Cho con học kỹ năng hè theo kiểu… ăn may
(Dân trí) - Từ những kỹ năng cơ bản đến đủ loại các kỹ năng mang tính “tầm cỡ” ào ạt đổ bộ trong dịp hè làm người học không khỏi “chóng mặt”. Nhiều phụ huynh kỳ vọng các khóa học sẽ làm thay đổi con mình dù chọn học theo kiểu... ăn may.
Nở rộ kỹ năng hè
Tại địa bàn TPHCM có thể điểm danh hàng loạt các chương trình hè, kỹ năng sống dành cho học sinh do nhiều đơn vị tổ chức như ở các trường học, nhà thiếu nhi, các đoàn thể cho đến trung tâm, công ty tư nhân…
Từ các kỹ năng cơ bản rèn khả năng tập trung, học ngoại ngữ, chăm sóc bản thân, ứng phó các tình huống trong cuộc sống, khơi gợi đam mê sáng tạo, tình yêu thương cho đến các kỹ năng “tầm cỡ” như trở thành người lãnh đạo, nhà hùng biện, trui rèn bản thân… Tất cả được nhà tổ chức tận dụng, đánh vào “cơn khát” kỹ năng sống cho con hiện nay của phụ huynh (PH) khi mà trẻ đang quá thiếu các kỹ năng. Không chỉ các chương trình dài hạn, nhiều khó học kỹ năng ngắn hạn chỉ trong vài buổi học cũng nở rộ, đáp ứng nhu cầu giúp PH có thể cho con học nhiều khóa cùng lúc mà không lo “bí” thời gian.
Các trường quốc tế cũng không đứng ngoài cuộc, không chỉ dành cho HS của trường mà còn mở cửa tiếp nhận HS bên ngoài. Mỗi trường tổ chức một kiểu nhưng về cơn bản "đánh" vào hướng “học mà chơi”, vừa giúp các em hình thành các kỹ năng thông qua các hoạt động, đồng thời không quên trau dồi các kiến thức văn hóa để PH bớt được nỗi lo con bỏ bê việc học.
Nhưng rầm rộ nhất trong hè là những chương trình kỹ năng sống do các đoàn thể, trung tâm, công ty tổ chức. Với lực lượng tổ chức hùng hậu, hầu hết mỗi trung tâm đều có đến hàng chục các khóa học theo độ tuổi, chủ đề, cấp độ để PH muốn con học kiểu nào cũng… đáp ứng được ngay. Có thể kể đến nhiều khóa học, rèn luyện kỹ năng như học kỳ quân đội, thực hành xã hội thu hút được đông đảo học viên như Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, Công ty đào tạo Tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương kết hợp cùng Nhà văn hóa Sinh viên, chương trình “Nhịp bước hành quân” của Tổng đội TNXP Trường Sơn…
Học theo kiểu… hên xui
Không thể phủ nhận, các lớp học rèn luyện kỹ năng sống được nhiều nơi tổ chức tạo cơ hội để PH có thêm nhiều lựa chọn cho con, trẻ có thêm nhiều sân chơi bổ ích, thú vị trong ngày hè. Tuy nhiên, sự “nở rộ” đó cũng gây khó khăn cho PH khi chọn các khóa học phù hợp, nhất là khi nhiều ông bố bà mẹ đặng nhiều “kỳ vọng” vào những chương trình này.
Chị Nguyễn Thị Hiên, nhà ở Bình Tân cho hay tại trường quốc tế con mình đang theo học có tổ chức kỹ năng hè, chị bấm bụng cho con theo để gắn liền với hoạt động dạy học của nhà trường. Nhưng chưa yên tâm, chị lại tìm thêm chương trình ngoài cho con học. Khi tìm hiểu, chị thấy quá nhiều chương trình, nội dung, nơi nào cũng giới thiệu là tốt nhất, hay nhất mà chẳng biết thế nào nên đành… chọn tạm một nơi gần nhà cho tiện đưa đón con.
Chị còn chọn khóa học đắt tiền cho con về nội dung luyện bản thân với hy vọng “tiền nào của nấy” dù chưa biết chất lượng ra sao, có thích hợp với con mình hay không. “Đi học kiểu hên xui vậy thôi chứ nhiều nơi tổ chức thế này, mình sao biết hiệu quả đến đâu. Nhưng hy vọng là con mình gặp may”, chị Hiên nói.
Tuy không biết được chất lượng các khóa học, con mình được trang bị gì sau khóa học nhưng trong cơn khát kỹ năng sống như hiện nay, nhiều PH vẫn đặt rất nhiều kỳ vọng con mình có những thay đổi “đột phá” sau các khóa học.
Ở góc độ tâm lý, chuyên gia Võ Thị Minh Huệ cho rằng, việc chú trọng cho con đến các khóa học bổ ích, tăng cường kỹ năng sống là cần thiết. Tuy nhiên, PH đừng quá tham vọng đến những điều quá to tát mà hãy ưu tiên đến các kỹ năng cụ thể, gắn liền, thiết thực với cuộc sống của trẻ, phù hợp theo độ tuổi cũng như khả năng của mỗi em.
Khi chọn khóa học cho con, PH cần nắm rõ mục đích, nội dung khóa học; cách truyền đạt như thế nào, người đứng lớp có đúng chuyên môn, nắm vững được đặc điểm tâm lý lứa tuổi hay không. Những giá trị con mình có thể đạt được sau khóa học. Tránh việc chạy theo phong trào, việc học hô hào, thấy mọi người đổ xô đi học, cũng cho con học theo mà không nắm rõ liệu có thích hợp và hữu ích với trẻ hay không.
TS Đinh Phương Duy (Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ TPHCM) đánh giá khi tham gia vào các chương trình kỹ năng sống, tương tự như Học kỳ quân đội, trẻ thường có những thay đổi rất ấn tượng, dễ thương. Nhưng nếu chỉ dừng lại trong thời gian rèn giũa mà không được “ôn tập” hay duy trì trạng thái “sống trong học kỳ” thì thói quen tốt chưa kịp định hình đã bị mai một và bay biến khi các em trở lại nhịp điệu cuộc sống “ngoài học kỳ”. Vì thế, sau các khóa học các em cần được duy trì những thay đổi tích cực của mình trong môi trường gia đình và nhà trường, nơi các em gắn bó nhiều nhất để duy trì thói quen đó.
Hoài Nam