Chàng trai Việt tuổi 18 trúng tuyển trường top 10 ĐH tốt nhất nước Mỹ

(Dân trí) - Xuất sắc ở các môn khoa học tự nhiên, học tốt tiếng Anh, sáng chế robot ấn tượng, Văn Duy Bảo bộc lộ bản thân là một cậu học trò thông minh, năng động và có tố chất lãnh đạo.


Văn Duy Bảo vừa nhận thư mời học sớm từ trường Trinity College - Đại học Duke, Mỹ.

Văn Duy Bảo vừa nhận thư mời học sớm từ trường Trinity College - Đại học Duke, Mỹ.

Học sinh kết quả cao nhất môn Toán, Lý, Hóa, Kinh tế của trường

Ở đợt thông báo kết quả ứng tuyển đại học Hoa Kỳ sớm vừa đây, em Văn Duy Bảo (sinh năm 1999) nhận niềm vui đỗ vào Đại học Duke – ngôi trường xếp thứ 8/10 trường đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2016 theo bảng xếp hạng US News & World Report.

Đại học Duke từ lâu đã là một trong những giấc mơ lớn của Bảo, ngôi trường mà 9X Việt bị cuốn hút bởi năng lượng của nó. Không đơn thuần là thứ hạng, Duke trong mắt cậu học trò này là một cộng đồng tràn đầy năng lượng, nơi mà tinh thần “work hard, play hard" (học hết sức, chơi hết mình) thực sự hiện hữu khiến các sinh viên ở đây được đặt biệt danh “Cameron Crazies" - tạm dịch là “những kẻ điên của sân Cameron” (Cameron Indoors là sân bóng rổ chính của Duke).

Theo học chương trình bằng tú tài quốc tế (IB) tại trường Quốc tế Úc ở TP.HCM, Bảo bộc lộ khả năng xuất sắc ở các môn Toán, Lý, Hóa, Kinh tế và giành giải thưởng Academic Excellence dành cho học sinh đạt kết quả cao nhất trong các bộ môn này. Đặc biệt, Bảo đạt điểm thi IGCSE (Chứng chỉ Quốc tế về Giáo dục Trung học Tổng quát) cao nhất trường khi còn là học sinh lớp 11.

Liên tục duy trì kết quả học tập ấn tượng, 3 năm cấp 3 Bảo liên tục nhận học bổng AIS Academic Scholarship ở mức cao nhất (50%). Đồng thời, nhận giải thưởng từ Đại học New South Wales dành cho học sinh đạt kết quả IB năm đầu tiên cao nhất khối với số điểm 41/42. Ngoài ra, Bảo là thành viên đội tuyển cầu lông của trường, em đạt giải Nhất giải cầu lông U19 liên trường năm 2015 bộ môn cầu lông đôi.

Rất yêu thích mày mò kỹ thuật, Bảo tự chế tạo sản phẩm dự thi Thử thách sáng tạo trẻ - Young Makers Challenge năm lớp 10 và đạt Giải Nhất với dự án Scout Bot. Đó là một robot nhỏ thông minh với mục tiêu đi vào những vị trí hiểm trở và trả về thông tin qua các cảm biến và camera ghi hình.


Bảo (phải, ngoài cùng) sáng lập CLB Toán học ở trường cấp 3.

Bảo (phải, ngoài cùng) sáng lập CLB Toán học ở trường cấp 3.

Kết nối sân chơi Toán học thú vị

Năng nổ, trách nhiệm, cậu học trò đa tài trở thành “thủ lĩnh” nhiều tổ chức do chính em kết nối, sáng lập. Văn Duy Bảo là đồng sáng lập và phó chủ tịch hội đồng học sinh trường Quốc tế Việt Úc (2014); đồng sáng lập và trưởng BTC tổ chức dự án từ thiện Project Spark với mục tiêu khuyến học cho trẻ em tại các vùng xa xôi ở Việt Nam; đội trưởng đội robot liên trường tham gia Intel Young Makers Challenge.

Bước vào cấp 3, em nhanh chóng tham gia đội Toán của trường để đi thi đấu trong các cuộc thi toán khu vực. Đến năm lớp 11, Bảo đã sáng lập CLB Toán học của trường, nắm vai trò chủ tịch trong cả hai năm lớp 11 và 12. Bảo cho hay, CLB của em tổ chức các sự kiện liên quan đến toán học trong trường như Pi Day và luyện tập cho các kì thi Toán trong suốt năm học. Ý tưởng nảy nở trong Bảo từ khi em nhận thấy phong trào Toán học ở trường còn hạn chế.

“Em đã thi vào đội tuyển Toán, lúc này chỉ có 8 người tham gia các kì thi thay mặt cho toàn trường. Đội rất ít khi gặp nhau và ôn luyện đa phần là cá nhân. Em muốn tạo ra một sân chơi mang tính hợp tác hơn để một là tạo ra một đội Toán AIS mạnh hơn, hai là mang “toán học thú vị” (khác với toán trong lớp) đến với một cộng đồng lớn hơn và vì vậy em đã sáng lập AIS Math Club (câu lạc bộ Toán học)”, Duy Bảo chia sẻ.

CLB của chàng trai yêu Toán nhận được sự hưởng ứng của nhiều bạn. Năm đầu tiền của CLB bắt đầu với con số 12 thành viên và cũng tổ chức được nhiều sự kiện quảng bá toán học trong trường như là: Câu hỏi của Tuần, Pi Day, Tuần Toán Học. Bảo tâm sự, năm nay nhóm đã có 20 thành viên và dự định tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn hơn, đặc biệt là một cuộc thi Toán toàn trường.


Dự án đầu tay của Project Spark (tổ chức Bảo đồng sáng lập) ở Đồng Nai, xây dựng sân chơi và giảng dạy tiếng Anh cơ bản qua các trò chơi cho các em mồ côi.

Dự án đầu tay của Project Spark (tổ chức Bảo đồng sáng lập) ở Đồng Nai, xây dựng sân chơi và giảng dạy tiếng Anh cơ bản qua các trò chơi cho các em mồ côi.

Cuộc chạy đua marathon

Ở bài luận chính, Bảo sử dụng hình ảnh bố như một nguồn cảm hứng khi em khi phải đối diện với những sự thất vọng cũng như các thay đổi không lường trước được trong cuộc sống.

“Bài luận đi theo trình tự thời gian từ những thất bại nhỏ hồi bé khi em cố gắng xây dựng những trò chơi điện tử đơn giản cho đến những thất bại lớn hơn ở trường trung học như thất bại trong cuộc tranh cử chủ tịch hội đồng học sinh của trường và những bất trắc trong thời gian đầu phát triển của dự án Spark. Bài luận quay lại hình ảnh ba em và kết thúc bằng một cái nhìn lớn hơn về cuộc sống, về chỉnh bản thân em”, Bảo nói.

Bảo dự định sẽ theo đuổi chuyên ngành Khoa học máy tính để phát triển đam mê khoa học kỹ thuật của mình. Theo em, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu chuẩn bị cho quá trình nộp hồ sơ vào các đại học Mỹ bởi đó là một quá trình phức tạp và có nhiều yếu tố. Mỗi phần đều cần có sự quan tâm lớn và lên kế hoạch từ sớm.

“Ví dụ như để có được những thư giới thiệu thật sự mạnh, bạn cần tạo nên mối quan hệ tốt với giáo viên và điều này không thể thực hiện được qua một đêm mà là cả một quá trình”, Bảo khẳng định.

Vì tính cạnh tranh cao việc chinh phục trường đại học Mỹ có thể được ví như một cuộc đua. Tuy nhiên, nó là một cuộc đua marathon, thay vì một cuộc chạy nước rút, vì vậy bạn cần có, ngoài sự chuẩn bị tốt, sự bền bỉ và sự tập trung để không bị “đuối sức" giữa đường.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC