Chương trình giáo dục phổ thông mới:
“Chỉ chọn 6 tác phẩm Văn học bắt buộc là điều khó chấp nhận”
(Dân trí) - “Cả một nền văn học hơn 10 thế kỉ, chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam, với hàng vạn tác phẩm văn học hiện nay mà chỉ chọn 6 văn bản bắt buộc đưa vào là điều khó chấp nhận” - ý kiến của GS.TS Đinh Xuân Dũng.
Ngày 22/3, Hội đồng Lý luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức tọa đàm đánh giá chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới. Theo một số chuyên gia, khái niệm “mở” mà ban soạn thảo đưa ra quá rộng, quá nguy hiểm. Do đó nhiều người đề xuất tăng phần “cứng”, giảm phần “mềm”.
"Không thể chỉ có 6 tác phẩm"
Theo GS Hà Minh Đức, đây là công trình công phu nhưng cần bổ sung. Trong đó, ông đồng tình với việc cần quy định phần “cứng” - là các tác phẩm bắt buộc và phần “mềm” - là các tác phẩm tự chọn.
Trong đó, 6 tác phẩm đưa vào chương trình chính khóa mà ông tạm gọi là phần “cứng”, cần được xê dịch tăng lên nếu thấy hợp lý, không được cố định sẵn chỉ trong 6 tác phẩm, nếu không sẽ hơi lệch.
“Về khối lượng kiến thức trong chương trình, theo tôi khá phong phú. Quan niệm “mở” cho nhà giáo và biên soạn được quy định ở việc được tự chọn tác phẩm giảng dạy ngoài 6 tác phẩm, theo tôi cần bổ sung thêm.
Việc lựa chọn và bổ sung này cần được ban soạn thảo lựa chọn kĩ càng, không chỉ lựa chọn về tác giả mà còn cả tác phẩm theo 4 nguyên tắc: Hợp thời đại, hợp bản chất của tác giả, hợp với trình độ học sinh và đội ngũ tác giả cân đối”, GS Hà Minh Đức nói.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Phạm Quang Long (Trường ĐH KHXH& Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) cho rằng, về nội dung chương trình, ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo và người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích là chưa phù hợp.
“Tôi cho rằng cách lựa chọn nội dung mở nào không phù hợp, thiếu nhất quán bởi tính pháp lệnh không rõ ràng, chuẩn mực nội dung của chương trình chưa được xác định, sẽ gây khó khăn cho công tác giảng dạy, đánh giá, thi cử. Ý định của chương trình là tạo biên độ cho sự sáng tạo nhưng đó là những ý tưởng mang tính logic hình thức hơn là căn cứ thực tiễn”, PGS Long nói.
GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường ĐH SP Hà Nội) thì cho rằng, năng lực thẩm mỹ gắn với văn chương, nên việc lựa chọn văn bản nào để dạy là rất quan trọng.
“Hiện tác phẩm bắt buộc đang quá ít trong khi văn bản tự chọn lại quá nhiều. Do đó, giáo viên có thể chọn các tác phẩm “làng nhàng” mà bỏ qua các tác phẩm kinh điển, quan trọng. Theo tôi, các tác phẩm càng lớn, càng dễ đi qua cổng trường để đến với học sinh. Vì vậy, cần tăng phần bắt buộc lên, không quá ít ỏi như hiện nay”, GS Thìn cho hay.
Trình bày ý kiến tại buổi tọa đàm, GS.TS Đinh Xuân Dũng (Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật T.Ư) cho rằng, việc lựa chọn văn bản theo bắt buộc hoặc gợi ý là không nên: “Học văn mà bắt buộc thì mất ý nghĩa. Do đó đề nghị đổi thành phần “cứng” và phần “mềm” cho chương trình.
Cả một nền văn học hơn 10 thế kỉ, chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam, với hàng vạn tác phẩm văn học hiện nay mà chỉ chọn 6 văn bản bắt buộc đưa vào là điều khó chấp nhận.
Do đó, tôi kiến nghị mỗi lớp nên có 5-6 văn bản tác phẩm bắt buộc, tức chỉ chiếm 1/4 - 1/5 chương trình văn học của mỗi lớp. Như vậy, sau 12 năm học phổ thông, các em có kiến thức của khoảng 50-60 tác phẩm xuất sắc của Văn học Việt Nam. Tỉ lệ này vẫn còn rất khiêm tốn so với các tác phẩm văn học hiện có. Tức là đề xuất tăng phần “cứng” lên cao gấp 10 lần so với dự thảo đưa ra”.
Tác phẩm tự chọn nên trong khoảng 20-25%
Trên cơ sở phân tích trên đây, nhiều chuyên gia đề xuất tăng phần tác phẩm bắt buộc, giảm phần tác phẩm tự chọn. Thậm chí phải đưa danh mục tác phẩm tự chọn nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Theo PGS Phạm Quang Long, ông đề xuất cần hạn chế số lượng tác phẩm tự chọn, chỉ chiếm khoảng 20-25% chứ không quá rộng như hiện nay. Các tác phẩm tự chọn này cũng được ban soạn thảo đưa ra và yêu cầu chọn trong số đó. Đồng thời, tăng số lượng tác phẩm bắt buộc lên vì số tác phẩm này ít hơn tự chọn là không hợp lý.
Còn theo GS Dũng, ông cho rằng dự thảo “mở”quá rộng, với các từ “không bắt buộc”, “tự chọn tác phẩm tương tự”… và hai đối tượng được lựa chọn tác phẩm giảng dạy là giáo viên và tác giả SGK, như thế là rất nguy hiểm vì rất tự do bởi người nào thích gì chọn nấy.
“Có nghĩa là, hoàn toàn có thể đưa tác phẩm khác vào SGK để giảng dạy theo lựa chọn của giáo viên và tác giả SGK. Vậy quan điểm của dự thảo này, chương trình SGK là cơ sở pháp lý trong dự thảo sẽ không còn vị trí pháp lý thực chất của nó”, GS Dũng cho hay.
Trên cơ sở này, GS Dũng kiến nghị nên thành lập một ngân hàng tác phẩm “mềm” với số lượng tác phẩm chỉ khoảng từ 10-15% so với phần “cứng” để lựa chọn giảng dạy. Điều này vừa “mở” nhưng cũng vừa đảm bảo chương trình.
Cũng kiến nghị về việc tăng các tác phẩm bắt buộc và giảm tác phẩm tự chọn, đồng thời tác phẩm tự chọn cần được ban soạn thảo tìm và đưa ra, PGS.TS Lê Quang Hưng (Trường ĐH SP Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn các tác phẩm để đưa vào giảng dạy khó như khách mời đám cưới.
Tuy nhiên, cần có quy định về phần “cứng” và phần “mềm”, trong đó quy định cụ thể chẳng hạn các em phải đạt trình độ gì đó ở khoảng bao nhiêu tiết, khoảng bao nhiêu tiết còn lại sẽ lựa chọn trong số các tác phẩm nào. Như thế theo GS Hưng, sẽ hợp lý hơn.
Mỹ Hà