11 học sinh với 2 gói mì trộn cơm: "Ăn" luôn trên bữa ăn của học trò!

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước hình ảnh "11 học sinh ăn 2 gói mì trộn cơm" tại trường Hoàng Thu Phố 1, Bắc Hà, Lào Cao, đã từng xảy ra không ít sự việc hiệu trưởng "ăn" trên chính miếng ăn của học trò.

Sự việc "11 học trò ăn 2 gói mì trộn cơm" xảy ra tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang được các cơ quan quản lý tiếp nhận làm rõ.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu, không khó để thấy chế độ bữa ăn vốn đã ít ỏi, khiêm tốn của học sinh vùng sâu vùng xa theo chính sách đã bị bớt xén. Lãnh đạo trường cũng xác nhận hình ảnh "mì trộn cơm" như báo chí phản ánh là có thật. 

11 học sinh với 2 gói mì trộn cơm: Ăn luôn trên bữa ăn của học trò! - 1

Học trò múc mì chan cơm trong bữa ăn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Ảnh chụp từ clip VTV24).

Cũng có ý kiến, học trò, đặc biệt là học trò miền núi ăn mì trộn cơm là chuyện bình thường. Nhưng rõ ràng nó không hề bình thường so với bảng thực đơn và công khai tài chính của trường thể hiện học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em một gói mì, một quả trứng.

Trước hình ảnh "11 học sinh ăn 2 gói mì trộn cơm" nói trên đã từng xảy ra không ít sự việc hiệu trưởng, lãnh đạo, quản lý nhà trường "ăn" miếng ăn của chính học trò - những người họ có trách nhiệm dạy dỗ, giáo dục.

Cách đây chưa lâu việc cắt xén bữa ăn học sinh xảy ra tại cơ sở mầm non độc lập AMIS ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với tiền ăn 70.000 đồng/ngày nhưng bữa ăn của trẻ vô cùng ít ỏi, lèo tèo, thiếu thốn nào là nước cam loãng như nước lã, trái cây chỉ là quả nho cắt đôi với vài lát chuối mỏng... 

Đặc biệt, hình ảnh bữa ăn nhà trường cập nhật rất đầy đặn nhưng khi phụ huynh tìm hiểu thì thấy rõ thực tế bữa ăn không giống như trường đăng tải. 

11 học sinh với 2 gói mì trộn cơm: Ăn luôn trên bữa ăn của học trò! - 2

Hình ảnh nước cam loãng như nước lã cho học trò tại cơ sở mầm non độc lập AMIS ở Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh: PHCCC).

Sau phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo cơ sở này nhận trách nhiệm và cho rằng, cơ sở thiếu sót trong công tác vận hành và quản lý nhân sự. 

Trước đây, tại Khánh Hòa, bà Đ.T.H. - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Long 1, Nha Trang - bị đề nghị kỷ luật liên quan sự việc bớt xén bữa ăn của học trò.

Phụ huynh phản ánh nhiều lần phát hiện bữa trưa của con tại trường bị cắt xén, khẩu phần ăn ít ỏi, thiếu dinh dưỡng. 

Một lần, phụ huynh vào bếp ăn bán trú của trường phát hiện thực phẩm cho học sinh bị cắt xén. Nhà bếp báo 65kg thịt nhưng khi cân lại chỉ được 44kg.

11 học sinh với 2 gói mì trộn cơm: Ăn luôn trên bữa ăn của học trò! - 3

Phụ huynh căng băng rôn phản đối về chất lượng bữa ăn tại Trường tiểu học Phước Long 1, Nha Trang (Ảnh: Hải Đăng).

Liên quan đến hành vi "ăn cả bữa ăn học trò" đã có trường hợp hiệu trưởng bị cách chức. 

Tại Hà Tĩnh, nhiều năm trước, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), một người bị cách chức, một người bị điều chuyển công tác vì những sai phạm trong việc ăn bớt thịt trong khẩu phần ăn của học sinh. 

Tại Thanh Hóa, hiệu trưởng một trường mầm non cũng bị cách chức và nhiều người khác bị khiển trách vì cắt hơn 1.700 suất ăn của học sinh trong thời gian ngắn với lý giải lấy tiền thi thoảng tổ chức tiệc buffet cho học sinh. Chưa kể, cả trăm triệu đồng không qua sổ sách, chi sai mục đích. 

Việc trường học bớt xén bữa ăn của học trò không chỉ diễn ra trực tiếp mà còn có thể thông qua hình thức trung gian.

Vào giữa năm 2022, tại TPHCM, dư luận bàng hoàng trước kết luận của thanh tra quận Gò Vấp về thực hiện quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng tại trường Tiểu học Hanh Thông. 

Báo cáo chỉ ra, hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng nhà trường nhận tiền từ các đơn vị cung cấp thực phẩm với tổng số tiền trên 436 triệu đồng. Trong đó, hiệu trưởng nhận hơn 100 triệu, bếp trưởng nhận gần 312 triệu đồng.

Chưa nói đến hàng loạt khoản chi không có chứng từ hồ sơ kế toán; sử dụng không đúng thỏa thuận thu hộ chi hộ nguồn thu ăn sáng, ăn bán trú; lập hóa đơn khống với số tiền hàng trăm triệu đồng. 

Thời điểm đó, hiệu trưởng trường này lý giải đó là số tiền mà các công ty cung cấp thực phẩm tự nguyện hỗ trợ, không liên quan đến tiền ăn của học sinh. 

Liên quan đến sự việc "11 học sinh ăn hai 2 gói mì trộn cơm", Bộ GD&ĐT vừa có công văn đề nghị tỉnh Lào Cao tăng cường chỉ đạo, quản lý việc thực hiện đầy đủ chính sách về giáo dục dân tộc, đặc biệt quan tâm chính sách đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan.

11 học sinh với 2 gói mì trộn cơm: Ăn luôn trên bữa ăn của học trò! - 4

Bữa ăn bán trú từng gây bức xúc cho phụ huynh tại Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, TP Thủ Đức, TPHCM trước đây (Ảnh: PHCC).

Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí về tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú tại trường này, xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân liên quan nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Tuy nhiên, đã đến lúc cần nhìn thẳng, tình trạng bớt xén bữa ăn học đường không chỉ xảy ra một nơi, một chỗ, không còn là câu chuyện con sâu trong nồi canh. Những văn bản đề nghị, chỉ đạo, yêu cầu khi sự việc được phanh phui cũng giống như "mất bò mới lo làm chuồng", là không đủ trong việc bảo vệ miếng ăn của học sinh.