Tình nguyện viên Cần Thơ vượt sông từ tờ mờ sáng để "truy" F0
(Dân trí) - Các tình nguyện viên phải thức từ 5h sáng để "vượt sông" để truy F0. Các y, bác sĩ tương lai đều vui vẻ cho biết, thù lao cao giá nhất đối với họ là mọi người được khỏe mạnh.
Từ ngày 9/8 đến nay, TP Cần Thơ triển khai xét nghiệm toàn dân để tách F0 khỏi cộng đồng. Hơn 1000 cán bộ, cựu sinh viên và sinh viên trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã được kêu gọi tình nguyện tham gia công tác chống dịch.
Những ngày qua, các tình nguyện viên đã được phân đi lấy mẫu xét nghiệm ở khắp các quận huyện, trong đó có những địa bàn là vùng đỏ, vùng nguy cơ lây nhiễm cao.
Tạm gác ngày về quê nhận việc ở lại Cần Thơ đi "truy" F0
Anh Thạch Hoàng Diệu quê ở Sóc Trăng, vừa mới tốt nghiệp ngành Y đa khoa hồi tháng 6. Đáng ra sau khi tốt nghiệp anh sẽ về quê công tác, tuy nhiên nhận thấy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường lại cần người có chuyên môn hướng dẫn, phụ trách các nhóm sinh viên tình nguyện đi chống dịch nên anh quyết định ở lại.
Anh Diệu phụ trách nhóm tình nguyện viên 20 người chi viện cho huyện Vĩnh Thạnh. Nhóm được chia thành 2 đội, phụ trách 2 địa bàn trọng điểm nguy cơ lây nhiễm cao nhất của huyện, trong đó có thị trấn Thạnh An.
"Thành phố có chủ trương, nhà trường phổ biến là tôi đăng ký làm tình nguyện ngay và sau đó được sắp xếp đi các địa bàn luôn. Hầu hết các tình nguyện viên khác cũng vậy.
Ban đầu có đôi chút khó khăn về việc ăn ở, phân công sắp xếp công việc, phân bố địa bàn, tuy nhiên địa phương hỗ trợ nhiệt tình, mọi người cũng ý thức cao nên nhanh chóng đâu vào đấy hết", anh Diệu cho biết.
Thạnh An có dân số hơn 12 nghìn người, đội của anh Diệu được yêu cầu phải lấy và test hơn 5000 mẫu gộp trong 3 ngày, chu trình được lặp lại 3 lần. Số lượng nhân sự ít trong khi khối lượng công việc rất nhiều nên mọi người trong nhóm đều phải hoạt động hết công suất.
Khoảng 5h sáng là mọi người đã phải dậy chuẩn bị đồ đạc mang theo như vật tư y tế, trang thiết bị di chuyển đến địa điểm lấy mẫu test. Ở những ấp xa mọi người có thể phải di chuyển bằng phà.
Quá trình test gồm một người dùng tăm bông lấy mẫu dịch hầu của người dân cho vào ống nghiệm. Một người sẽ nhỏ dung dịch trong ống nghiệm lên khay thử. Một người theo dõi kết quả và thống kê, báo cáo.
Các công tác sắp xếp người dân, phát số thứ tự và giữ khoảng cách được lực lượng địa phương đảm nhận. Khu vực lấy mẫu được phun khử khuẩn liên tục sau mỗi lượt lấy mẫu để đảm bảo không có khả năng lây nhiễm chéo.
Tình nguyện viên Nguyễn Thị Kim Hân là sinh viên năm thứ 6 ngành Y đa khoa chia sẻ: "Ở đây chúng em phải qua đò, qua sông để đến điểm lấy mẫu, phải ôm theo vật tư y tế nên rất khó khăn. Nhất là những ngày này trời rất oi bức, trùm mình trong bộ đồ bảo hộ rất khó chịu nhưng ai nấy đều động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Dù biết bản thân luôn đối mặt nguy cơ lây nhiễm nhưng bọn em tự tin vào kiến thức cũng như trang bị. Những khi có mẫu test dương tính thì em lại lo lắng nhiều hơn cho người dân trong khu vực.
Những lúc đó ai nấy đều áp lực, đều động viên nhau xét nghiệm, lấy mẫu nhanh hơn để sớm khoanh vùng, sớm đưa những người có nguy cơ ra khỏi cộng đồng vì nếu chậm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Quá trình tham gia chống dịch cũng cho chúng em nhiều thứ, trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức, em rất tự hào vì mình đã góp một phần nhỏ vào công cuộc chống dịch của cả nước".
Chỉ cần đẩy lùi được dịch bệnh, mọi người được an toàn là thù lao cao nhất
Võ Nhất Lâm quê ở Sóc Trăng là sinh viên năm thứ 5 ngành Y đa khoa. Là người có thân hình bé nhỏ nhất trong đoàn tình nguyện nhưng Lâm lại được đánh giá là người tích cực nhất.
Sau một ngày lấy mẫu, Lâm cởi bộ đồ bảo hộ, cởi găng tay để lộ ra quần áo đã ướt sũng mồ hôi. Đôi tay bịt găng cao su cả này cũng trở nên trắng bệch, nhăn nheo như bị ngâm nước.
Trên khuôn mặt chàng sinh viên, dấu vết vành khẩu trang ghì sâu, in hằn thành những đường đỏ ửng. Dây đeo khẩu trang cọ sát lâu ngày đã gây nên một vệt bầm đỏ kéo dài từ tai này qua tai kia, vòng qua phía sau đầu.
Lâm nói rằng em và mọi người đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch vì mục tiêu chung, vì mọi người, không ai nghĩ đến việc mình sẽ nhận lại được điều gì cả.
"Chỉ cần dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, mọi người trong đó có người thân, bạn bè, thầy cô và bản thân chúng em được sống an toàn là thù lao lớn nhất rồi", Lâm nói.
Ông Nguyễn Văn Trinh (62 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh An) cho biết ông đã hoàn thành 3 đợt lấy mẫu xét nghiệm. Những hôm đi lấy mẫu, trời nóng bức khiến ông khó chịu, dù vậy các tình nguyện viên còn phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ ngột ngạt nhưng ai cũng nhiệt tình, ân cần.
"Người dân chúng tôi biết ơn đội ngũ y bác sĩ và các tình nguyện viên lắm. Nóng bức, ngột ngạt nhưng không ai cáu gắt, ai cũng nhiệt tình. Chúng tôi rất biết ơn và cảm phục", ông Trinh nói.
Trong những ngày nhóm tình nguyện viên thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn, Thị đoàn thị trấn Thạnh An là đơn vị phụ trách hỗ trợ hậu cần, bố trí chỗ ăn ở cho tình nguyện viên cũng như hỗ trợ nhiều khâu trong quá trình lấy mẫu.
"Các tình nguyện viên đều rất hòa đồng, nhiệt tình và hết mình. Mọi người đều rất vất vả để giúp đỡ địa phương sàng lọc những ca nghi nhiễm, địa phương rất biết ơn.
Hy vọng tất cả mọi người nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định phòng chống dịch để bảo vệ an toàn cho bản thân, để dịch sớm bị đẩy lùi và để bớt đi phần nào cực nhọc của đội ngũ y tế nơi tuyến đầu chống dịch", chị Trần Thị Tuyết Trinh - Bí thư Thị đoàn thị trấn Thạnh An chia sẻ.