Chia sẻ thú vị của chàng trai 2 lần đoạt Vàng Olympic Toán quốc tế
(Dân trí) - Lần thứ hai đi thi Olympic Toán quốc tế với áp lực "cái bóng" của huy chương Vàng năm trước, chàng trai Phạm Tuấn Huy đã lường trước khả năng nếu không đoạt "vàng"...
6 học sinh giành huy chương Olympic Toán quốc tế 2014
Ba học sinh đoạt huy chương Vàng gồm: em Phạm Tuấn Huy - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM; em Nguyễn Thế Hoàn - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN); và em Trần Hồng Quân - lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Hai em đoạt được huy chương Bạc là Vương Nguyễn Thùy Dương - lớp 12 THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng và Hồ Quốc Đăng Hưng - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM. Học sinh đoạt huy chương Đồng là em Nguyễn Huy Tùng - lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng. |
Hành trình, chặng đường để đến đích có ý nghĩa hơn nhiều. Thành tích và huy chương chỉ là phụ, không giá trị bằng những điều em học được trong cả một quá trình, được giao lưu bạn bè.
Những điều ấn tượng với em trong kỳ thi năm nay?
Em nhớ nhất là món ăn, gần như em không ăn nổi. Em mang theo 8 gói mỳ tôm và phải xin thêm nữa. Thời tiết rất lạnh, chỉ 5 - 6 độ C, trong phòng thi không có máy sưởi, tay em cứng đến mức em còn nghĩ mình không thể cầm được viết. Mình phải chú ý giữa để không bị cảm, bệnh trong đợt thi.
Cũng có rất nhiều câu chuyện nhỏ thú vị nhưng nếu kể ra sẽ không còn thú vị nữa. Chuyện của những người bạn đi thi cùng nhau, đối với nhau như một gia đình…
Không có lý do gì để không khiêm tốn
Đây là năm thứ hai liên tiếp đạt HCV cuộc thi IMO, lặp thành tích của Giáo sư Ngô Bảo Châu tại IMO năm 1988 và 1989. Huy nghĩ gì về điều này?
Em không nghĩ gì hết. Với những người theo lĩnh vực Toán học, ai cũng thần tượng Giáo sư Ngô Bảo Châu. Còn so sánh với giáo sư thì không thể, ngay cả khi ở độ tuổi em, giáo sư đã giỏi hơn rất nhiều.
Nhưng rõ ràng mỗi người sống là chính mình, không phải vì ai khác.
Còn trẻ tuổi, Huy đã đạt được những thành tích đáng nể . Để giữ được sự khiêm tốn không phải là dễ nhưng mọi người xung quanh em đều có chung nhận xét “Phạm Tuấn Huy khiêm tốn đến lạ”.
Thành tích của em không có gì là quá đặc biệt. Các kỳ thi chưa thể đánh giá hết được khả năng, chưa thể nói rằng mình giỏi.
Mỗi người ai cũng có thế mạnh riêng và thể hiện được khả năng của mình theo những cách khác nhau. Em phải học tập từ những người xung quanh rất nhiều, từ mỗi bạn trong đội tuyển, mỗi người bạn trong lớp. Không có lý do gì để mình không khiêm tốn.
Ngoài Toán học, Huy còn có những đam mê gì?
Em thích âm nhạc, nghệ thuật và đặc biệt là Văn học. Em từng học chính quy ở nhạc viện và cũng rất tiếc khi không thể kham nổi nhiều việc cùng lúc, phải bỏ dở việc học nhạc.
Em thích Văn vì cũng như môn Toán, nó cho em không gian để sáng tạo, thể hiện tâm hồn, cá tính của bản thân của mình. Khi mình để lại được dấu ấn cá nhân, tự sáng tạo từ suy nghĩ, lập luận của mình sẽ thấy trân trọng khả năng bản thân lắm.
Có lẽ vì vậy khi viết Văn, em hơi “dị” một chút, khác với khuôn khổ bình thường một chút để thể hiện cá tính của mình.
Sống là chính mình
Phương pháp học tập của Huy có gì đặc biệt không?
Em rất ít lên kế hoạch cụ thể, lên kế hoạch lại rất khó thực hiện. Em học theo cảm hứng. Với những công việc, bài tập mang tính bắt buộc em vẫn ưu tiên hàng đầu. Còn sau đó, em học hoàn toàn theo cảm hứng. Nhờ như vậy mình tìm thấy được đam mê trong các môn học, kể cả những môn không phải là sở trường.
Việc đi du học tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) trong tháng 9 tới, Huy đã chuẩn bị tới đâu?
Thật tình, em chưa chuẩn bị gì nhiều. Em cũng chưa có lựa chọn cụ thể về ngành học. Em sẽ dành năm đầu tiên để thử nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi quyết định chọn ngành học cho mình.
Em muốn tìm những cơ hội để phát triển thế mạnh, cá tính của mình. Đi du học em sẽ tiếc rất nhiều thứ ở Việt Nam, phải xa người thân và đặc biệt tiếc nhất món ăn Việt Nam, những món ăn dân dã của bà nội như canh chua, cá kho… (Huy sống cùng bà nội và bố).
Còn ước mơ của Huy?
Ước mơ cho tương lai em chưa xác định cụ thể. Em hướng đến là việc sống là chính mình với quan niệm: sống để làm được điều gì đó, để cống hiến, để lại cái gì đó. Để thực hiện mục đích này cần thực hiện những bước đi nào thì em sẽ xác định dần trên con đường của mình.
Ý tưởng đi thi Olympic Toán quốc tế từ năm lớp 6 “Khả năng về Toán học của Huy được phát hiện từ năm lớp 5, nhờ thầy giáo chủ nhiệm. Trong lớp thầy dạy Huy theo cách riêng, bài tập riêng. Đồng thời, thầy trau dồi thêm môn Văn cho Huy. Lần này Huy đi thi IMO, tôi cũng rất hồi hộp do năm trước con đã giành giải cao. Thi lần này mang ý nghĩa danh dự nhiều hơn cả việc đánh giá khả năng. Mấy đêm liền tôi không ngủ được, gọi điện sang cho con suốt nhưng cháu không nói gì hết. Tuấn Huy và bố. Huy có chị gái học bên Mỹ, năm lớp 6, lớp 7 gia đình đã hỏi cháu có ra nước ngoài học không. Khi đó, Huy nói: “Con ở lại Việt Nam để sau này đi thi Olympic Toán quốc tế”. Tôi nghe cũng thấy có phần hão huyền nhưng vẫn nói với cháu “Vậy thì ráng lên con”. Hồi nhỏ, khi cháu đạt được thành tích tôi hỏi muốn thưởng gì, Huy chỉ chọn đi nhà sách thôi, không đòi gì cả. Mà cũng tội lắm, không phải vào nhà sách là ôm sách về nhà coi đâu. Huy kêu ba ngồi ở nhà sách xem cùng hoặc nói ba đi về trước còn Huy ở lại đứng đọc. Sợ ba tốn tiền, cháu tranh thủ đọc và xem cuốn nào thật sự cần thiết mới mua. Con sắp đi du học, Huy cần trang bị thêm về khả năng tin học. Và bà nội sẽ tập cho cháu những kỹ năng chăm sóc bản thân như giặt đồ, nấu ăn… các kỹ năng để tự lập, tự sống một mình” - Chú Phạm Châu Tuấn, bố em Phạm Tuấn Huy |
Hoài Nam