Cha mẹ lo lắng, sát cánh giúp trẻ lớp 1 tập viết online

Hoài Linh

(Dân trí) - Để học sinh lớp 1 có thể học viết trực tuyến, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh cũng phải rất nỗ lực thích nghi hoàn cảnh mới.

Nỗi lo học viết online

Không được tiếp cận với chương trình tiền tiểu học ở trường mầm non, do phải nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch Covid-19, nên ngay từ những ngày đầu tiên vào lớp 1, nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc thích ứng với việc học online.

Chị Phạm Ngọc (quận Đống Đa, Hà Nội) phụ huynh có con đang học lớp 1 chia sẻ: "Rất khó để con thích nghi ngay lập tức, phải mất hơn một tháng sau khi vào lớp 1, con mới bắt nhịp được với sự thay đổi khi chuyển sang cấp học mới.

Thời gian đầu, do chưa quen với việc phải ngồi học chỉn chu, nghiêm túc trong một khoảng thời gian dài nên con rất hay chán nản, mất tập trung; nhiều lúc không thích học, con mè nheo, giận dỗi, hết đòi đồ chơi, lại đòi xem Youtube thay vì nghe cô giáo giảng bài".

Tuy nhiên, điều khiến chị Ngọc trăn trở và lo lắng nhất là không có sự hướng dẫn, dìu dắt trực tiếp từ thầy cô giáo con sẽ học tập viết như thế nào. "Việc học trực tuyến có thể không đảm bảo được yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ năng viết chữ, rất dễ gây ra tình trạng con viết không chuẩn", Chị Ngọc lo ngại.

Cùng chung nỗi niềm, chị Lê Thị Ngọc Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh có con đang học lớp 1A2 tại trường Tiểu học Định Công, tâm sự: "Với nhiều phụ huynh, chỉ riêng việc truyền đạt, hướng dẫn cho con hiểu, ghi nhớ và biết viết thôi đã là một thách thức rất lớn rồi, chứ chưa nói đến việc hướng dẫn làm sao cho con viết đúng, viết chuẩn hay viết đẹp".

Hiểu được những băn khoăn, trăn trở của các bậc phụ huynh, cô Vũ Diệu Thu, giáo viên trường tiểu học Kỳ Bá (TP Thái Bình), chia sẻ: "Khi tổ chức lớp học online, đặc biệt là với tiết tập viết, các em rất khó quan sát khi cô viết mẫu.

Hơn nữa, lớp học có số lượng học sinh rất đông và còn có những em học yếu, thành ra tốc độ viết không đồng đều. Thế nhưng, thầy cô lại không thể đi từng bàn để quan sát, hỗ trợ và hướng dẫn từng học sinh như khi học trực tiếp.

Trong khi đó đối với khối lớp 1, sự uốn nắn, sát sao của giáo viên là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với những kỹ năng trong phân môn tập viết. Vậy nên, những điều mà cha mẹ lo lắng là hoàn toàn dễ hiểu".

Cha mẹ lo lắng, sát cánh giúp trẻ lớp 1 tập viết online  - 1

Làm thế nào để con viết đúng ly, đúng cỡ chữ là vấn đề nan giải đối với chị Lan (Ảnh: Hoài Linh).

Ở độ tuổi này, các bé khó có thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc, do kỹ năng phối hợp giữa các giác quan và vận động vẫn đang trong quá trình hoàn thiện: "Lúc nghe cô hướng dẫn và xem cô thao tác thì gật gù hiểu bài, nhưng đến lúc thực hành thì con lại không nhớ cô dạy thế nào. Viết thì nét xiêu nét vẹo lung tung hết cả", chị Lan chia sẻ.

Trao đổi với PV về vấn đề này, cô Thu cho biết: "Ngay cả các thầy cô cũng rất trăn trở khi học sinh chưa có kĩ năng kép nghe giảng - ghi bài. Giáo viên khi dạy trên lớp sẽ có những lúc giảng chậm hơn, nhấn nhá ngữ điệu, để "báo hiệu" phần nội dung quan trọng cần ghi chép. Nhưng học trực tuyến thì giáo viên vừa giảng vừa trình chiếu slide, thành ra học sinh cắm cúi ghi bài thì không nghe cô giảng và ngược lại, chăm chú nghe giảng lại không ghi được bài".

Bản thân trẻ còn quá nhỏ nên thường khó có được tinh thần tự kỷ luật trong môi trường online dẫn đến việc không chú tâm nghe giảng, không nắm được bài: "Lúc đầu hầu hết các bé rất hào hứng, nhưng chỉ khoảng 20 phút sau thì con đã thấy chán và uể oải, hay lấy lí do đi uống nước, đi vệ sinh. Do đó, chất lượng giờ học không cao", cô Thu chia sẻ thêm.

Theo quan điểm của một số phụ huynh, về cơ bản, việc dạy con biết đọc, biết viết hoàn toàn nằm trong khả năng của cha mẹ. Tuy nhiên, dạy con bài bản, đúng kỹ thuật chuyên môn mới là điều khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.

Về vấn đề này, cô Thu mong phụ huynh không nên quá lo lắng, hãy hỗ trợ và làm theo hướng dẫn của thầy cô giáo: "Giáo viên sẽ cố gắng học hỏi kiến thức, làm chủ công nghệ để tương tác và trả lời học sinh, cùng học sinh giải quyết các tình huống, phát sinh trong quá trình học tập, cũng như cố gắng khắc phục được những hạn chế còn tồn tại.

Còn về phía học sinh, cha mẹ cố gắng giúp con chủ động nghiên cứu kiến thức một cách tích cực, không chỉ dựa vào việc dạy của giáo viên mà từ nhiều nguồn thông tin, ngữ liệu khác nhau, tương tác với giáo viên, học sinh,… từ đó giúp con nắm chắc kiến thức hơn, tự tin, mạnh dạn hơn và làm chủ công nghệ, bản thân".

Cha mẹ linh hoạt để con thích ứng

Đối với học sinh lớp 1 sự chú ý có chủ định còn rất hạn chế, thiếu tính bền vững, dễ bị xao nhãng bởi âm thanh hay sự việc xung quanh. Các em chỉ có thể chú ý tối đa 25 phút khi học trực tiếp. Trong dạy học trực tuyến, sự chú ý này cũng chỉ kéo dài từ 10 tới 15 phút là tối đa. Do đó, rèn các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết, làm tính,... rất ít hiệu quả, đặc biệt là môn Tập viết.

Vậy nên, để cải thiện kỹ năng viết chữ của con, mỗi ngày, ngoại trừ những lúc học trực tuyến, việc phụ huynh dành thêm thời gian uốn nắn và tạo cho con sự hứng thú với ngôn ngữ, chữ viết là điều vô cùng cần thiết.

"Thời gian đầu, chữ con xấu vô cùng, nguệch ngoạc, rất khó nhìn. Để giúp con tiến bộ hơn, mỗi ngày tôi cố gắng dành 1-2 tiếng để hướng dẫn, trực tiếp cầm tay con viết. Sau 2 tháng luyện tập, tuy vẫn còn lỗi sai nhưng chữ viết của con đã thay đổi rất nhiều, khắc phục được hầu hết những nhược điểm trước đó", chị Lan bày tỏ.

Cha mẹ lo lắng, sát cánh giúp trẻ lớp 1 tập viết online  - 2

Trong những ngày đầu, chị Lan thường xuyên phải cầm tay nắn từng nét chữ cho con (Ảnh: Hoài Linh).

Chia sẻ thêm về phương pháp cho con tập viết của mình, chị Lan cho biết khi con đã viết tốt và ổn định hơn, hãy để con viết độc lập. Lúc này, cha mẹ có thể dùng lời nói, con viết đến đâu miêu tả cách viết đến đó. Cách này sẽ giúp con điều chỉnh kịp thời để nét chữ căn bản đạt được yêu cầu của thầy cô giáo, đồng thời sẽ thúc đẩy quá trình phát triển kỹ năng kép phối hợp giữa các giác quan và vận động của con.

Tuy nhiên, để con viết đúng - chuẩn - đẹp cần rất nhiều thời gian trau dồi và luyện tập. Do đó, không nên mất kiên nhẫn nếu con làm chưa tốt. Cha mẹ nên cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát hành động khi hướng dẫn con, việc nóng giận, mắng mỏ hay thậm chí đánh con, khiến con càng sợ viết và vô tình khiến cho việc dạy con trở nên khó khăn hơn.

Có cùng quan điểm về vấn đề này, cô Thu dành lời khuyên, không chỉ đối với trẻ học lớp 1 mà với các lớp lớn hơn cũng vậy, sự bao dung và chấp nhận luôn là điều mà giáo viên và cha mẹ nên giữ khi dạy các con học trực tuyến. "Bao dung cho các con khi các con chưa thực hiện theo ý mình. Chấp nhận rằng con nít thường hay quên, cần được nhắc đi nhắc lại thường xuyên. Đừng quá hà khắc, khiến các con sợ sệt và không muốn học. Điều mà cả giáo viên và cha mẹ cần làm là gây chú ý với các con, sau đó nói một cách nhẹ nhàng và nhỏ nhất có thể."

Cha mẹ lo lắng, sát cánh giúp trẻ lớp 1 tập viết online  - 3

Trực tiếp tham gia viết cùng con cũng là cách để tạo hứng thú, giúp con tiến bộ nhanh hơn (Ảnh: Hoài Linh).

Khi được hỏi về vai trò của phụ huynh trong việc hợp tác, hỗ trợ giáo viên hướng dẫn con học online tại nhà thời gian qua, cô Thu khẳng định, thừa nhận, sự nỗ lực, hỗ trợ của cha mẹ là rất lớn. Hơn nữa, các bậc phụ huynh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt quá trình dạy và học trực tuyến, đặc biệt là đối với khối lớp 1.

"Nếu khi học sinh học trực tiếp ở trường, giáo viên đóng vai trò 70% và phụ huynh là 30% về việc theo sát các con trong học tập, thì với online giáo viên và phụ huynh có vai trò gần như ngang bằng. Nếu không có sự hỗ trợ và hợp tác của cha mẹ, các thầy cô giáo rất khó có thể nắm bắt tình hình của học sinh đồng thời rất khó nâng cao chất lượng giờ học cũng như không thể đảm bảo được kết quả về kiến thức của các con", cô Thu cho biết.

Tuy chất lượng và hiệu quả khó có thể so sánh được với các thầy cô giáo có chuyên môn, song không thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực để kỹ năng viết chữ của con được hoàn thiện trọn vẹn trước khi kết thúc năm học cũng như vai trò của cha mẹ trong việc hỗ trợ giáo viên giảng dạy thời gian vừa qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm