Chuyện 4kg buffet hải sản và 11 học sinh ăn mì tôm trộn cơm: Miếng ăn là...
(Dân trí) - Đôi nam thanh nữ tú đi ăn tiệc tự chọn lén lấy 4kg hải sản bỏ vào túi. 11 học sinh ở Lào Cai chia nhau 2 gói mì tôm trộn cơm. Hai sự việc làm đảo lộn nhiều giá trị, đều xuất phát từ... miếng ăn.
Cuối tuần qua, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin cặp đôi nam nữ ở Hà Nội bị phát hiện lén bỏ túi khoảng 4kg hải sản gồm 10 con cua, 5 con ghẹ, 7 con tôm và 7 chiếc bánh bao khi đi ăn buffet nướng lẩu.
Vụ chôm đồ ăn này diễn ra ở nơi được xem là sang chảnh, có mức giá hơn 400.000 đồng/suất. Thủ phạm lại là đôi nam nữ ăn mặc sang trọng, thời thượng.
Việc lén lấy đồ ăn ở nhà hàng buffet không thể giải thích hay bao biện là vì hoàn cảnh khó khăn. Hành vi này chỉ có thể lý giải xuất phát từ lòng tham, từ phẩm giá con người, từ nền tảng văn hóa. "Miếng ăn là miếng nhục" có lẽ chưa bao giờ rõ nét, trực diện hơn.
Cũng từ miếng ăn, dư luận lại chùng lòng, xót xa trước hình ảnh bữa ăn bán trú với món mì trộn cơm tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Theo phóng sự chiếu trên sóng truyền hình quốc gia, bữa ăn bán trú tại trường Hoàng Thu Phố 1 có dấu hiệu bất thường, bị cắt xén. Bảng thực đơn ghi mỗi học sinh một gói mì tôm và một quả trứng nhưng thực tế là 11 em ăn chung hai gói mì tôm nấu loãng để trộn với cơm.
Ngoài ra, thực đơn liên quan đến thịt, giò, rau xanh... cũng được cho là có những bất thường.
Sau sự việc, UBND huyện Bắc Hà đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 - để xác minh làm rõ. Theo giải trình ban đầu từ phía nhà trường, hình ảnh học sinh chan mì tôm với cơm như báo chí phản ánh là có thật.
Không phải chờ đến hình ảnh đặc sản tuổi thơ "mì tôm trộn cơm", chuyện lắt léo liên quan đến khẩu phần ăn bán trú học đường mới được nhắc đến.
Mới chỉ từ đầu năm học tới nay, ở một số địa phương, phụ huynh đã sục sôi trước khẩu phần ăn "teo tóp" của con tại trường học.
Nhiều suất ăn trong trường học phụ huynh đóng với số tiền 32.000-35.000 đồng nhưng nhìn có thể ước đoán giá trị chỉ 15.000-20.000 đồng, chưa nói đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Về chất lượng, gần nhất là sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Phú Hữu, TP Thủ Đức, TPHCM, khi phụ huynh phát hiện thịt gà chuyển màu đen, có mùi ôi thiu tại công ty cung cấp suất ăn cho trường học.
Ngay sau đó, ngành giáo dục TP Thủ Đức vào cuộc giám sát bữa ăn học đường. Trong đó có nội dung yêu cầu các trường gửi hình ảnh bữa ăn bán trú của học sinh hàng ngày để theo dõi, giám sát.
Chuyện "ăn cắp miếng ăn" dường như đang xảy ra ở nhiều nơi, ngay cả ở những không gian được xem là nơi an toàn, đáng tin, từ cửa hàng buffet đến trường học.
Thủ phạm có thể là cặp đôi nam nữ có vẻ ngoài sang chảnh nhắm vào một nhà hàng nhưng cũng có thể là một hiệu trưởng, một nhà quản lý giáo dục nhắm vào chính các học trò của mình!?
Bà Nguyễn Minh Lan - một nhà giáo dục ở TPHCM - bình luận, từ hình ảnh 4kg hải sản ở quán buffet cho đến hình ảnh 11 học trò ăn hai gói mì tôm chan cơm làm đảo lộn, đổ vỡ các giá trị căn bản nhất của con người.
Đó là các giá trị về niềm tin, về sự trung thực, về sự ngay thẳng, về sự chính trực. Những sự việc đó đạp đổ những bài học về đạo đức "không lấy của rơi", "không giành những thứ không thuộc về mình", "không tham lam"...
Nói về một bữa ăn học đường chuyên nghiệp, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho rằng, phải đảm bảo việc bữa ăn của học sinh không phải là chỗ để kê giá giữa nhà trường với phụ huynh.
Nhà trường có thể thu học phí cao nhưng cần minh bạch bữa ăn của các em với cha mẹ. Bữa ăn có giá 50.000 đồng thì phải đúng là 50.000 đồng, không được phép chế ra khay cơm chỉ 20.000 đồng để kiếm ít tiền chênh lệch. Nhà trường phải công khai để phụ huynh biết được bữa ăn con họ ăn có được thiết kế trên số tiền chính xác là bao nhiêu.
Theo ông Nguyên, việc bớt xén, kê giá suất ăn học sinh là việc làm thiếu đạo đức, thiếu quang minh chính đại của trường học.
Bà Nguyễn Minh Lan nêu quan điểm, việc một đơn vị quản lý ở TPHCM phải ra quy định các trường chụp ảnh bữa ăn để giám sát hàng ngày cũng phản ánh sự đổ vỡ các giá trị đến mức cạn kiệt. Bởi, khi đó người ta không còn tin nhau, không còn tin vào những điều tốt đẹp mà buộc phải nghi ngờ, đối phó với nhau.
Trong giáo dục và cả trong cuộc sống, khi đã mất niềm tin thì rất khó có thể cùng vun vén, xây dựng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Bài học đầu đời "ăn trông nồi" với mỗi đứa trẻ đã hỏng chính từ đó.