“Chat” với cô gái viết thư gửi Bộ trưởng Giáo dục
Cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở của Võ Thị Mỹ Linh với PV bên vỉa hè Hà Nội một ngày trời mùa đông đầu tháng 12.
Muốn làm những điều đáng để bản thân tự hào
Chào Linh! Có điều mình và không ít người thắc mắc từ lâu rất muốn hỏi Linh: có phải thư bạn viết đề gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trên Facebook vừa qua là cách để làm hình ảnh cho cuốn sách sắp ra mắt tới đây của mình không?
Hoàn toàn không phải. Nếu bạn đọc kỹ Facebook của mình thì dự án Volunteer House (Ngôi nhà tình nguyện) mình làm từ trước khi đi Ấn Độ rồi.
Mình đã từng nói rằng mình đi để học hỏi, không phải để giải tỏa tâm lí hay gì đó. “Tôi đi vì ngu tiếng Anh và không thể học tiếng Anh ở VN. Tôi bắt buộc phải đẩy mình đi ra bên ngoài để rèn luyện mình. Tôi thấy cái gì yếu nhất trong bản thân và muốn thay đổi nó. Tôi đi Ấn Độ, sang Nepal làm tình nguyện dạy tiếng Anh cho các em nhỏ cũng vì muốn nâng kỹ năng, sự thành thạo vốn ngoại ngữ của bản thân”.
Bức thư chỉ là những suy nghĩ vào thời điểm mình rảnh rỗi. Khi mình thấy mình không phải đứa học ngu với các môn từ tự nhiên đến xã hội, môn nào cũng tốt và đều sáng tạo mà đến tiếng Anh tại sao mình không học được.
Ra nước bạn mình nhận ra lý do vì sao mình ở VN công ty cho học hết khóa học tiếng Anh này đến khóa khác mà vẫn chưa tiến bộ. Vì mình chưa thực sự đề cao sự quan trọng của môn ngoại ngữ này. Hay ở trường học, học sinh học 2 buổi/tuần, lại tập trung quá nhiều vào ngữ pháp.
Tiếp tục khám phá mình thấy có nhiều khác biệt trong sách của Nepal và sách dạy ngoại ngữ của VN. Nhưng mình không có ý định so sách. Nhưng điều mình thấy ở Nepal họ coi trọng tiếng Anh và coi đây là phương thức chính để đưa hình ảnh đất nước họ đến với thế giới. Họ thể hiện lòng tự hào dân tộc bằng viết những cuốn sách tiếng Anh về văn hóa Nepal. Trong khi ở VN, điều đó có vẻ ngược lại.
Mình viết vì thấy những điều đó có lý và hi vọng gần 7.000 người đang follow (theo dõi) mình đọc, hiểu và ý thức tầm quan trọng tiếng Anh thế nào trong cuộc sống. Vậy thôi!
Nếu muốn nổi tiếng, có lẽ mình sẽ tiếp tục hùa theo xu hướng đổ lỗi cho nền giáo dục này như nhiều bạn bình luận. Thay vì vậy mình viết một bài tại sao các bạn thay vì đổ lỗi cho người khác lại không đổ lỗi cho chính mình là nguyên nhân của việc kém tiếng Anh. Mình có quan điểm riêng. Chuyện mọi người thích hay không thích là quyền mọi người.
Còn nói chuyện viết sách, lâu nay mình đã làm. Sau sự việc thoát chết từ trận bão tuyết ở Nepal không ít đơn vị đã đặt vấn đề, thậm chí sẵn sàng trả giá cao cho những điều mình viết. Thậm chí mình có thể viết rồi bán đấu giá, lấy nguyên cục tiền mấy trăm triệu vì mình tin sách rất hay.
Nhưng mình không làm vậy. Tiền bản quyền viết sách lâu nay mình vẫn nhận rất ít từ NXB.
Vậy bạn viết sách với mục đích gì?
Lâu nay mình chỉ viết chung, không ra sách riêng. Tất nhiên mình tin nhiều bạn teen sẽ rất thích những câu chuyện ấy. Nhưng khi nhìn lại mình thấy không có gì tự hào, 20 năm sau đọc lại chắc sẽ buồn cười lắm. Thế nên mình muốn viết một cuốn cho bản thân, là những điều mình trải nghiệm, có dấu ấn và đáng để mình tự hào về nó.
Không bao giờ hối hận, nuối tiếc
Đi cũng khá nhiều, Linh có tính dừng lại?
Mình không phải là cô gái thích đi. Chỉ đơn giản mình thấy mình phải đi. Đi mới học được nhiều thứ, thấy thế giới đầy cái hay ho. Không đi cuộc đời sẽ chôn vùi mình, vậy thôi. Trước không bao giờ mình nghĩ mình là cô gái đày nắng đày mưa, không nghĩ đến chuyện da mặt bị bỏng,…chưa bao giờ. Bây giờ đi ngoài đường chang chang nắng mình thích hơn là bịt khẩu trang. Vậy thôi!
Đến giờ vẫn thích đi học hỏi nhiều hơn. Mọi người hỏi tại sao mình có đủ tiền để đi đến chỗ khác sạch đẹp hơn mà lại chọn Nepal, đến ở một ngôi làng nghèo. Tại sao mình không mua giấy vệ sinh dù có tiền mà lại học cách đi bằng tay giống họ,…Mình nghĩ, sinh ra trên cuộc đời mình phải học cách thích nghi với tất cả mọi thứ, mọi hoàn cảnh. Cách mình làm như vậy là tôn trọng văn hóa và học cách sống như người bản địa.
Chuyện mình sống sót qua trận bão tuyết vừa qua là do hồi ở Ấn Độ mỗi ngày mình như các bạn ở đây đi bộ 12km đi học. Khi chân đã quen, leo núi không còn mệt nữa. Và bản năng sinh tồn giúp mình vượt qua bão tuyết.
Như vậy là Linh đã đi được bao lâu rồi?
Khoảng 6 tháng.
Ngoài những điều thu được, Linh có tiếc nuối gì không?
Không, khi làm việc gì mình đều trả lời trước câu hỏi tôi có hối hận không kể cả có kết quả xấu.
Ngày bỏ việc ở ngân hàng, mình viết đoạn chia sẻ rất dài trên Facebook. Một số đồng nghiệp vào nói mình can đảm quá, anh cổ vũ, mình đi là đúng. Một số bảo là mình rất anh hùng… Mình quay lại nói mình không phải cô gái can đảm, không biết quyết định đi là đúng hay không vì tại sao nếu đúng mọi người không bỏ việc đi như mình. Tại vì lúc ở đây mọi người vẫn cân nhắc sẽ tốt hơn là như mình, phải ra đi không?
Mình làm mọi việc không phải để được tung hô hay khen là ca đảm, đơn giản là việc mình cần làm để cải thiện chính mình.
Chuyến về VN này bạn sẽ ở lại bao lâu?
Mình về là luôn, hết tiền rồi còn đâu (cười).
Mình đã/đang khởi động dự án Ngôi nhà tình nguyện. Ở Nepal mình thấy họ lập chỗ ở cho người nước ngoài khi đến du lịch, có thể miễn phí một phần thức ăn cho họ. Còn họ dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Nepal hoặc nghiên cứu để có những dự án tốt đẹp cho dân địa phương như xây những nhà vệ sinh sạch sẽ thay vì lộ như người dân vẫn làm.
Dự án sẽ là môi trường tốt cho trẻ em VN cải thiện khả năng nói tiếng Anh, giúp các em có môi trường tiếp xúc người nước ngoài và hòa đồng với họ, thấy rằng chuyện giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ hay và thú vị.
Hơn nữa mình muốn thay đổi thói quen du lịch bạn trẻ VN, không chỉ đơn giản là đi để nghỉ ngơi, chụp hình. Bạn trẻ nước ngoài có tiền ít khi họ thuê khách sạn mà chọn ở nhà dân, tìm hiểu cuộc sống để học cái hay cái tốt mang về đất nước họ.
Hiện dự án của Linh đã triển khai đến đâu rồi?
Mình mới tập hợp, lên danh sách một số thành viên và đang tìm kiếm người giúp đỡ. Công việc thì rất nhiều. Mình còn muốn ôn tập để sắp tới đi du học nữa.
Nhưng phải cố gắng vì thấy mọi người khá kỳ vọng ở dự án.
Tất cả những điều Linh nghĩ và làm có bị ảnh hưởng bởi ai đó không?
Không hề. Ngày trước mình có từng trải qua công việc làm truyền thông. Với mình sự nổi tiếng không có ý nghĩa gì. Tự mình hoạch định hướng đi và không muốn đi theo vết chân ai hay làm gì gượng ép.
Trên Facebook mình có bác từng góp ý là “con viết rất hay, điều con làm rất ok (ổn) nhưng sao bác thấy con nói bậy nhiều quá” (cười).
Nhưng mình không hướng mình tới con người của sự hoàn hảo. Mỹ bầu tổng thống cũng chỉ cần ứng viên vượt quá 50% số phiếu từ người yêu quý họ mà thôi.
Hơn nữa Facebook là không gian riêng của mình. Bạn có thể thích bước vào hoặc không. Đó là quyền của bạn. Phải gượng ép theo khuôn mẫu thì nặng nề lắm (cười).
Cảm ơn Linh! Chúc bạn sức khỏe và thành công!