Gia Lai

Cậu học trò nghèo khuyết tật sáng chế máy phơi đồ tự động

(Dân trí) - Dù mất đi bàn tay phải, tập viết bằng bàn tay trái nhưng cậu học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương (lớp 11A1, THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang, Gia Lai) vẫn đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Không những thế, Vương còn đam mê nghiên cứu, sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ cho gia đình.

Chúng tôi vừa về huyện nghèo Kbang (tỉnh Gia Lai) giữa lúc trường THPT Lương Thế Vinh đang tổ chức cuộc thi Sáng tạo kĩ thuật. Hàng chục mô hình sản phẩm được trưng bày để các giáo viên đánh giá và học sinh trong toàn trường cùng học hỏi. Trong đó, chúng tôi rất ấn tượng với chiếc máy phơi đồ tự động - sản phẩm của em Trần Kế Tuấn Vương (học sinh lớp 11A1).

Cậu học trò nghèo khuyết tật sáng chế máy phơi đồ tự động - 1
Cậu học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương và niềm đam mê với sáng tạo kỹ thuật

Trò chuyện với chúng tôi, em Vương chia sẻ: “Từ xưa, em đã thích các môn Vật lý và các môn về khoa học kĩ thuật. Cũng từ đam mê này nên em muốn áp dụng những kiến thức đã học về làm các sản phẩm phục vụ cho chính gia đình mình”.

“Trong số sản phẩm đó thì em đầu tư nhiều nhất vào máy phơi đồ tự động. Em bắt đầu nghiên cứu từ năm 2018. Lúc đầu, em lên các mạng xã hội để học hỏi những sản phẩm tương tự. Bên cạnh đó, áp dụng những kiến thức trong môn Vật lý để thực hiện bảng mạch, đấu nối dòng điện. Em cũng tìm linh kiện về cảm ứng thời tiết trên mạng để chiếc máy có thể thực hiện tự động thu đồi vào”, em Vương chia sẻ thêm.

Cậu học trò nghèo khuyết tật sáng chế máy phơi đồ tự động - 2
Chiếc máy phơi đồ tự động của cậu học trò khuyết tật trên miền quê nghèo

Theo đó, sản phẩm máy phơi đồ của học trò nghèo Trần Kế Tuấn Vương thực hiện một cách tự động. Cụ thể, chiếc máy có một giá phơi quần áo, mái che và một hệ thống cảm ứng thời tết. Khi trời nắng thì máy sẽ tự động đưa đồ ra phơi và trời mưa thì hệ thống cảm ứng tự động báo khiến giá kéo tự thu đồ vào cho gia đình.

“Do em bị mất một bàn tay nên những công việc từ hàn khung đến vác nặng được một bạn trong lớp đến giúp. Sau khi lên ý tưởng và hình thành bảng mạch hoạt động thì em có nhờ các cô giáo bộ môn đánh giá và hướng dẫn những sai sót để hoàn chỉnh mô hình sản phẩm”, Vương bộc bạch.

Cậu học trò nghèo khuyết tật sáng chế máy phơi đồ tự động - 3
Trong chiếc máy phơi đồ có hệ thống cảm biến thời tiết để tự động đưa đồ ra và thu đồ vào

Cô Tạ Thị Hạnh - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Lương Thế Vinh cho sẻ: “Trong lớp, Vương luôn là một học sinh nổi trội về môn Vật lý. Đặc biệt, em luôn có say mê sáng tạo các sản phẩm kĩ thuật. Tuy thiếu một bàn tay nhưng em Vương vẫn quyết tâm làm nhiều mô hình phục vụ cho bản thân và gia đình. Chính vì vậy, tôi rất nhiệt tình ủng hộ, khuyến khích em để nâng cao, hoàn thiện các sản phẩm”.

Mẹ Vương - chị Phạm Thị Duyến (SN 1966, tổ 2, thị trấn Kbang, huyện Kbang) chia sẻ: “Từ nhỏ, Vương bẩm sinh đã mất đi bàn tay phải. Cũng từ đó, Vương bắt đầu tập viết tay trái mới có thể theo đuổi con đường học hành."

Do gia đình hoàn cảnh khó khăn, nên những công việc nhà đều do Vương gánh vác để bố mẹ yên tâm đi làm. Trong học hành, Vương luôn tự giác học. Trong 10 năm học qua, em luôn giành danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, Vương còn nằm trong đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý và năm vừa qua đã giành giải Nhì cấp huyện.

Hiện nay, Vương đang nỗ lực học tập với mục tiêu đậu vào trường Bách khoa TPHCM và có thể thực hiện ước mơ làm một kĩ sư về mảng công nghệ kĩ thuật.

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm