Giáo viên “tự bơi” dạy kỹ năng sống

(Dân trí) - Nắm được chủ trương lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào môn học nhưng hiện nay hầu hết giáo viên đều phải “tự bơi”. Còn “bơi” không nổi thì tránh hoặc tìm cách đối phó.

Không có giáo án

Là một giáo viên trẻ, năng động nên cô Đ. - giáo viên (GV) tại một trường cấp hai ở TPHCM đi tiên phong trong việc lồng ghép giáo dục kỹ năng sống (GD KNS) vào môn dạy. Nhưng rồi nhiều hôm học sinh (HS) thảo luận hết cả giờ học, kiến thức bị loãng, cô Đ. gặp lúng túng không biết trong bài học này thì nên lồng ghép kỹ năng nào, lồng ghép với hình thức nào thì phù hợp…

Chưa kể, cô Đ. còn chịu áp lực khi nhiều GV khác tò mò, nói ra vào “dạy gì mà kỳ” nên chỉ áp dụng một thời gian cô đành “dừng cuộc chơi”. “Tôi không thể dùng HS để thí nghiệm khi chưa biết chắc điều đó tốt cho các em hay không. Bản thân tôi trước đây cũng không được học những kỹ năng đó mà tự mày mò, lấy kinh nghiêm của bản thân nên rất e ngại”, cô khẳng định.

Giáo viên “tự bơi” dạy kỹ năng sống
Học sinh trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) trong giờ học ngoài giờ về kỹ năng quản lý tiền bạc. 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Cổ Loa (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng, chủ trương đưa GD KNS vào chương trình chính khóa lồng ghép vào nội dung các môn học là cần thiết nhưng mới chỉ đúng về mặt lý thuyết. Thực tế, GV chưa có tài liệu, giáo trình chính thống để giảng dạy. Họ rất lúng túng chưa biết sắp xếp việc dạy ra sao, lồng ghép ra sao.

Đồng tình với ý kiến này, bà Lê Thị Hạnh Dung, hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh, bày tỏ hiện GV đang phải "tự bơi" với việc thực hiện GD KNS trong nhà trường. Họ phải tự mày mò, tìm hiểu chứ không được hướng dẫn cụ thể nên trở e ngại, thiếu mạnh dạn trong việc GD KNS.

Bà Dung lo ngại, một số đơn vị, doanh nghiệp sẽ nắm cơ hội khi ngành chưa có giáo trình chính thức tung ra đủ loại sách dạy KNS chưa được kiểm định vào trường học dẫn đến tình trạng “loạn” giáo trình.

GS.TS Thái Duy Tuyên cho rằng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc đưa GD KNS vào nhà trường nhưng điều cấp thiết là phải làm sao để người thầy có được giáo án.

“Đó là yếu tố quan trọng nhất vì nếu người thầy không có giáo án thì tư tưởng có cao siêu đến đâu, lí luận có hay đến đâu thì hoạt động giáo dục cũng không thể xảy ra”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Thêm áp lực, GV sẽ đối phó?

Dù trên lý thuyết, nhiều người nói việc “lồng ghép” sẽ không làm nặng thêm chương trình. Để làm được điều này đòi hỏi GV phải hiểu và đổi mới phương pháp dạy học, phải khéo léo để không gây quá tải về nội dung, thời lượng lên lớp. Nhưng có thể nói khi GV đang “gánh” trên mình trên nhiều công việc về chuyên môn, hành chính như hiện này thì đòi hỏi này cũng lại thêm một áp lực.
 
Cô Bùi Ngọc Cẩm Tú, GV Trường THCS Châu Văn Liêm cho rằng ngày trước, người thầy đã rất chú trọng đến việc giáo dục nề nếp, đạo đức, tình cảm cho HS… Nhưng hiện nay vì họ chịu áp lực công việc quá nhiều như hồ sơ giáo án, dự giờ kiểm tra, các phong trào thi đua chiếm quá nhiều thời gian, không thể bận tâm đến chuyện khác.

Chính vì thế, hiện nay nhiều GV chỉ thực hiện việc lồng ghép GD KNS khi có dự giờ hoặc kiểm tra, hoàn toàn mang tính hình thức, đối phó. Theo các GV, khi công việc đòi hỏi kết quả mà người thực hiện chưa được trang bị những kỹ năng sư phạm cần thiết, ắt hẳn họ phải tìm mọi cách để đối phó sao cho mọi việc trở nên trôi chảy chứ không phải là kết quả của công việc đó như thế nào. 
 
Giáo viên “tự bơi” dạy kỹ năng sống
HS Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) trong buổi tư vấn về sức khỏe giới tính.

Một nghiên cứu của trường Cán bộ quản lý Giáo dục TPHCM thể hiện, hiện nay GV có nhu cầu rất lớn được bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng để có thể dạy KNS cho HS. Tuy nhiên chương trình, nội dung, thời gian, phương pháp và cả người bồi dưỡng đều chưa đáp ứng được nhu cầu.

Theo một chuyên gia giáo dục, để GV có thể dạy được KNS cho HS thì chính họ cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên và hiệu quả. Còn bồi dưỡng chỉ một vài buổi mang tính hình thức, GV đi học về mang theo cuốn sổ dày cộp mà chẳng nhớ mình học được cái gì thì việc để truyền đạt lại được cho HS là điều không tưởng. Vì thế một số trường phải lấp khoảng trống bằng cách giao công việc này cho các lớp giảng dạy kỹ năng sống của các công ty, tổ chức bên ngoài.

Chuyên gia này cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, GV là sản phẩm đào tạo của chúng ta trước đây thì bây giờ chính họ cũng cần phải được học lại chung với HS để có KNS.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm