Chiến lược ngoại ngữ trong xu thế hội nhập

(Dân trí) - Ngày 11/11, Trường Đại học Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế với chủ đề “Chiến lược ngoại ngữ trong xu thế hội nhập”. Hội thảo đã nhận được 135 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ gần 100 trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Đến tham dự hội thảo có đại sứ các nước Mozambique, Đông Timor và Brazil tại Việt Nam, bà Vũ Thị Tú Anh đại diện Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 - Bộ GD-ĐT và ban giám hiệu ĐH Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị; các vị đại biểu là các học giả, các nhà nghiên cứu khoa học về ngoại ngữ đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Chuyên gia ngoại ngữ nước ngoài phát biểu tại hội thảo

Chuyên gia ngoại ngữ nước ngoài phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo đã trở thành diễn đàn khoa học cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong nước và quốc tế trình bày những ý tưởng khoa học, kết quả nghiên cứu, trao đổi học thuật với các chủ đề cơ bản có liên quan đến đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài, nghiên cứu văn hóa văn minh trong đào tạo ngoại ngữ, và nghiên cứu ứng dụng công nghệ, thiết bị trong đào tạo và nghiên cứu ngoại ngữ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận cho biết, sau hội thảo khoa học quốc tế này, Trường ĐH Hà Nội sẽ tổng kết đánh giá và đề ra phương hướng, chiến lược nghiên cứu ngoại ngữ trong môi trường hội nhập quốc tế, phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động về nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ.

Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận
Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội Nguyễn Đình Luận.

Ban tổ chức cho biết, hội thảo đã nhận được 135 báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ gần 100 trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tất cả các báo cáo đều được nhận xét, đánh giá và phản biện độc lập.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo là Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2010 với mức chi gần 10.000 tỷ đồng, đến năm 2020, giáo viên dạy tiếng Anh phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy đạt trình độ theo chuẩn châu Âu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoạt, nguyên chủ nhiệm khoa tiếng Anh ĐH Ngoại thương băn khoăn cho rằng, tại sao giáo viên phải đạt trình độ theo chuẩn châu Âu?. Theo Tiến sĩ Hoạt, ở Việt Nam hiện nay có 6 bậc ngoại ngữ nhưng Việt Nam không chỉ nằm trong cộng đồng ASEAN, không chỉ làm ăn với châu Âu mà còn nhiều nước khác. Khi đặt ra tiêu chí thì phải xem xét đến mục tiêu luân chuyển lao động và phải có trung tâm đào tạo chuẩn để có thể được chấp nhận.

Trước ý kiến trên, Tiến sĩ Vũ Thị Tú Anh, Phó vụ trưởng, Vụ Giáo dục Trung học, Trưởng bộ phận Thường trực Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, cho biết: “Khung tham chiếu chuẩn châu Âu hiện nay đang được dùng phổ biến nhất trên 135 nước trên thế giới. Hiện nay chúng ta bước đầu đã ban hành được khung 6 bậc ngoại ngữ cho người Việt Nam. Đây không phải là bắt buộc mà mang tính định hướng để xây dựng các chương trình đào tạo. Khung này sẽ tiếp tục được cập nhật.

Tiến sĩ Tú Anh cho hay, hiện nay mỗi năm chúng ta đưa vào thị trường trong nước khoảng 30.000 cử nhân tiếng Anh để bổ sung vào khoảng 100.000 giáo viên các cấp. 100.000 giáo viên các cấp không thể đổi theo định chuẩn mới ban hành B2 hay bậc 4 C1 hay bậc 5 sau một đêm tỉnh giấc, 1 tháng hay 1 năm mà là phải làm lâu dài. Sau nhiều năm áp dụng chuẩn, đến nay chúng ta có 57% giáo viên trung học đạt chuẩn bậc 5 và 37 % giáo viên tiểu học đạt chuẩn bậc 4. Đây là một điều đáng mừng.

Hồng Hạnh
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm