16 năm Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008-2/10/2024)
Chiến lược "Khuyến học xanh" hướng đến lứa tuổi 16-44
(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam sẽ nghiên cứu chiến lược "Khuyến học xanh" nhắm đến người lao động 16-44 tuổi để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Thông tin được GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - chia sẻ trong diễn văn kỷ niệm 16 năm ngày truyền thống của Hội (2/10/2008-2/10/2024).
Theo đó, để triển khai phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng phát động ngày 10/6/2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động phong trào thi đua "Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời để phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số" thông qua thực hiện mô hình "Công dân học tập".
Hội Khuyến học Việt Nam sẽ sơ kết phong trào này vào tháng 12 năm nay.
Đồng thời, Hội bắt đầu nghiên cứu chiến lược "Khuyến học xanh" nhằm vào lứa tuổi người lao động từ 16 đến 44 tuổi để có trọng tâm, trọng điểm hơn trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra.
Trải qua 28 năm hoạt động và 16 năm được Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 2/10 là "Ngày Khuyến học Việt Nam", Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Giải thưởng "Nhân tài Đất Việt, Tự học thành tài", học bổng "Học không bao giờ cùng" và mới đây là chương trình "Khuyến học - Hành trình tri thức" trên Đài Truyền hình quốc gia đã trở thành những thương hiệu của Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm qua.
Hàng năm, Trung ương Hội đều phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các trường đại học tổ chức các cuộc hội thảo lớn theo các chủ đề phục vụ cho chuyên môn.
Các hội thảo này là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030".
Sau 75 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc "Diệt giặc dốt" ngày 11/6/1948, nay mới có 1 phong trào thi đua toàn dân học tập để "Diệt giặc dốt" trong thời đại số.
"Bức tranh khuyến học, khuyến tài ngày càng sinh động, được bổ sung thêm nhiều nét vẽ mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc yêu nước, đoàn kết, hiếu học và luôn có khát vọng vươn lên từ diệt giặc dốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào", GS.TS Nguyễn Thị Doan nhận định.
Trong 5 năm thực hiện Kết luận số 49 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho thấy, một trong những thành quả lớn của Hội Khuyến học Việt Nam là việc triển khai xây dựng thành công 5 mô hình học tập gồm: "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" và "Đơn vị học tập" và "Công dân học tập".
Việc xây dựng và thực hiện thành công các mô hình học tập này đã góp phần khơi dậy truyền thống hiếu học, học tập suốt đời trong nhân dân lao động, làm tiền đề cho việc xây dựng xã hội học tập của từng địa phương, góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, Hội Khuyến học Việt Nam đã phát triển Quỹ Khuyến học theo hướng xã hội hóa và trao học bổng cho hàng triệu học sinh, sinh viên và người lớn hiếu học.
Nhiều hình thức thích hợp để kêu gọi ủng hộ khuyến học, khuyến tài đã được các hội khuyến học các tỉnh, thành vận dụng linh hoạt như vận động cán bộ công chức, người lao động ủng hộ 1 ngày lương cho khuyến học.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng có hình thức vận động "Nuôi lợn khuyến học", "Nuôi gà khuyến học".
Thanh Hóa và các tỉnh Bắc miền Trung tổ chức "Tết Khuyến học" vào dịp đầu xuân năm mới và "Đổ ống khuyến học" vào dịp tháng 9 hàng năm từ năm 2008 đến nay.
TPHCM và một số tỉnh phía Nam có hình thức vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình từ chương trình "Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học". Trong 5 năm qua, TPHCM đã nuôi được gần 6 triệu con heo đất và ủng hộ lại cho quỹ khuyến học các cấp hơn 159 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt nhân Ngày Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: "Chúng ta đang dần xây dựng một nền giáo dục mở, một nền giáo dục ngoài nhà trường và điều này đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ đồng hành, chung tay của cả cộng đồng.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, phát triển con người phù hợp với toàn cầu hóa và sự bùng nổ về tri thức, nhu cầu học tập suốt đời, học sau nhà trường và ngoài nhà trường càng ngày càng lớn. Do đó, vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý, trong quá trình khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cần đề phòng hơn nữa để khuyến học mà không khuyến bệnh thành tích, khuyến tài mà không thúc đẩy sự háo danh.
Ngày 2/10, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam phát động giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" năm 2025 với chủ đề "Tôn vinh tài năng - Khơi nguồn sáng tạo".
Đây là năm thứ 19 giải thưởng được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh, khuyến khích các tập thể, cá nhân tài năng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; các cá nhân tự học, tự nghiên cứu, có sáng kiến, sáng tạo đóng góp vào sự phát triển của địa phương và đất nước, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2025 bao gồm các lĩnh vực: Công nghệ số, Tuổi trẻ sáng tạo, Y dược, Giáo dục, Nông nghiệp, Tài nguyên và môi trường, Khuyến học - Tự học thành tài.
Đối tượng tham gia là tác giả hoặc nhóm tác giả là người Việt Nam ở trong nước hoặc ở nước ngoài không giới hạn tuổi tác, ngành nghề, là chủ sở hữu các sản phẩm mang tính sáng tạo cao, có giá trị khoa học và công nghệ đã được triển khai, ứng dụng thành công trong thực tiễn trong 3-5 năm trở lại đây.
Thí sinh gửi công trình, sản phẩm dự thi về Ban tổ chức từ ngày 15/4/2025 đến hết ngày 15/7/2025.
Lễ vinh danh và trao Giải thưởng được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khuyến học Việt Nam (ngày 2/10/2025) và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.