Chìa khóa để tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao
(Dân trí) - Việc bắt tay hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học được xem là chìa khóa để cho ra lò nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, trong bối cảnh thị trường đang "khát" đội ngũ này cả về lượng lẫn về chất.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số trên phạm vi toàn cầu đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt đau đầu với bài toán tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin (CNTT)
Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev cho thấy năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành CNTT nhưng số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Hiểu được nhu cầu đó, từ ngày 19/6/2022, Trường Quốc tế - ĐHQGHN đã tổ chức thêm 3 chương trình đào tạo hướng tới những công nghệ mới nhất hiện nay, gồm Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Công nghệ thông tin ứng dụng và Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, ĐHQGHN, điểm mạnh của cả 3 chương trình là đều gắn học tập với thực hành, từ việc sinh viên được nghiên cứu trực tiếp trong hệ thống phòng thí nghiệm của nhà trường, cho đến quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp ngay từ năm thứ hai đại học.
Chia sẻ cụ thể hơn, GS Đức cho biết ngay từ khi trường Quốc tế xây dựng chương trình đào tạo cho 3 nhóm ngành CNTT đã có sự tham gia của doanh nghiệp, trong quá trình đào tạo, thực hành cũng có sự tham gia của doanh nghiệp; quá trình đào tạo sinh viên có sự đầu tư của doanh nghiệp như học bổng, các chương trình liên kết, hỗ trợ nghiên cứu, các phòng lab,…
"Bây giờ không phải nhu cầu của các trường là có công ăn việc làm nữa mà là nhu cầu của các doanh nghiệp cần nguồn nhân lực. Ví dụ LG Display, trong thời gian vừa rồi mỗi năm họ cần 10.000 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực Cơ điện tử, Tự động hóa và Cơ kỹ thuật. Mục tiêu trong 5 năm tới của họ là 100.000 đến 200.000 người".
"Chúng ta phải 'thực chất;: học thật, thi thật, nhân tài thật, kiến thức phải có thật. 'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh', làm nghề nào thì phải hiểu rất rõ về nghề đó, phải có những kiến thức rất tốt, rất sâu thì mới có cơ hội vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả những điều đó, tôi cho rằng không phải tự nhiên mà có, cũng không thể chỉ đào tạo mà có được. Chúng ta phải có sự bắt tay hết sức chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhà trường. Thực tế, ở nước ngoài, các doanh nghiệp cũng dùng rất nhiều kinh phí hỗ trợ nhà trường trong quá trình đào tạo", GS Đức nhấn mạnh.
Nói thêm về chương trình đào tạo của 3 nhóm ngành CNTT, đại diện trường Quốc tế cho biết đây đều là những lĩnh vực gắn bó mật thiết với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và đi trước đón đầu cho những công nghệ của tương lai.
Ví dụ, với ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo mang tính liên ngành cao, kết hợp giữa công nghệ thông tin, an toàn không gian số, hệ thống nhúng và công nghệ IoT (Internet of Things).
Trong khi đó, ở ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số (FinTech and Digital Business), sinh viên theo học sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng tích hợp về công nghệ và kinh doanh để có thể làm việc tốt trong các lĩnh vực mới trong kỉ nguyên chuyển đổi số như công nghệ tài chính, tiếp thị số, blockchain, tiền điện tử,…
Hay với ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics (IE - Industrial Engineering and Logistics Systems) , sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức về công nghệ kỹ thuật, phương pháp và công cụ quản lý từ nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm dịch vụ, đến quản trị chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất và hậu cần,…
Điểm chung là cả 3 chuyên ngành này đều được tích hợp với chương trình Thạc sĩ, do đó sinh viên chỉ cần học tiếp 1 năm sau khi tốt nghiệp cử nhân là sẽ nhận bằng Thạc sĩ. Ngoài ra, chương trình đào tạo "2 năm đầu tiếng Việt, 2 năm cuối tiếng Anh" sẽ phù hợp với những sinh viên khối A có nguyện vọng nâng cao trình độ ngôn ngữ tiếng Anh chuyên ngành sau khi tốt nghiệp.
Chính nhờ thế mạnh về ngoại ngữ, đi kèm sự chuyển mình đúng đắn trong quá trình tạo, hướng tới nhóm ngành kỹ thuật công nghệ cao và tăng cường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, GS Đức tiết lộ nhiều sinh viên của trường Quốc tế có thể đầu vào chưa thực sự tốt nhưng sau này các em đều có cơ hội việc làm rất tốt. Nhiều cựu sinh viên thành đạt trong sự nghiệp.
"Bằng chứng là sinh viên của chúng tôi, có những bạn sinh viên năm thứ 3 đã thành lập các doanh nghiệp. Tôi chứng kiến một số em 5-10 năm đầu rất khó khăn, thậm chí là khi lập nghiệp không có tiền để trả lương cho nhân viên; nhưng sau 5-10 năm thì các em đã viết phần mềm sử dụng công nghệ Blockchain và có vài nghìn tỷ".
"CMCN 4.0 này sẽ tạo ra những doanh nhân lớn, những tỷ phú trong một thời gian rất ngắn. Tôi hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam, cùng với sự đồng hành của trường Quốc tế, chúng ta sẽ nắm bắt được những cơ hội đó".
Phụ huynh và thí sinh cần tư vấn thêm thông tin tuyển sinh xin vui lòng liên hệ:
Văn phòng tuyển sinh Trường Quốc tế
Nhà G8, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Bộ phận tuyển sinh, Phòng công tác sinh viên
Nhà C, Làng Sinh viên HACINCO, 79 Ngụy Như Kon Tum, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Email: tuyensinh@vnuis.edu.vn
Website: https://ts.isvnu.vn
Hotline: 024. 3555 3555 | 0983 372 988 | 0379 884 488 | 0989 106 633 hoặc trực tiếp inbox Fanpage Trường Quốc tế tại