Nghệ An:

Chỉ có 1 quả thận, nam sinh mồ côi mất cơ hội vào học trường Quân sự

(Dân trí) - Tất cả sự cố gắng, nỗ lực của Bùi Đình Sơn đã được đền đáp bằng tấm giấy báo nhập học vào Học viện Hậu cần. Thế nhưng, qua đợt kiểm tra sức khỏe sau khi nhập học, Sơn được phát hiện chỉ có 1 quả thận, không đủ điều kiện sức khỏe để theo học tại trường Quân sự.

Tâm sự của Bùi Đình Sơn và người thân trước sự việc

 

Chúng tôi gặp em Bùi Đình Sơn (SN 1997, trú xóm 1, Nghi Kim, TP Vinh, Nghệ An) khi em vừa từ Hà Nội về. Ngay trong chiều 20/9, em Sơn lại phải bắt xe ra trường để rút hồ sơ học. Đồng nghĩa với việc, dù đạt được điểm số cao, Sơn vẫn không thể hiện thực hóa được ước mơ của bản thân và của người cha quá cố của mình.


Được phát hiện chỉ có một quả thận, Bùi Đình Sơn mất cơ hội vào học tại Học viện Hậu cần.

Được phát hiện chỉ có một quả thận, Bùi Đình Sơn mất cơ hội vào học tại Học viện Hậu cần.

Khi Sơn mới học lớp 3 thì mẹ đột ngột qua đời. Vừa kết thúc kì thi chuyển cấp lên lớp 10 thì bố Sơn cũng bỏ mẹ già, con dại ra đi. “Trước khi mất, bố trăng trối mong Sơn học thật giỏi để vào học tại một trường Quân sự. Bố không còn nhưng nếu Sơn được rèn luyện trong môi trường đó, bố cũng yên tâm mà nhắm mắt. Hơn nữa, nếu vào được các trường quân sự thì không phải lo về chi phí học tập cũng như không phải đối mặt với những khó khăn sau khi ra trường”, Bùi Thị Thương - chị gái của Sơn tâm sự.

Bố mẹ mất sớm, hai chị em Sơn ở với bà nội. Bà nội năm nay 83 tuổi lại bị một cái u lớn sau lưng, lúc ngủ chỉ có thể nằm nghiêng một bên. Dù ít tuổi nhưng Sơn luôn phải thể hiện vai trò người đàn ông, gánh vác công việc nặng nhọc trong gia đình. Chị Thương đỗ vào trường ĐH Vinh, nếu không giành được suất học bổng cũng như sự giúp đỡ của bà con lối xóm và các tấm lòng hảo tâm có lẽ cũng không theo nổi việc học hành.

Kết luận sức khỏe hiện tại bình thường nhưng do thiếu một quả thận nên Sơn không đủ điều kiện theo học trường khối quân sự.
Kết luận sức khỏe hiện tại bình thường nhưng do thiếu một quả thận nên Sơn không đủ điều kiện theo học trường khối quân sự.

Thương bà già cả, thương chị thân con gái yếu ớt, Sơn giành hết công việc nặng nhọc trong nhà, ngoài đồng. Những hôm được nghỉ học, Sơn đi phụ hồ, bốc gạch kiếm thêm tiền trang trải học hành cho cả hai chị em. Quyết chí thực hiện ước mơ của bố, bản thân Sơn luôn cố gắng nỗ lực không ngừng trong học tập. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, cán bộ lớp, cán bộ đoàn gương mẫu. Tháng 5 vừa rồi, Bùi Đình Sơn là một trong 3 học sinh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng vinh dự được kết nạp Đảng.

“Có hôm xe đạp hỏng, đi nhờ được xe vào trường để học nhưng khi về không nhờ được xe, Sơn phải chạy bộ từ trường về nhà, cách nhau đến 5 cây số. Bà nhìn cháu mà ứa nước mắt vì thương. Cháu bà mồ côi cha mẹ từ tấm bé, giờ ước mơ dang dở, bà đau lòng lắm. Thương cháu mà không biết làm răng”, bà Nguyễn Thị Hồng sụt sùi.

Sự việc của Sơn khiến bà nội già yếu càng thêm suy sụp.
Sự việc của Sơn khiến bà nội già yếu càng thêm suy sụp.

Tại kỳ sơ tuyển, khám sức khỏe, Sơn được thành đội Vinh kết luận đủ tiêu chuẩn, điều kiện sức khỏe để đăng kí xét tuyển vào trường quân sự. Với tổng điểm 27 điểm khối A (mỗi môn Toán, Lý, Hóa đều được 9 điểm), cộng với 0,5 điểm khu vực, Bùi Đình Sơn đăng kí xét tuyển vào Học viện Hậu cần và trúng tuyển. Khỏi phải nói chị em Sơn đã hạnh phúc như thế nào khi cầm trên tay giấy báo nhập học của trường. Đêm trước khi Sơn ra trường, bà con lối xóm đến chia vui đông lắm, cho em ít tiền gọi là động viên. Sơn lên đường nhập học mang theo niềm tự hào của bà, của chị, mang theo ước mơ của người cha quá cố.

“Ra nhập học, nhà trường tổ chức kiểm tra sức khỏe. Kết quả kiểm tra cho thấy, không phát hiện thận phải của em. Dù được kết luận là sức khỏe bình thường nhưng do thiếu 1 quả thận nên em không đủ điều kiện sức khỏe để theo học trong môi trường quân đội. Không tin vào kết quả này, em tự đi kiểm tra một lần nữa. Kết quả không có gì thay đổi. Em choáng váng, hụt hẫng. Không đủ điều kiện tham gia học nghĩa là em không thể thực hiện được ước mơ của bố, không hiện thực được ước mơ của bản thân em. Lúc này, các trường khác cũng đã hoàn thành việc xét tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, em không còn cơ hội bước chân vào cánh cổng đại học nữa”, Sơn rơm rớm nước mắt.

Bùi Thị Thương bật khóc khi kể về hoàn cảnh và sự cố gắng nỗ lực không ngừng của hai chị em khi cả bố lẫn mẹ đều sớm qua đời.
Bùi Thị Thương bật khóc khi kể về hoàn cảnh và sự cố gắng nỗ lực không ngừng của hai chị em khi cả bố lẫn mẹ đều sớm qua đời.

Trong cơn tuyệt vọng, Sơn viết một bức thư dài gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét cho hoàn cảnh đặc biệt của mình. Đại diện gia đình cũng viết một bản cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trong quá trình học Sơn xảy ra những vấn đề về sức khỏe.

“Em biết môi trường trong quân đội sẽ gian nan vất vả nhưng bản thân em xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, đã làm nhiều công việc vất vả khó nhọc. Em nghĩ mình sẽ đủ khả năng theo học hay vượt qua các kỳ huấn luyện cũng như phục vụ lâu dài trong quân đội. Em tha thiết mong Bộ Quốc phòng tổ chức một kỳ sát hạch sức khỏe để đánh giá tình hình sức khỏe thực tế của em. Hiện giờ cơ hội vào các trường khác đã hết, mà nếu có cơ hội đi chăng nữa thì em cũng không đủ điều kiện về tài chính để theo học khi bà nội quá già yếu mà chị Thương cũng đang đi học”, Sơn cho biết.

Bức tâm thư và bản cam đoan của Sơn và gia đình gửi Bộ Quốc phòng.
Bức tâm thư và bản cam đoan của Sơn và gia đình gửi Bộ Quốc phòng.

Biết là nguyện vọng của mình rất khó để Bộ Quốc phòng chấp thuận nhưng Sơn vẫn nuôi hi vọng biết đâu sẽ có phép màu đến với mình.

Cô Võ Ánh Quỳnh - giáo viên chủ nhiệm của Sơn tâm sự: “Dù hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng Sơn đã không ngừng nỗ lực để giành được những kết quả đáng khích lệ, 3 năm liền em là học sinh giỏi toàn diện. Sơn là người có ý thức tự giác cao, gương mẫu, được bạn bè tín nhiệm. Khi biết em đủ điểm để vào Học viện Hậu cần, bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo trong trường hết sức vui mừng nhưng giờ Sơn không đủ điều kiện sức khỏe để theo học, tôi rất buồn và tiếc cho em”.

Hoàng Lam

(hoanghonglam@dantri.com.vn)