Chia sẻ của cô giáo “đốn tim” học trò vì lời phê “siêu” dễ thương
(Dân trí) - Chia sẻ với Dân trí, cô Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên dạy toán trường THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết cảm thấy bất ngờ trước phản ứng tích cực của dư luận sau khi những lời phê của mình cho học sinh được lan truyền trên mạng xã hội.
Cô Như Huyền, người “đốn tim” học trò vì lời phê “siêu” dễ thương, cho biết với thâm niên 17 năm đi dạy, trước đây cô cũng ghi lời phê theo “chuẩn mực” kiểu cũ.
“Trước tôi cũng chủ yếu phê theo dạng mệnh lệnh như: giỏi; con làm bài tốt; khá, cần cố gắng hơn... Thậm chí, có những bài tôi không phê gì cả”, cô Huyền nói.
Về trường THCS Quang Trung được 2 năm, đến năm 2017-2018 cô Huyền mới chính thức đảm nhiệm công tác chủ nhiệm và dạy theo chuyên môn Toán. Và cũng từ năm học này, cô bắt đầu thay đổi cách ghi lời phê của mình.
Theo cô Huyền, dù các học sinh của mình mới học lớp 6 tuy nhiên các con có áp lực và lo lắng với bộ môn toán. Bởi với đa số học sinh, những con số và phép tính có phần khô khan, cô muốn thêm những lời phê pha chút hài hước để học sinh cảm thấy giảm áp lực với môn học này. Nếu các học sinh cảm thấy vui thì tiếp thu kiến thức cũng sẽ nhanh hơn.
Với suy nghĩ đó, cô đã tham gia một số diễn đàn của giáo viên, từ đó học hỏi và được các cán bộ quản lý trong trường, ngoài trường ủng hộ. “Đáng mừng là sự đổi mới này được sự ủng hộ và định hướng từ ban giám hiệu nhà trường. Lãnh đạo trường cũng hướng giáo viên chúng tôi khi phê học bạ hay bài kiểm tra phải làm sao để học trò có động lực cố gắng hơn cũng như gắn liền với kỹ năng sống”, cô Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên cô cũng cho rằng phải luôn quan tâm quan tâm đến học sinh, hiểu tính cách của từng em mới có thể đưa ra những lời phê phù hợp với từng em. “Mỗi lời phê tôi đều dựa vào tính cách của từng học sinh. Chẳng hạn, có em khi ghi lời phê tôi gọi là “bác sĩ” bởi đó là cách gọi trong lớp của em này; hay như có em tôi nhắc “Lỗi tại tôi vì không nghe lời cô dặn” bởi trước đó đã nhắc lỗi này với em… Tôi cũng mong qua lời phê ấy các em nhớ được lỗi mà sửa sai, những em học yếu sẽ được khích lệ còn những em học giỏi cũng không được tự kiêu mà phải nỗ lực hơn”, cô giáo này bộc bạch.
Khi PV đặt câu hỏi liệu đầu tư những lời phê như vậy có mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến những việc khác không, cô Huyền cho biết mình không mất quá nhiều thời gian cho việc ghi lời phê. Cô lí giải rằng do hiểu từng em học sinh cộng thêm mình không phải quá nắn nót từng chữ. Mặc dù bản thân giáo viên phải đầu tư hơn nhiều so với cách thức phê kiểu cũ nhưng vì các học sinh cảm thấy hứng thú với điều này nên cô Huyền cho biết vẫn sẽ tiếp tục làm.
Trước đó, Dân trí đã phản ánh, ngày 7/5 cộng đồng mạng xã hội truyền tay nhau hình chụp các bài kiểm tra môn toán học kỳ 2 của học sinh một lớp 6 trường THCS Quang Trung (Bảo Lộc, Lâm Đồng). Theo đó, mỗi bài kiểm tra đều có những lời phê khác nhau, có cái khá nghiêm túc và có cái cũng rất dí dỏm, dễ thương.
Có bài được phê rằng: “Con đọc kỹ đề là được 10 điểm rồi”; “Sắp chạm đến đỉnh cao rồi con à, cố lên!", hay “Đôi khi nhanh quá lại thiệt, cần đọc hướng dẫn trước khi hạ bút”. Một bài được chấm 9,3 điểm thì cô phê “Ôi, bảng cửu chương, mày đi đâu vậy?". Còn trên một bài được chấm 10 điểm thì cô phê rằng “Oh yeah! Hôm nay có đứa cười rách cả miệng”
Ngoài ra còn rất nhiều lời phê khác như: "E hèm, làm cẩn thận hơn là ok rồi", "Đường chinh phục đỉnh cao luôn gặp chướng ngại vật, cố gắng vượt qua nha, cô tin con làm được”; “Chép nhầm đề. Hờn cả thế giới'...
Đa phần các ý kiến trên mạng xã hội đều ủng hộ những lời phê này và cho rằng đây cũng là cách truyền cảm hứng, mang lại sự thích thú và tạo động lực học tập cho học sinh.
Lê Phương