"Chìa khóa" nào giúp hai nữ Tiến sĩ giành giải Nobel Hoá học năm 2020?
(Dân trí) - Hai nữ Tiến sĩ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna với nỗ lực tiên phong “phát triển một phương pháp chỉnh sửa bộ gen” chính thức trở thành chủ nhân của giải Nobel Hóa học năm 2020.
Với việc nhận giải Nobel Hóa học 2020, nhà khoa học Emmanuelle Charpentier (quốc tịch Pháp) và Jennifer Doudna (Mỹ) đã trở thành người phụ nữ thứ 6 và 7 nhận giải thưởng danh giá này.
Bà Emmanuelle Charpentier sinh năm 1968, tại Juvisy-sur-Orge, Pháp. Bà nhận bằng Tiến sĩ của Viện Pasteur tại Paris vào năm 1995 và hiện là Giám đốc Đơn vị Max Planck về khoa học mầm bệnh tại Berlin, Đức.
Bà Jennifer A. Doudna sinh năm 1964, tại Mỹ, nhận bằng Tiến sĩ của Trường đại học Y khoa Harvard vào năm 1989. Bà hiện là Giáo sư của Đại học California và điều tra viên của Viện Y tế Howard Hughes.
Hai nhà khoa học nữ sẽ chia đôi giải thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (hơn 1.120.000 USD).
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vừa công bố thông tin vào ngày 7/10 trên website nobelprize.org.
Hai nhà khoa học Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã phát hiện một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ gen: kéo CRISPR/Cas9. Đây là công cụ để viết lại mật mã của sự sống và đưa khoa học sự sống bước vào một kỷ nguyên mới.
Với kéo CRISPR/Cas9, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi DNA của động vật, thực vật và vi sinh vật với độ chính xác rất cao, góp phần phát triển các phương pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa khỏi bệnh di truyền thành sự thật.
Thông cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho hay: “Từ khi hai nhà khoa học phát hiện kéo CRISPR/Cas9 vào năm 2012, công cụ này đã được sử dụng vào nhiều công việc.
Kéo CRISPR/Cas9 đóng góp vào nhiều phát hiện quan trọng trong nghiên cứu cơ bản, các nhà nghiên cứu thực vật có thể phát triển nhiều loại cây trồng có khả năng chống chịu nấm mốc, sâu bệnh và hạn hán”.
“Công cụ gen này có một sức mạnh to lớn, tác động đến tất cả chúng ta. Nó không chỉ cách mạng hóa khoa học cơ bản, mà còn cải tiến mùa vụ và sẽ dẫn tới các phương pháp mới đột phá để điều trị bệnh”, ông Claes Gustafsson, Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Hóa học đánh giá.
Giáo sư Tom Welton, Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Hoàng gia đã chúc mừng những người đoạt giải Nobel mới nhất và gọi sự vinh danh họ là “cực kỳ xứng đáng” do tác động to lớn mà Crispr-Cas9 đã tạo ra trong thời gian ngắn kể từ khi được phát hiện.
Ông nói: “Khả năng chỉnh sửa gen cung cấp một bộ công cụ đáng kinh ngạc cho nghiên cứu khoa học sẽ mang lại lợi ích cho nhân loại trong các thế hệ sau, từ việc ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh tật cho đến việc nuôi dưỡng dân số toàn cầu ngày càng tăng của chúng ta.
“Tôi cũng vô cùng vui mừng khi thấy rằng Ủy ban Nobel đã chọn để vinh danh hai phụ nữ hàng đầu trong nghiên cứu tích cực - tinh thần đồng đội của họ là một ví dụ về cách các đột phá khoa học dựa trên một cộng đồng các nhà nghiên cứu toàn cầu thực sự và họ có thể trở thành hình mẫu cho các nhà khoa học tham vọng thuộc mọi giới tính”.
Giáo sư Jessica Downs, phó trưởng bộ phận sinh học ung thư tại Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) cho biết thêm: “Không quá lời khi nói rằng công nghệ xuất phát từ khám phá của Doudna và Charpentier đã cách mạng hóa lĩnh vực này.
Ở cấp độ cá nhân hơn, tôi vô cùng cảm hứng và phấn chấn khi thấy hai phụ nữ được vinh danh vì công việc, đam mê của họ”.