Cần Thơ:

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1

Bảo Kỳ

(Dân trí) - "Có hôm, ca bệnh là một cụ ông 85 tuổi đi lại rất khó khăn, em phải cõng ông lên xe rồi chở đến bệnh viện. Đợi tới lúc sức khỏe ông bình ổn em mới yên tâm trở về", chàng sinh viên năm nhất tâm sự.

Chàng sinh viên năm nhất tình nguyện đưa đón F0, F1

 Trước khi trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ F0, F1, Nguyễn Thuận Phát (20 tuổi) đang là sinh viên của Trường FPT Cần Thơ đồng thời là tài xế lái taxi thời vụ.

Tại TP Cần Thơ, tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp trong thời gian qua, có những ngày ghi nhận cả trăm ca mắc. Hiện địa phương cũng đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên các bệnh nhân rất khó khăn trong việc di chuyển từ nhà đến bệnh viện và ngược lại.

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1 - 1

Những chuyến xe "không mỏi" của sinh viên Nguyễn Thuận Phát.

Với mong muốn cùng lực lượng chức năng phòng, chống dịch Covid-19, em Nguyễn Thuận Phát, hiện đang là sinh viên năm nhất của trường Đại học FPT Cần Thơ đã xung phong ghi tên vào đội lái xe chở F0, F1 của trung tâm y tế quận Ninh Kiều.

"Em vừa là sinh viên vừa là tài xế taxi thời vụ. Dịch bệnh ập đến công việc làm thêm của em cũng tạm gác lại, em không đủ điều kiện để hỗ trợ về tiền bạc thì có sức khỏe và nghề lái xe. Cộng đồng cần thì em phải giúp", Phát chia sẻ.

Thuận Phát cho biết, đội tài xế của em có 4 thành viên trong đó có 3 người là tình nguyện viên như em, người còn lại kiêm đội trưởng là nhân viên của trung tâm y tế quận. Theo đó, mỗi ngày Phát nhận đến trung tâm để nhận xe và lịch trình di chuyển để đưa người các trường hợp F0, F1 đi cách ly, điều trị hoặc chở F0, F1 đã phục hồi hay hoàn thành thời gian cách ly trở về nhà.

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1 - 2

Bữa tối lúc 10h đêm vội vàng của Phát.

Lịch hoạt động của chàng sinh viên năm nhất không cố định, có ngày em chỉ chở hơn 20 ca nhưng có lúc cao điểm em phải chở cả trăm người mỗi ngày, thế nên giờ giấc ăn cơm không cố định, có khi đến 9,10h đêm Phát mới ăn cơm tối.

Dù chỉ mới gắn bó đã hơn một tháng qua nhưng công việc này đã mang đến cho Phát rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ và đủ loại cung bậc cảm xúc từ bỡ ngỡ đến vui mừng và cả sự hồi hộp, lo lắng.

"Chở F0, F1 suốt hơn tháng qua em gặp khá nhiều trường hợp như chở người già, trẻ em bị thương đi cấp cứu hoặc chở mẹ bầu.

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1 - 3

F0 được xuất viện đang chờ Phát tới đón.

Có lần khi đã chở xong các ca bệnh em trở về nhà đang ăn cơm thì trung tâm thông báo có ca bệnh trong khu cách ly cần đưa đi cấp cứu. Lúc đó, ca bệnh là một cụ ông 85 tuổi đi lại rất khó khăn, em phải cõng ông lên xe rồi chở đến bệnh viện. Đợi tới lúc sức khỏe ông bình ổn em mới yên tâm trở về", Phát tâm sự.

Để hoàn thành tốt công việc được giao, trước đó Phát và những tình nguyện viên còn lại đều được tập huấn kỹ thuật và lịch trình đưa rước F0, F1. Đối với trường hợp rước F0 đã hồi phục hay F1 hoàn thành cách ly, sau khi đón người tài xế sẽ đưa họ đến trạm y tế phường để khai báo y tế và chở họ về nhà.

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1 - 4

Bệnh nhân phục hồi được y, bác sĩ hướng dẫn điền thông tin trước khi xuất viện.

Anh Tăng Thuận Thành (24 tuổi, là giáo viên dạy âm nhạc) và là tài xế chung đội với Phát cho biết, công việc mỗi ngày của các tài xế đều khá bận rộn. Do Thuận Phát còn đi học nên hôm nào em bận các thành viên trong đội sẽ trực thay em. Trong mắt các tài xế, Phát tuy nhỏ tuổi nhưng rất giàu nhiệt huyết, sẵn sàng nhận ca thay các anh em dù bản thân có mệt mỏi.

Bác sĩ Bùi Thanh Tú, Trưởng phòng tổ chức hành chánh của trung tâm y tế cho biết, trung tâm sẽ tiếp nhận danh sách F1 từ tổ truy vết sau đó sắp xếp lịch trình di chuyển cho các tài xế để đưa rước sớm nhất.

Chàng sinh viên năm nhất ĐH FPT tình nguyện đưa, rước F0,F1 - 5

Xe cấp cứu được phun khử khuẩn khi vào khu cách ly.

"Phát là thành viên nhỏ tuổi nhất đội nhưng em hoạt động rất năng nổ và có trách nhiệm. Với sự tinh thần và cống hiến của các tình nguyện viên, trung tâm y tế quận Ninh Kiều rất hoan nghênh và cảm kích trước tấm lòng của các bạn trẻ", Bác sĩ Bùi Thanh Tú nhận xét.

Công việc dẫu có vất vả, nhiều rủi ro nhưng với Phát, được giúp đỡ cho người dân, giúp đỡ cho cộng đồng góp phần cùng với địa phương "chiến thắng" dịch bệnh là niềm hạnh phúc lớn nhất lúc này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm