Châu Á là “thị trường giáo dục” đầy sức hấp dẫn

Châu Á đang trở thành một thị trường hấp dẫn của nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Giống các sản phẩm từ đồng hồ đeo tay, xe hơi, quần áo, tác phẩm nghệ thuật, thực phẩm hay túi xách, giáo dục nếu có một thương hiệu mạnh có thể sẽ “trường tồn” tại thị trường này.

Con em của tầng lớp giàu có ở châu Á ngày một bùng nổ đang theo học tại một số trường nổi tiếng nhất thế giới ở Mỹ, châu Âu hay nơi nào khác trên thế giới. Nhưng ngày nay, họ không cần phải bay một quãng đường dài để tìm kiếm kiến thức.

Nhiều trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới đã và đang xây dựng các khu trường sở ở một số thành phố thịnh vượng của các quốc gia châu Á, trong đó có Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, đặc khu hành chính Hong Kong.

Harrow School là một trong những trường nổi tiếng nhất của Anh, với một danh sách dài và ấn tượng gồm những “học trò cũ” mà sau này trở thành những nhân vật nổi tiếng.

Nhà lãnh đạo thời chiến tranh của Anh Sir Winston Churchill, nhà thơ Lord Byron, Thủ tướng đầu tiên của ấn Độ Jawaharlal Nehru, Quốc vương Hussein của Jordan và thậm chí cả ca sĩ nhạc pop James Blunt một thời là sinh viên của Harrow School.

Harrow School dự kiến vào năm tới sẽ mở một khu trường sở mới dành cho 1.200 sinh viên tại đặc khu hành chính Hong Kong, nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục chất lượng cao tại châu Á. Harrow School hiện đã mở các trung tâm đào tạo tương tự tại Bangkok (Thái Lan) và Bắc Kinh (Trung Quốc).

Các bậc cha mẹ sẽ phải đặt cọc một khoản tiền lên tới 600.000 đôla Hong Kong (77.000 USD) để trang trải mức học phí hàng năm lên tới 145.000 đôla Hong Kong cho việc học hành của con cái họ.

Ông Mark Hensman, Hiệu trưởng trường Harrow International Schools, nhận xét rằng việc các bậc cha mẹ mong muốn con cái họ phải học hành phù hợp với thu nhập của họ đang thúc đẩy nhu cầu về học hành ở châu Á.

Ông nói thêm: “Những mong mỏi đó đã làm tăng nhu cầu học tiếng Anh và lấy các chứng chỉ cần thiết để được tiếp cận các trường đại học phương Tây. Các trường quốc tế đã tận dụng xu thế này để mở rộng các dịch vụ đào tạo tới châu Á trong những năm gần đây.

Chính phủ ở các nước này cố gắng đáp ứng những mong mỏi trong hệ thống giáo dục ở trong nước, và do vậy các trường quốc tế đang ngày càng đẩy nhanh tiến độ để khai thác nhu cầu đó.

Một trong số các trường nói trên là Đại học Marlborough, một trường danh tiếng có bề dầy lịch sử của Anh, đang tiến hành xây cơ sở đào tạo đầu tiên ở nước ngoài tại trung tâm đào tạo giáo dục đại học EduCity thuộc vùng Iskandar (bang Johor, Malaysia).

EduCity dự kiến sau khi được hoàn thành vào năm 2016 sẽ là nơi học tập lý tưởng cho khoảng 16.000 sinh viên.

Trường Netherlands Maritime Institute of Technology (Hà Lan) trong tháng Năm vừa qua cũng đã mở một trường sở ở đây, trong khi trường Newcastle University của Anh dự kiến sẽ đón lứa sinh viên ngành y đầu tiên tại cơ sở của mình ở EduCity vào tháng Chín này.

Trường Southampton University (Anh) đang xây dựng một cơ sở ở EduCity.

Đại học Công nghệ Masssachusetts (MIT) của Mỹ và một đối tác Malaysia cũng đang triển khai thành lập trường Institue for Supply-Chain Innovation đầu tiên của châu Á tại EduCity, trong khi trường Johns Hopkins University dự kiến sẽ xây dựng một trường y tại đây.

Một khu liên hợp thể thao và làng sinh viên quốc tế cũng sẽ được xây dựng tại bang Johor. Ông Khairil Anwar Ahmad, giám đốc của công ty điều hành dự án liên hợp này, nói rằng mục tiêu của dự án là cung cấp nhân tài và thúc đẩy nền kinh tế trong nước, đồng thời đưa Malaysia vào bản đồ giáo dục thế giới.

Đến với EduCity, các sinh viên sẽ mất chi phí ít hơn để có thể lấy tấm bằng nước ngoài. Cụ thể, trường y Medical School của Newcastle University chỉ thu 65% mức học phí.

Ông Ahmad nói: “Các bậc cha mẹ ở châu Á hiện chú trọng nhiều đến vấn đề học hành của con cái. Ngày càng có nhiều gia đình ở châu Á muốn gửi con đi học ở nước ngoài, nhưng có thể không phải ở châu Âu hay Mỹ. Sinh viên có thể lấy bằng phương Tây ngay trong khu vực hay thậm chí ngay tại nước mình, với chất lượng tương tự.”

Các trường đóng đô ở EduCity hy vọng có thể thu hút tỷ lệ 50-50 sinh viên bản địa và nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và các nước khác trong khu vực châu Á.

Cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế là một lĩnh vực kinh doanh toàn cầu khổng lồ, với riêng học phí đã lên tới 26 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích của hãng nghiên cứu ISB Research nhận định con số này sẽ tăng gấp đôi trong một thập kỷ tới khi số trường cũng tăng gấp đôi.

Giám đốc điều hành ISB Research, Nicholas Brummitt, nhận xét, giáo dục quốc tế là một lĩnh vực kinh doanh rất lớn. Hai trong số những điểm đáng chú ý nhất tại thị trường châu Á là số sinh viên bản địa và số trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận ngày càng gia tăng.

Năm 2000, các trường quốc tế vẫn được hiểu là những hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, ngày nay các trường quốc tế, đặc biệt là những trường mới, mở rộng hoạt động vì mục đích lợi nhuận và đang cung cấp dịch vụ đào tạo chủ yếu cho con em các gia đình giàu có ở bản địa.

Ông Brummitt nói thêm: “Theo ước tính của chúng tôi, tổng cộng có tới 80% số sinh viên của các trường quốc tế là con em các gia đình bản địa, một sự đảo ngược hoàn toàn so với 20 năm trước”.

Theo TTXVN/Vietnam+