Cha mẹ nên dừng ngay việc so sánh “con nhà người ta”

Theo thống kê gần đây của Viện Sức Khỏe Tâm Thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 ca tự sát vì trầm cảm, đáng lo ngại hơn là căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa.

Phần nhiều các ca tự tử nằm trong độ tuổi học sinh, sinh viên và nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực học đường – áp lực từ phía nhà trường khi mải mê chạy theo thành tích chung, áp lực điểm số, áp lực từ phía phụ huynh khi so sánh con em mình với các bạn đồng trang lứa, đặt kỳ vọng quá cao lên các em...

Tại thời điểm hiện tại, thông tin về các vụ tự tử hoặc những trường hợp rối loạn tâm thần ở lứa tuổi học sinh, sinh viên xuất hiện tràn lan trên các trang báo giấy hay các kênh mạng xã hội được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này lại đến từ chính những áp lực vô hình do nhà trường và gia đình, tại sao lại như vậy?

Cha mẹ nên dừng ngay việc so sánh “con nhà người ta” - 1

Lấy một ví dụ đơn giản, trong các buổi họp phụ huynh định kỳ ở trường câu hỏi giáo viên thường hay gặp phải nhất là “kết quả của cháu so với các bạn trong lớp như thế nào? đứng thứ mấy trong lớp? bạn nào đứng nhất, nhì, ba trong lớp?”. Các bậc phụ huynh không thể lường trước được rằng những câu hỏi mang tính so sánh như vậy vô tình đã tạo nên một áp lực vô cùng lớn cho chính con em của mình. Sau các buổi họp, hầu hết các bậc cha mẹ bắt đầu yêu cầu con mình phải cố gắng và chịu khó nhiều hơn nữa để bằng được bạn A, bạn B trong lớp, phải đứng thứ nhất hoặc ít nhất là trong top 3-5 của lớp. Bản thân các em học sinh sau khi bị so sánh cũng bắt đầu phát sinh lòng đố kỵ so với bạn bè, giữa các em sẽ có nảy sinh mâu thuẫn làm cho mối quan hệ ở trường trở nên không tốt, nếu không khéo léo xử lý các em sẽ bị cô lập cộng thêm việc phải chịu áp lực học tập nói trên và đó chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm, bạo lực học đường.

Cô Rebecca Carrol - Hiệu phó khối Tiểu học Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội chia sẻ: “Các bậc phụ huynh cần nhận thức về tầm quan trọng của việc nên so sánh quá trình học và những tiến bộ của con cái theo từng giai đoạn thay vì so sánh với các bạn đồng trang lứa khác. Điều này sẽ giúp loại bỏ những áp lực vô hình lên các em trong quá trình học ở thời điểm hiện tại cũng như cách suy nghĩ của các em về bản thân trong tương lai. Vì vậy thay vì đưa ra những điểm số khô cứng đối với các bộ môn nhất định như cách truyền thống, tại trường BIS Hà Nội chúng tôi tiến hành đánh giá năng lực học của các con dựa trên hai tiêu chí bao gồm mức độ độc lập trong việc tiếp nhận kiến thức từ thầy cô và nỗ lực cá nhân xuyên suốt theo học kì xem bản thân các em đã đạt được tiến bộ so với chính mình hay chưa.”


Học sinh Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội.

Học sinh Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội.

Việc nhà trường tổ chức họp phụ huynh tập trung để thông báo kết quả học tập, cũng như cách đánh giá kết quả học tập của học sinh theo thang điểm số cũng là một điểm cần phải cân nhắc để thay đổi. Bởi vì khi giáo viên đưa ra nhận xét về một học sinh cụ thể đồng nghĩa với việc các phụ huynh khác cũng sẽ được nghe những thông tin này. Nếu kết quả học tập của một bạn rất tốt, phụ huynh của bạn đó hẳn sẽ rất tự hào nhưng điều này cũng ẩn chứa mối nguy hại cho chính bản thân các em học sinh khi luôn có áp lực phải duy trì kết quả đó. Nếu kết quả của bạn nào không tốt, phải nhận những nhận xét, đánh giá tiêu cực từ giáo viên, phụ huynh sẽ cảm thấy xấu hổ, mất mặt với các phụ huynh khá và dễ có xu hướng nặng lời với con em mình khi về nhà do đó gây lên một áp lực rất lớn cho các em. Vì vậy vấn đề tôn trọng tính riêng tư về khả năng học tập của mỗi học sinh phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Thầy Tim Webb - Hiệu phó khối Trung học Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội cho biết: “Tại BIS Hà Nội thông thường đối với mỗi kì học, báo cáo kết quả học tập sẽ được gửi về riêng biệt cho từng gia đình. Theo sát sau đó, những phiên thảo luận giữa phụ huynh và giáo viên phụ trách sẽ được sắp xếp để gia đình và nhà Trường có thể trao đổi kĩ hơn về những tiến bộ hay vấn đề trong quá trình học mà các em học sinh cần tập trung nhiều hơn để cải thiện.”

Cũng theo chia sẻ của thầy Tim Webb, tại nơi thầy đang làm việc, khi phương thức học nhiều bộ môn khác nhau theo tín chỉ và điểm số đóng vai trò quan trọng trong quá trình ứng tuyển tới các Trường đại học của các em học sinh, các giáo viên bộ môn sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để nắm được năng lực học tập của từng em trong kì học gần nhất, sau đó đưa ra hỗ trợ và kì vọng nhất định đối với mỗi cá nhân học sinh và thang điểm được đánh giá được tính theo hệ số A, B, C… Việc đánh giá tiến bộ và năng lực của học sinh theo hướng đi này sẽ giúp giáo viên đánh giá cụ thể được điểm mạnh điểm yếu và đưa ra phương pháp tiếp cận và lượng kiến thức yêu cầu phù hợp cho từng cá nhân học sinh, giúp các em tiến bộ trong suốt quá trình học thay vì đặt ra một mục tiêu chung cho cả tập thể lớp ngay từ đầu và yêu cầu toàn bộ các em học sinh phải cùng đạt được mục tiêu này.

Cha mẹ nên dừng ngay việc so sánh “con nhà người ta” - 3

Như vậy, lời khuyên cho các bậc phụ huynh là nên dừng lại việc so sánh kết quả học tập, đừng quá chú trọng vào điểm số mà nên chú trọng nhiều hơn tới việc phát triển kĩ năng làm việc hiệu quả và khả năng tư duy sáng tạo của con em mình. Đối với hệ thống trường học, song song với chương trình học mang tính thực tế cao, việc đánh giá kết quả học tập theo phương thức tiến bộ cũng là một điểm sáng cần phải áp dụng để hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy của giáo viên tại Trường nhưng trên hết là khuyến khích lòng hiếu học và xây dựng sự tự tin của học sinh từ đó giúp các em có được định hướng rõ ràng hơn cho tương lai các em.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm