Cậu học trò mồ côi đỗ thủ khoa đúng như mục tiêu
(Dân trí) -Nhận được tin từ người thân báo mình đỗ thủ khoa ĐH Y Thái Bình với số điểm 28,5, Hồ Sỹ Duy rất đỗi vui mừng phấn khởi vì đã hoàn thành mục tiêu và lời hứa với gia đình trước khi đi thi là sẽ "đỗ thủ khoa của một trong hai trường dự thi".
Trò chuyện với Hồ Sỹ Duy tại nhà em ở xã Vũ Vinh (thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chúng tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về chàng thủ khoa quê lúa. Mẹ mất sớm, bố đi làm ăn xa biền biệt nên khi còn nhỏ Duy ở với ông bà nội. Mặc dù thiếu tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ, nhưng Duy lại được ông bà và đặc biệt là người chú là giáo viên dạy Toán cấp 2 rèn giũa và truyền đam mê học tập ngay từ bé. Chính vì thế 12 năm học, Duy luôn là học sinh giỏi toàn diện, được trao hàng loạt giải thưởng cấp tỉnh.
Ở với ông bà đến đầu năm lớp 12, Duy chuyển về ở với bố và mẹ kế, cuộc sống gia đình Duy cũng không phải khó khăn, nhưng ở nhà Duy luôn chịu khó và rất đảm việc nhà. Ngoài việc lo cơm nước, chăm hai em còn nhỏ mỗi khi bố mẹ vắng nhà, Duy còn phụ giúp gia đình làm hàng mã và bán hàng tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Được chú ruột truyền phương pháp và niềm đam mê cho môn Toán, nhưng lại Duy “nghiện” nhất là học môn Hóa, cả Hóa vô cơ và Hóa hữu cơ đều có sức hút rất lớn với Duy, chính vì vậy mà trong tất cả các môn tự nhiên, điểm tổng kết môn Hóa bao giờ cũng cao nhất.
Ước mơ từ bé trở thành một bác sĩ, nhưng Duy cũng rất đam mê Công nghệ Thông tin, nên trong trong kỳ thi ĐH vừa qua Duy đăng ký vào trường ĐH Bách Khoa. Chưa bao giờ đi xa, nên hôm đi lên Hà Nội thi đại học, em bị say xe đứ đừ. Duy lên Hà Nội thi chỉ cách ngày thi có một ngày, nên sức khỏe ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm bài.
Duy tâm sự: “Hôm em đi Hà Nội lại đi sát ngày thi quá, hôm đó say xe nên em gần như không biết gì, nên hôm em làm bài thi sức khỏe không được tốt lắm. kết quả em chỉ đạt được 26,5 điểm ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhưng dù sao em cũng đã cố gắng hết sức mình, nên em không cảm thấy nuối tiếc”.
Trong khi các bạn bè người nào cũng có Facebook, điện thoại, máy nghe nhạc... thì Duy lại cho rằng đó là những thứ không thực sự cần thiết với mình, việc chính của Duy là học tập, mỗi khi căng thẳng Duy xuống chơi với hai đứa em còn bé hoặc xem ti-vi.
Duy tâm sự: “Bạn bè em cứ bảo lập Facebook để liên lạc, để nói chuyện với nhau mỗi lúc căng thẳng, nhưng em thấy nhiều bạn quá lạm dụng nó, làm mất thời gian trong học tập. Đôi lúc căng thẳng trong học tập, em xuống nhà chơi với hai em hoặc xem ti-vi, chính hai em của em là nơi mang lại tiếng cười và là nơi mà em cảm thấy bình yên nhất”.
Chị Bùi Thị Thúy - mẹ kế em Duy cho biết: “Mặc dù tôi không phải là mẹ ruột của cháu, nhưng ở nhà, tôi và cháu Duy cũng rất thân thiết, Duy rất ngoan ngoãn, biết nghe lời và chăm chỉ. Buổi tối, lúc không học bài, Duy lại phụ giúp tôi làm hàng mã”.
Chia sẻ về cách học tập của mình, thủ khoa ĐH Y Thái Bình tâm sự: “Đối với em, học tập cần có đam mê và cần rèn luyện cho bản thân phải yêu thích các môn học, chứ không phải là gượng ép bản thân mình. Ngoài việc chú ý đến bài giảng của thầy cô trên lớp, cũng cần phải ôn tập ở nhà thật kỹ, đọc lý thuyết kết hợp với làm bài tập. Đến những kỳ thi, em thường đọc tìm một số đề từ các năm trước rồi bấm thời gian xem làm được bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đầu tư về thời gian, cũng cần phải chú ý đến sức khỏe của bản thân, bởi có sức khỏe thì mới có thể học tập tốt”.
Những ngày giáp thi, thấy các bạn cùng trang lứa của con mình đi ôn hết lò này đến lò khác, bố mẹ Duy cũng sốt ruột nên thúc Duy đi ôn thi, tuy nhiên chỉ đến lò luyện thi được vài hôm Duy lại bỏ, quan điểm của Duy là ôn thi ở đâu cũng không bằng việc tự học ở nhà.
Anh Hồ Sỹ Mạnh - bố Duy tâm sự: “Lúc tôi xa nhà, Duy ở với ông bà nội. Sống cùng ông bà, Duy được rèn luyện cả về học tập cũng như công việc, kể cả việc đồng áng như cấy, hái, làm đồng Duy đều phải làm. Vừa rồi tôi cũng lên kế hoạch mua cho con một chiếc xe máy, hoặc xe đạp điện để đi tới trường, nhưng Duy bảo không phải mua, để Duy tự đạp xe bằng chiếc xe vẫn đi từ hồi cấp 3. Tôi rất tự hào vì con mình có được kết quả như ngày hôm nay, hy vọng Duy sẽ phát huy được khả năng của mình trong con đường đã chọn”.
Ngoài sự động viên lớn của gia đình, nỗ lực dìu dắt, truyền đam mê học tập cho Duy của người chú, còn phải kể đến những thầy cô trong trường đã luôn luôn tạo điều kiện cho Duy trong suốt quá trình học tập.
Đức Văn