Phụ huynh trầm cảm khi dạy con học lớp 1
(Dân trí) - Ai có con đang học lớp 1 trực tuyến mới thấy hết sự gian nan, vất vả chứ không hề đơn giản như những học trò lớp lớn.
Năm nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nên buộc các con phải học tập trực tuyến. Thời điểm này, tất cả các con đã bắt đầu quen với nhịp học. Hầu hết các con đã biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, ai có con đang học lớp 1 trực tuyến mới thấy hết sự gian nan, vất vả chứ không hề đơn giản như những học trò lớp lớn.
Bị tress vì không dạy được con
Chị Quỳnh Phương nhà ở Phường 2 (Tp Tây Ninh) chia sẻ, năm nay, cô con gái út của chị bước vào lớp 1 ở một trường điểm thành phố. Hàng này, con sẽ học online khoảng 2 tiếng cùng cô giáo. Cô giáo của con chủ yếu dạy môn tiếng Việt và môn toán. Còn lại tất cả nội dung cô đều kêu phụ huynh hướng dẫn các con làm.
Những ngày đầu chị cảm thấy ổn vì nội dung học của con tương đối dễ. Mọi chuyện chỉ rắc rối trong thời gian gần đây. Các bài tập của con gái bắt đầu nhiều và khó dần. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng mình lại lúng túng trước một bài toán lớp 1 của con. Nhiều bài chị phải đọc đi, đọc lại mới hiểu nội dung. Chưa kể, không có kĩ năng sư phạm nên khi dạy chị thường quát tháo con om xòm.
Có hôm không kiềm chế được cảm xúc, chị đã đánh mắng con vì tức tối. Rồi cuối cùng là hai mẹ con lại ôm nhau cùng khóc. Chị bảo rằng chỉ dạy con học lớp 1 thôi mà chị bị trầm cảm vì mệt mỏi.
Anh Bảo Nam là nhân viên ngân hàng, nhà ở huyện Châu Thành (Tây Ninh) trải lòng, con trai thứ 2 của anh năm nay vào lớp 1. Anh không nghĩ rằng con mình phải học online lâu như vậy. Hai vợ chồng anh là công chức nên ban ngày anh phải gởi con cho bà ngoại trông giúp. Khi con học thì bà sẽ ngồi bên canh chừng.
Thông thường buổi tối, anh sẽ tranh thủ để kèm cặp thêm cho con. Khổ nỗi, anh nói ngọng nên dạy con phát âm toàn sai. Anh cứ lẫn lộn giữa l/n rồi x/s…Dạo gần đây thằng bé không chịu hợp tác với anh nữa. Nó bảo bố dạy toàn sai thôi. Con không muốn bố dạy nữa đâu.
Ôi trời, chỉ là chuyện con học lớp 1 mà nhà anh cứ náo loạn cả lên. Kiểu này, hai vợ chồng anh rồi đến tress mất.
Mệt mỏi vô cùng khi dạy con học lớp 1
Cô em họ nhà sát vách nhà tôi bữa qua gọi điện nhờ tôi tìm giúp một cô giáo dạy cấp 1 để kèm cặp riêng cho cô con gái rượu. Em bảo rằng em đổ bệnh mấy bữa nay vì phải dạy con học lớp 1. Chưa bao giờ em nghĩ dạy con học lớp 1 lại vất vả như thế. Hàng ngày em ngồi bên canh chừng con học khoảng hơn tiếng. Sau đó là dạy con làm toán và viết bài.
Con bé nhà em lanh lợi nhưng không chịu tập trung học. Chữ viết của con bé thì xấu kinh khủng. Vừa dạy con, em vừa hò hét đến khản cổ. Ông xã thì cứ mắng em thiếu tính kiên nhẫn với con. Cuối cùng là hai vợ chồng em cãi nhau cũng vì chuyện dạy dỗ con bé lớp 1 học bài.
Có thể nói con học lớp 1 online thì phụ huynh mệt mỏi vô cùng. Việc dạy dỗ con học phần lớn là do phụ huynh đảm nhiệm. Hàng ngày ngoài việc cắt cử người trông chừng khi con học online đến chuyện kèm con viết, hướng dẫn con học là cả một vấn đề không đơn giản chút nào.
Bản thân tôi năm nay cũng có con gái út học lớp 1 nên tôi hiểu nỗi khổ này. Chính tôi đang thật sự đuối và mệt vì việc học của con. Lúc đầu tôi cứ nghĩ, con học lớp 1 thôi mà. Hàng ngày mình chỉ cần bỏ ra ít phút kèm cặp là con học sẽ ổn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, tôi nhận thấy con học lớp 1 online thì cha mẹ vất vả và mệt mỏi vô cùng.
Hàng ngày, tôi gọi con dậy sớm vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng để học online cùng cô giáo. Nhiều hôm con vừa học vừa buồn ngủ. Có hôm còn dở chứng không chịu học bài. Tôi vừa phải hù dọa, vừa dỗ dành ngọt ngào mãi mới xong.
Mỗi ngày cô giáo chủ nhiệm nhờ phụ huynh kèm con đọc, viết rồi làm các bài tập toán và tiếng Việt. Chỉ chừng đó việc thôi mà tôi cảm thấy đuối và mệt mỏi vô cùng. Bản thân tôi nhận thấy nếu tình hình học trực tuyến kéo dài mãi thì chúng tôi- những bậc làm cha làm mẹ của con bị đuối trước tiên vì mệt mỏi.
Ôi, chỉ là chuyện con học lớp 1 thôi mà nhiều phụ huynh lao đao, vất vả. Nhiều người còn bị trầm cảm vì phải dạy con học. Giờ chỉ mong sao dịch qua mau để các con sớm được đến trường. Thương lắm.
Loát Trần (Tây Ninh)
Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Bài viết phù hợp Báo Dân trí sẽ lựa chọn đăng tải. Xin trân trọng cám ơn!