Chia sẻ của những nữ tiến sỹ Việt từng theo học ở Bỉ

(Dân trí) - Chia sẻ của những cựu du học sinh Bỉ, mà nay đã là những tiến sỹ làm việc tại các trường đại học, cơ quan danh tiếng của Việt Nam, cho thấy cuộc sống du học không phải là màu hồng, mà được tạo nên bằng nỗ lực, phấn đấu không ngừng.

 

Chia sẻ của những nữ tiến sỹ Việt từng theo học ở Bỉ

TS Hồng Minh (áo dài đen) và các cựu du học sinh tại Bỉ tặng hoa Thái tử Bỉ Philippe và Công nương Mathilde nhân chuyến thăm Việt Nam của Thái tử và Công nương.

 

Những cựu sinh viên Việt Nam từng theo học ở Bỉ này đã có những chia sẻ chân thành về khoảng thời gian đi du học, những khó khăn, thách thức, cũng như những gì họ hặt hái được trong buổi tọa đàm tại Diễn đàn giáo dục Bỉ, được tổ chức nhân dịp Thái tử Philippe dẫn đầu phái đoàn kinh tế tới thăm và làm việc tại Việt Nam từ 11-16/3, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.

 

"Ác mộng" du học

 

Với Tiến sỹ (TS) Nguyễn Thị Cúc Phương (hiện đang công tác tại Đại học Hà Nội), mặc dù không có cơ hội học thạc sỹ hay tiến sỹ ở Bỉ (TS có nhiều năm học tập tại Canada), nhưng TS đã có thời gian làm việc và học các khóa ngắn hạn, như khóa học 3 tháng trong ngành biên dịch và 1 tháng thực tập, nên hiểu khá rõ về “tình cảnh” của sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học tập. TS cho biết, những sinh viên Việt Nam sang Bỉ thường là theo học các khóa đào tạo thạc sỹ, lúc đấy đã tầm 26-32 tuổi, đã lập gia đình, nên khả năng hòa nhập cuộc sống mới chậm hơn các em sinh viên 18-20.

 

Cô đã phác họa lại hình ảnh của một nữ sinh viên bắt đầu hành trình theo học ở Bỉ đầy gian nan: Vừa đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle của Pháp đã phải đi tàu cả tiếng tới Brussel; rồi một mình kéo va li nặng xuống sân ga, không biết tối nay ăn gì, ở đâu, trong khi lòng canh cánh nỗi lo cho người thân ở nhà, cho đứa con còn nhỏ, cho người chồng vẫn chưa muốn cho vợ đi học; rồi phải tự xoay xở, tìm nhà, tìm lớp, ghi danh, với vốn tiếng Anh hay tiếng Pháp vừa phải.Và khi đã vào lớp học phải mất 3 tháng đầu không hiểu gì vì rào cản ngôn ngữ, kiến thức mới.

 

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng Minh (từng theo học KULeuven, hiện đang công tác tại Đại học Bách Khoa Hà Nội) thừa nhận những hình ảnh lạ nước lạ cái trên chính là hình ảnh chị đã trải qua 10 năm trước. Tuy nhiên chị cho rằng giờ đây mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Hiện, tại Bỉ đã có một mạng lưới sinh viên Việt Nam hoạt động rất mạnh, vì vậy ai cần giúp đỡ, cần được đón, cần thêm thông tin về cuộc sống, học tập, thì đều có các bạn đang theo học ở Bỉ giúp đỡ.

 

Các cựu sinh viên cũng thừa nhận rào cản hay khó khăn đầu tiên khi họ đi du học là ngôn ngữ và tiếp cận với cách thức học mới, mặc dù kiến thức, nội dung học không phải là điều gì quá khó đối với họ. TS Nguyễn Thị Thanh Tâm (từng học tại Đại học UGENT và hiện đang công tác tại Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam) tâm sự, để vượt qua những khó khăn này, kinh nghiệm duy nhất của chị là học nhiều hơn đồng thời cũng giao lưu nhiều hơn với các bạn trong lớp, với người bản xứ để hiểu biết thêm, nâng cao trình độ ngoại ngữ.

 

Nhưng khi ngôn ngữ không phải là rào cản thì thách thức lớn nhất của chị Trần Thanh Thảo (từng theo học ở Antwerp, nay công tác tại Bảo hiểm Bảo Việt) là thích nghi với cách thức học tập, cụ thể là học theo nhóm, điều ít thấy ở Việt Nam. Ngoài ra ở Việt Nam chị cũng chưa từng được học cách ứng dụng những điều đã học, những con số toán học, vào thực tế, vào mô hình tài chính mà chị đang làm việc, trong khi các bạn ở Bỉ đã được học điều này từ thời gian học trung học. Vì vậy ban đầu chị rất chật vật, phải dành gấp đôi thậm chí gấp 3 thời gian, công sức để theo được cách học nhiều sinh viên Việt Nam coi là “ác mộng” này.

 

Thành quả và kinh nghiệm

 

Học bổng song phương Bỉ do chính phủ liên bang tài trợ:

Chia sẻ của những nữ tiến sỹ Việt từng theo học ở Bỉ

40 suất học bổng cho năm 2012-2013, với tất cả các ngành, ưu tiên quản lý nước và vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, kỹ thuật/công nghệ về quản lý nhà nước. Thông tin chi tiết tại www.diplomatie.be/hanoi (services>>development cooperation>>scholarships)

Chị Nguyễn Anh Thư (học ở Solvay Business School/UCL, hiện đang công tác ở Vietinbank) cũng cho biết khi học ở Bỉ, sinh viên có thể học cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, vì vậy khi ra trường có thể nói được thành thạo hai ngoại ngữ này.

 

Ngoài ra, Bỉ được coi là trái tim của châu Âu, nên khi theo học, các chị được tiếp cận với nền giáo dục châu Âu, được hòa nhập vào môi trường đa văn hóa của châu Âu, và dễ dàng sang các nước khác để thăm quan, du lịch.

 

Vì cũng từng là “lính mới” du học, nên chị Anh Thư khuyên các bạn sinh viên Việt Nam không nên quá rụt rè, không nên ngại hỏi, không nên “giấu dốt”. Chị cho biết các giáo sư ở nước ngoài rất sẵn sàng giải đáp cho sinh viên mọi điều, kể cả về vấn đề ngôn ngữ. Mỗi giáo sư cũng có khoảng 3-4 trợ giảng, nên nếu không trực tiếp hỏi được các giáo sư, các bạn cũng có thể nhờ các trợ giảng giải đáp thắc mắc của mình.

 

TS Hồng Minh còn cho biết trong thời gian học tập ở Leuven, chị đã duy trì được mối liên hệ tốt với các bạn học và giáo sư ở đó, vì vậy khi về nước chị đã lập được một mạng lưới liên quốc gia, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu hiện nay của chị..

 

Bù lại muôn vàn gian khổ khi đi du học, các cựu sinh viên Bỉ đều thừa nhận họ đã được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, được dạy những kiến thức vượt cả mong đợi của họ trước khi đi học và những kiến thức đó phục vụ tốt cho công việc hiện tại của họ ở Việt Nam.

  

Vũ Quý