Chạy nước rút xây dựng trường chuẩn quốc gia

Tại Hà Nội, các địa phương đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành sớm chỉ tiêu xây dựng 100 trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015. Mặc dù vậy, không ít quận huyện vẫn lúng túng với chỉ tiêu đặt ra, thậm chí xin rút hay nợ đến năm 2016.


Toàn thành phố đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia năm 2015.

Toàn thành phố đang phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia năm 2015.

 

Thiếu đất, nợ chi tiêu

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm 2015 nên các quận huyện đang tập trung đánh giá tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia và đề ra kế hoạch năm 2016.  “Qua 5 năm xây dựng trường chuẩn quốc gia, có thể thấy số lượng trường đạt chuẩn tăng gấp 2 lần với trên 1.000 trường, đạt xấp xỉ 50% tổng số trường công lập trên địa bàn thành phố. Hiện, 11 quận huyện đã vượt chỉ tiêu, tuy nhiên vẫn còn địa phương rất khó khăn để đạt chỉ tiêu năm 2015” – bà Phạm Thị Hồng Nga cho biết.

Cụ thể, toàn thành phố vẫn còn tới 19 quận huyện chưa đạt chỉ tiêu nào trong đó có các quận như Ba Đình, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…

Bà Phạm Thị Hồng Nga phân tích, quận Ba Đình hiện chưa được công nhận trường chuẩn quốc gia dẫn đến tụt hạng từ thứ 15 xuống 24 trên toàn thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn. Trả lời nguyên nhân chậm tiến độ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình Nguyễn Đắc Hùng cho biết, quận gặp khó khăn về diện tích đất xây trường. Hiện toàn quận có 20/49 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm 41%. Năm 2015 chỉ tiêu 2 trường chuẩn quốc gia là trường tiểu học Nguyễn Trung Trực và mầm non Thành Công nhưng phải tạm dừng thẩm định hồ sơ. “Chúng tôi dự kiến, phải tới tháng 6-2016 2 trường này mới hoàn thành, vì vậy chỉ tiêu năm 2015 phải nợ đến năm sau” – ông Nguyễn Đắc Hùng nhận định.

Dùng cơ chế đặc thù để tăng tiến độ

Trong khi Đan Phượng đã hoàn thành mục tiêu 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, huyện này vẫn tiếp tục đầu tư 60 tỷ đồng để hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn còn lại trong năm 2015. Huyện Mê Linh mặc dù cũng còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã vươn lên đứng thứ 22 trong toàn thành phố bằng việc công nhận mới 5 trường đạt chuẩn quốc gia với số vốn đầu tư 110 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện phải chi ra 6 tỷ đồng để công nhận lại 6 trường đã hết hạn công nhận trường chuẩn quốc gia. Năm 2016, huyện Mê Linh phấn đấu công nhận mới 4 trường với mức kinh phí 42 tỷ, công nhận lại 10 trường với 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, Phú Xuyên, huyện đang đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng cho biết, năm 2015 huyện rất quyết tâm đầu tư cơ sở vật chất vì được hưởng cơ chế đặc thù của thành phố nhưng kinh phí đầu tư trường chuẩn còn rất hạn chế. Do đó, việc đạt chỉ tiêu 5 trường chuẩn quốc gia năm 2015 là rất khó khăn. “Thành phố chi cho huyện 40 tỷ đồng nhưng chia đồng đều các lĩnh vực trong đó giáo dục chỉ là phần nhỏ. Chúng tôi kiến nghị chỉ rõ giáo dục được tỷ lệ bao nhiêu để đưa vào kế hoạch xây dựng trường chuẩn” – đại diện phòng GD-ĐT huyện Phú Xuyên nói.

Huyện Mỹ Đức hiện cũng nằm trong tốp 5 huyện đang chờ thành phố cho áp dụng cơ chế đặc thù. “Bố trí nguồn thu của huyện dù rất khiêm tốn, 20 tỷ đồng một năm cho giáo dục nhưng do số lượng trường nhiều môn vẫn phải trông chờ vào hỗ trợ của thành phố. Chúng tôi đề nghị ổn định ngân sách 2016-2020, không dàn trải và nên ưu tiên cho 5 huyện khó khăn” – đại diện Phòng GD-ĐT huyện này chia sẻ. Đánh giá về khó khăn của huyện Mỹ Đức, bà Phạm Thị Hồng Nga cho rằng, 20 tỷ đồng chi cho giáo dục mỗi năm là rất khiêm tốn và chỉ đủ bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất. “Sở GD-ĐT đã đưa Mỹ Đức vào danh sách huyện cần hỗ trợ của thành phố để họ có thể vượt lên trong công tác xây dựng trường chuẩn” – bà Nga cho biết.

Có thể thấy, tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia của các quận huyện chênh lệch khá lớn. Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2015, Hà Nội còn tới 65 trường phải hoàn thành công tác thẩm định trong 3 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, năm 2015, Hà Nội phải công nhận lại 293 trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có 73 trường được công nhận lại.  Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, trong tháng 10 -2015, thêm 41 trường nữa sẽ được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, 19 đơn vị chưa đạt được chỉ tiêu nào trong năm 2015 cần phải rất nỗ lực để về đích.

Theo Vinh Hương

An Ninh Thủ Đô

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm