Chiếc dép, mì tôm chan cơm: Tôi là ai, bạn là ai trong giáo dục năm 2023?
(Dân trí) - Chiếc dép, học trò giành nhau mì tôm trộn cơm... là những hình ảnh gắn với những sự việc chua chát, đau lòng xảy ra với giáo dục trong năm 2023.
Học trò ném dép vào cô giáo xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là sự việc giáo dục gây xót xa nhất trong năm 2023.
Một số clip trên mạng quay lại cảnh nhiều học sinh quây, chốt cửa nhốt cô giáo P.T.H. ở lớp. Trong cảnh hỗn loạn, chiếc dép được ném vào người cô giáo.
Một clip ngắn khác cũng quay lại cảnh cô giáo chạy quanh lớp đuổi bắt học trò khi các em có những hành vi cười cợt, châm chọc, thách thức.
Sự việc làm dư luận vốn không xa lạ với đủ kiểu bạo lực học đường cũng phải bàng hoàng, sửng sốt kèm nỗi bức xúc và đau đớn tận cùng.
Thầy trò, mối quan hệ thiêng liêng có ý nghĩa với cuộc đời mỗi con người không thể tách rời các giá trị về lễ nghĩa, với tinh thần tôn sư trọng đạo Vậy nhưng, vượt qua mọi tưởng tượng, mọi hình dung, trong sự việc này quan hệ này gắn với hình ảnh chiếc dép.
Ném dép cùng lắm chỉ có trong trò chơi tạt lon của trẻ nhỏ. Việc cầm một chiếc dép ném vào bất cứ ai, kể cả những đứa trẻ chơi đùa với nhau đã là hành vi vô văn hóa, xúc phạm không thể chấp nhận. Ở đây, trong môi trường giáo dục, người cầm chiếc dép lại là những em học trò, chúng ném vào chính thầy của mình.
Từ chiếc dép, buộc chúng ta phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề đạo đức của học trò, về những giá trị nền tảng với trẻ nhỏ.
Cũng từ chiếc dép ấy, chúng ta phải nhìn nhận về sự cô đơn của người thầy trên bục giảng. Họ có thể không chỉ cô đơn giữa học trò mà ngay giữa nơi làm việc, ngay trên bục giảng, ngay giữa đồng nghiệp, giữa quản lý...
Cũng trong tháng 12, trái tim nhiều người bị bóp nghẹt trước hình ảnh 11họcc sinh tranh nhau gắp 2 gói mì tôm pha loãng trộn cơm tại bữa ăn bán trú Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cai. Bữa ăn khác xa với thực đơn mỗi em một gói mì tôm, một quả trứng được công khai.
Sự bức xúc, nỗi đau nhân lên nhiều lần khi nơi đó, bữa ăn của học trò vùng cao qua chế độ chính sách hỗ trợ vốn đã rất khiêm tốn, eo hẹp nhưng các em vẫn chẳng thể hưởng trọn miếng ăn.
Theo báo cáo mới nhất từ huyện Bắc Hà cho thấy, thông tin bữa ăn bán trú của học sinh nhà trường bị cắt xén là có cơ sở; phụ huynh chưa nhận được tiền ăn thừa và chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập của con em.
Trường có nhiều sai phạm như nhiều bảng kê giao, nhận hàng hóa thực phẩm chưa được hiệu trưởng ký; phiếu chi tiền mặt không có số; bảng thu mua thực phẩm hàng ngày không khớp với bảng tổng hợp nhập thực phẩm của tháng; số lượng thực phẩm giao thực tế và số tiền thanh toán thực tế có chênh lệch...
Hiệu trưởng Hoàng Thu Phố 1 đã từ chức sau sự việc. Nhưng cần nhìn thẳng, việc nhà trường, quản lý, hiệu trưởng bớt xén bữa ăn học đường của chính những đứa trẻ mình đang chỉ dạy những bài học đạo đức đâu chỉ xảy ra ở mỗi Hoàng Thu Phố 1.
Nếu như chiếc dép ném vào người thầy là sự cảnh tỉnh, báo động về đạo làm trò, về tinh thần tôn sư trọng đạo thì hình ảnh 2 gói mì tôm chan cơm đã đẩy sự hoài nghi trong giáo dục lên đỉnh điểm. Đến bữa ăn của học trò nghèo đi vào trường học còn có thể bị "táy máy" thì niềm tin cho những vấn đề, câu chuyện khác thật không dễ dàng.
Niềm tin về bữa ăn học đường giờ đây phải bám vào công nghệ, thông qua camera, qua những bức ảnh chụp lại bữa ăn hàng ngày của học trò chứ không phải từ... lương tri người thầy, người quản lý.
Bên cạnh chiếc dép, gói mì tôm, nhiều vấn đề nhức nhối của giáo dục của năm 2023 còn có thể là bảng thu - chi quỹ phụ huynh hơn 310 triệu đồng tại một lớp Một, Trường Tiểu học Hồng Hà, TPHCM.
Đó còn là hình ảnh em học trò Phạm Đăng Q. - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hải Hòa, Nghi Sơn, Thanh Hóa - với lưng đầy vết roi tre bầm tím vì bị cô giáo đánh.
Hay cũng có thể là hình ảnh về những phụ huynh đạp lên mọi giá trị khi hành hung, đánh đập chính người dạy dỗ con mình...
Giáo dục không phải là thứ vô hình không nhìn thấy được. Giáo dục không phải là vấn đề của ai đó. Giáo dục chính là mỗi chúng ta, nói chính xác hơn chính là ta, là tôi, là bạn... Là mỗi người thầy, mỗi người làm bố làm mẹ, mỗi học sinh, mỗi nhà quản lý.
Ta là ai? Con cái chúng ta là ai? Chiếc dép, gói mì tôm hay ngược lại là những lời hay ý đẹp, những hành động tử tế, chính trực?
Như nỗi lòng của cô giáo dạy văn ở Hà Nội Trịnh Thu Tuyết: "Chúng ta không thể thay đổi nước của cả dòng sông. Nhưng mỗi người chính là một viên phèn nhỏ, hãy tự mình làm sạch vùng nước rất nhỏ xung quanh mình...".