"Chỉ chăm chăm chúi đầu luyện thi sẽ không khá tiếng Anh"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Ngọc Hùng, nếu các trung tâm và học sinh chỉ chăm chăm chúi đầu luyện thi, sẽ không chữa tận gốc căn bệnh yếu tiếng Anh.

Chăm chăm luyện thi sẽ thua

Tại Hội thảo "Giải pháp đào tạo tiếng Anh 6 bậc theo khung năng lực chuẩn Châu Âu" tại Hà Nội ngày 2/6, TS Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên trưởng bộ phận thường trực Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân 2020" cho biết, nhiều trung tâm giảng dạy trong và ngoài nước thời gian qua đã làm rất tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh trong nước.

Tuy nhiên, nếu các trung tâm và cả học sinh chỉ chăm chăm chúi đầu luyện thi, không luyện tất cả các kỹ năng, chúng ta sẽ thua bởi khi áp dụng khung năng lực bậc 6 theo chuẩn Châu Âu, học viên sẽ được kiểm tra toàn diện năng lực. Vì vậy, việc chạy đua ôn thi không chữa tận gốc căn bệnh yếu tiếng Anh.

Chỉ chăm chăm chúi đầu luyện thi sẽ không khá tiếng Anh - 1

TS Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên trưởng bộ phận thường trực Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân" 2020 (Ảnh: Hải Nam).

Theo TS Hùng, chúng ta có hàng trăm trung tâm tiếng Anh đang miệt mài đào tạo ngày đêm, vậy nên muốn đào tạo đúng, cần hiểu từng đối tượng để có cách thức phù hợp.

Chẳng hạn với công chức muốn lấy chứng chỉ để tuyển dụng, người lao động muốn có chứng chỉ để đi lao động nước ngoài hay học sinh cần chứng chỉ để đi du học…, mỗi đối tượng khác nhau cần có cách thức giảng dạy khác nhau, không cào bằng.

Đặc biệt, những trung tâm đào tạo trực tuyến, nếu không có nội dung giảng dạy phù hợp, công cụ máy móc đường truyền tốt cũng không mang nhiều ý nghĩa.

Thạc sĩ giáo dục đặc biệt Nguyễn Hương Giang (Công ty VicUni Education) cho biết, xu hướng học ngoại ngữ và mức độ quan tâm tới việc học tiếng Anh của học sinh, sinh viên, người đi làm đang lớn hơn bao giờ hết.

Điều này xuất phát từ nhu cầu từ bản thân người học, xem ngoại ngữ là một công cụ quan trọng để được ưu tiên xét tuyển vào các trường top đầu, để vươn ra thế giới và để thăng tiến trong sự nghiệp.

Theo thống kê mới đây, gần 50.000 thí sinh thuộc diện miễn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh nhờ có chứng chỉ IELTS, đồng thời có hàng chục trường đại học ưu tiên xét tuyển bằng chứng chỉ này.

Đó là tín hiệu vừa đáng mừng lại vừa để lại những nỗi lo, chúng ta tự hào khi năng lực tiếng Anh của học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng vượt trội trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến thực trạng mất cân bằng trong đào tạo và xét tuyển qua chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi có rất nhiều học sinh tỉnh lẻ, những nơi còn khó khăn, không được tiếp cận với tiếng Anh từ sớm. Ngoài ra, việc thiếu hụt giáo viên chất lượng và chưa tối ưu được phương pháp đào tạo trực tuyến cũng là bài toán lớn khi xu hướng học ngoại ngữ nở rộ.

Chính điều đó đã thôi thúc các chuyên gia hợp tác tổ chức hội thảo "Giải pháp đào tạo tiếng Anh 6 bậc theo khung năng lực chuẩn Châu Âu".

Chỉ chăm chăm chúi đầu luyện thi sẽ không khá tiếng Anh - 2

Thạc sĩ giáo dục đặc biệt Nguyễn Hương Giang (Ảnh: Hải Nam).

Bố mẹ không nhắc nhở, thầy cô không thúc ép, học sinh có học?

Theo TS Hùng, việc dạy tiếng Anh trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm. Với học sinh phổ thông, nếu bố mẹ không nhắc nhở, cô giáo không thúc ép, hiệu trưởng không đe nẹt, đại bộ phận các em không theo học.

Cho nên giữa nhà trường, giáo viên và học sinh cần phải có kết nối, đặc biệt điều này càng được chú trọng hơn trong các chương trình đào tạo online tới đây của các đơn vị.

Thạc sĩ Bùi Hoài Hương, giảng viên Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, cho biết khi giảng dạy trực tiếp, tùy đối tượng, độ tuổi, năm học để sử dụng nhiều cách thức tăng tương tác trong học ngoại ngữ.

Chẳng hạn với đối tượng sinh viên năm thứ nhất, năm hai, cách chủ yếu tăng tương tác là thường xuyên đặt câu hỏi dưới nhiều hình thức khác nhau, có nhiều hoạt động nhóm để thảo luận, lồng ghép nhiều video, hình ảnh… Các cách thức tăng tương tác sẽ khác đi khi đối tượng học viên là học sinh nhỏ tuổi.

Thế nhưng khi học trực tuyến, sẽ phải có cách thức khác nhau, trong đó quan trọng là giáo viên phải có giáo án phù hợp và biết công nghệ.

Giảng viên này đưa ra lời khuyên cho học viên vượt qua nỗi sợ khi học tiếng Anh trực tuyến, trước hết người học cần có mục tiêu, học để làm gì. Khi có mục đích, các em sẽ có kế hoạch đạt mục tiêu, cộng với định hướng của thầy cô để học viên nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Cũng ở quan điểm này, Tiến sĩ Trần Thị Hường (Học Viện quân y) cho rằng, để dạy trực tuyến tốt, giáo viên cần bồi dưỡng về công nghệ và kiến thức, có kịch bản dạy học, hình ảnh video…, như vậy kiến thức sẽ được ghi nhớ dễ dàng hơn.