôn biến đổi không ngừng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn nghề nghiệp.

Trong mỗi giai đoạn nhất định sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn năng lực. Tuy nhiên, sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp.

Không thể phủ nhận, xu thế của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số, càng ngày nhiều ngành nghề có xu hướng cắt giảm nhân sự.

Chọn ngành học nào để không tụt hậu trong thời chuyển đổi số? - 5

GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi

 GS Việt cho rằng, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 cho thấy sự bất ổn về kinh tế - xã hội, đòi hỏi cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động...

"Mặc dù quan tâm đến các ngành "hot", Chính phủ vẫn nên có các chính sách để thu hút học sinh chọn các ngành khoa học cơ bản, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của đất nước" - GS Việt đề nghị.