Quảng Ngãi

Cậu học trò ngoan 6 năm đến trường trên lưng cha

(Dân trí) - “Còn hơi thở và sức lực ngày nào, tôi quyết cõng con đến trường nuôi chữ và nuôi ước mơ như bao trẻ em cùng lứa với con mỗi ngày”, người cha Lương Bá Huynh (48 tuổi, ngụ thôn La Hà 1, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) chia sẻ khi nghĩ về tương lai con.

Trong gia đình thuần nông nơi miền quê nghèo, hai vợ chồng ông Lương Bá Huynh hạ sinh hai cô con gái và con trai út là cháu Lương Bá Hiệp (hiện học lớp 6D Trường THCS Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa). Gia đình dồn hết tình yêu thương, chăm sóc đến Hiệp từ lúc chào đời.

Niềm vui dần xua tan bằng nước mắt, khi cháu Hiệp được 11 tháng tuổi, gia đình phát hiện cháu phát triển không bình thường ở tứ chi. Kể từ đó, ông Huynh đưa con đi khám khắp nơi ở bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, rồi vào TPHCM và ngược ra Đà Nẵng và Huế.

“Nhiều lượt đưa con đi khám, các kết quả đều khẳng định con tôi bị liệt tứ chi và vô phương cứu chữa”, đôi mắt ông Huynh dần ứa lệ trên đôi gò má rám nắng. Ông nói tiếp: “Còn hơi thở và sức lực ngày nào, tôi quyết cõng con đến trường nuôi chữ và nuôi ước mơ như bao trẻ em cùng lứa với con mỗi ngày”.

Ông Huynh cõng Hiệp đến trường đều đặn mỗi ngày.
Ông Huynh cõng Hiệp đến trường đều đặn mỗi ngày.

Ngược dòng thời gian trước lúc Hiệp chào đời, ông Huynh chưa tham gia kháng chiến, do đó ông không bị nhiễm chất độc da cam. Còn trong lúc vợ ông mang thai đều không có gì bất thường xảy ra. Và ông tiếp tục nuôi hi vọng, vào năm 2009, ông Huynh đưa cháu Hiệp đến “gõ cửa” Trung tâm Chính hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng để giải phẫu, cầu mong phép nhiệm mầu giúp Hiệp trở lại như những đứa trẻ bình thường.

“Khi nghe bác sĩ nói dù có giải phẫu cũng không tốt hơn, lúc đó tay chân và tâm trí tôi tê cứng, chỉ biết khóc thầm trong lòng và thương con quá”, ông Huynh tâm sự.

Không khuất phục số phận, khi vừa lên 7 tuổi, cháu Hiệp mong muốn được đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Suốt 6 năm qua, Hiệp đều đặn đến trường trên lưng cha, dù ngày nắng hay trời đổ mưa với quãng đường gần 3km.

Đến trường với đôi chân và tay không lành lặn, Hiệp quyết tâm vượt lên số phận. Trên đôi tay bại liệt, Hiệp đã viết và vẽ không thua gì bạn bè cùng lớp. Sự quyết tâm đó làm gia đình ông Huynh dần vui trở lại.

Vừa đưa con đến trường nuôi chữ, ông Huynh vừa chăm lo 4 sào ruộng bấp bênh và làm phụ hồ nuôi con ăn học. Từ ngày cõng cháu Hiệp đi học, ông Huynh bỏ công việc phụ hồ để dành thời gian chăm sóc cho Hiệp. Cái nghèo khó mãi đeo bám, nghĩ đến con, ông Huynh lại càng có thêm động lực vượt qua khó khăn.

Từ sự nhọc nhằn của cha, Hiệp luôn phấn đấu đạt học sinh khá, giỏi. Ngoài khả năng viết chữ, Hiệp còn vẽ ước mơ trên trang giấy trắng. “Nhiều lúc cháu vẽ mà quên cả ăn và ngủ. Hầu hết môn vẽ của cháu đề đạt điểm trên trung bình”, ông Huynh cho biết.

Đôi tay Hiệp không còn lành lặn nhưng em vẫn viết chữ và vẽ bình thường.
Đôi tay Hiệp không còn lành lặn nhưng em vẫn viết chữ và vẽ bình thường.

Cô Lê Thị Sang - giáo viên chủ nhiệm lớp 6D Trường THCS Nghĩa Thương, nhận xét về Hiệp, cô nói: “Hiệp là một học sinh gương mẫu, ngoan hiền, chịu khó học tập, luôn đạt thành tích xuất sắc. Cả lớp và thầy cô trong nhà trường đều khâm phục sự nỗ lực của em Hiệp. Mỗi lần lên lớp, thấy Hiệp cần mẫn viết và vẻ, tôi thấy thương em quá”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thiết Trình - Trưởng thôn La Hà 1 cho biết: “Sau khi cháu Hiệp ra đời chưa lâu thì gia đình phát hiện bị bại liệt bẩm sinh, đắng lòng hơn khi gia đình cháu Hiệp thuộc gia đình nghèo, đời sống rất khó khăn, đặc biệt kể từ lúc ông Huynh cõng cháu đến trường. Chính vì đó, địa phương đề nghị nhà trường miễn giảm toàn bộ học phí, giúp cháu Hiệp được đến trường nuôi ước mơ”.

Chia sẻ về ước mơ, Hiệp bày tỏ: “Giờ này thì em ước thích làm công an, vì làm công an không mất tiền cha mẹ. Em cũng thích vẽ nữa và mong muốn trở thành họa sĩ”.

Hồng Long - Nguyễn Trang
 

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm