Chấm “mở” để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
(Dân trí) - Trả lời báo chí tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT 2016, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, bộ đã tập huấn, chuẩn bị rất kỹ lực lượng giáo viên chấm thi trong năm nay nên việc chấm thi nói chung, chấm câu hỏi mở nói riêng sẽ thuận lợi, đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Thông tin về công tác chấm thi năm nay, đặc biệt với các đề có câu hỏi mở, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, mỗi năm, hướng ra đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh càng rõ. Một trong những cách thức để đánh giá năng lực học sinh là đưa câu hỏi vận dụng không yêu cầu phải nhớ sự kiện, câu hỏi yêu cầu học sinh phải có sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học, dùng cả kỹ năng thậm chí cả tâm tư tình cảm của mình để trả lời.
Ông Trinh khẳng định: Đề mở chắc chắn đáp án sẽ phải mở. Điều này không phải mới. Khi xây dựng đáp án mở, không phải đếm ý cho điểm mà hướng dẫn chấm, đáp án gợi ý những nội dung mang tính chất chìa khóa, đáp ứng mục tiêu câu hỏi. Bộ đã có tập huấn, chuẩn bị rất kỹ lực lượng giáo viên chấm thi trong năm vừa rồi. Tôi tin rằng, việc chấm thi nói chung, chấm câu hỏi mở nói riêng sẽ thuận lợi, đảm bảo quyền lợi thí sinh.
Tại buổi họp báo, thứ trưởng Ga cho hay, bộ đã chỉ đạo các Hội đồng thi tổ chức chấm thi đúng quy chế, đảm bảo thời gian quy định, đảm bảo sự chính xác và công bằng giữa các Hội đồng thi.
Một điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thay đổi quy định điểm các môn thi: được chấm theo thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân; không quy tròn điểm đến 0,25 (năm 2015, quy định điểm bài thi chấm theo thang điểm 10, lấy lẻ đến 0,25).
Trước khi công bố kết quả thi, các Hội đồng thi công bố kết quả sau khi đã hoàn tất công tác chấm thi và đối sánh giữa kết quả thi lưu tại Hội đồng với kết quả thi được cập nhật vào Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia.
Hồng Hạnh