Câu chuyện của những bà mẹ từ bỏ sự nghiệp riêng để ở nhà kèm con học
(Dân trí) - Đây đang là một thực trạng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.
"Peidu" trong tiếng Trung có nghĩa "kèm học". Nhiều bà mẹ peidu từ bỏ công việc ở thành phố để về quê, bỏ qua thời gian dành cho bản thân chỉ để "kèm cặp" con cái.
Nhà nghiên cứu khoa học xã hội Qi Weiwei đã thực hiện các chuyến đi thực nghiệm tại một số nơi, như Quảng Đông, Hà Nam, Hồ Nam, Sơn Đông và dễ dàng nghe mọi người bàn tán về các bà mẹ peidu.
Những bà mẹ peidu chủ yếu sinh ra vào những năm 1980; họ chọn rời bỏ sự nghiệp, bạn bè, cuộc sống xã hội hay thời gian riêng cho chính mình. Cuộc sống của họ hoàn toàn xoay quanh những đứa trẻ.
Tất cả sự hy sinh đó chỉ dựa trên niềm hy vọng rằng con cái họ sẽ đạt điểm cao, thi vào trường đại học tốt và phá vỡ vòng nghèo đói từ thế hệ trước.
Áp lực đè trĩu vai
Mùa hè năm 2021, Qi Weiwei đã đến một quận ở tỉnh An Huy (Trung Quốc) trong chuyến đi thực nghiệm của mình.
Tại đây, Qi gặp một bà mẹ ở độ tuổi 30, có chồng làm công việc trang trí ở Bắc Kinh. Người mẹ này đã quyết định từ bỏ công việc ở thành phố và dành toàn bộ thời gian cho 2 cô con gái đang đi học.
Khi tiếp xúc với nhiều phụ nữ, Qi nhận thấy đây có thể là chuẩn mực. Hầu hết các bà mẹ ở nông thôn đều sẵn sàng hy sinh sự nghiệp để chăm lo cho con cái.
"Một người mẹ khác làm việc ở Thượng Hải cùng chồng và để con ở quê học tiểu học. Đứa trẻ không làm bài tập về nhà, còn ông bà thì bất lực. Cô giáo đã gọi cho người mẹ, thế nên, cô trở về quê để quản con. Cơ hội việc làm ở quê không rộng mở nên người mẹ này đi làm thêm ở một cửa hàng bán sữa bột", Qi kể.
Qi nhận thấy rằng các bà mẹ thường bỏ việc khi con họ học năm 3 ở trường trung học cơ sở. "Việc tách học sinh ra theo hai hướng, hoặc tiếp tục học phổ thông hoặc lựa chọn học nghề khiến phụ huynh cảm thấy lo lắng. Hầu hết các bậc cha mẹ không đặt niềm tin vào trường dạy nghề. Bởi thế, họ dành hết tâm sức để đảm bảo con cái vào cấp 3 và sau đó là đại học".
Thông thường, một ngày của những người mẹ peidu diễn ra trong những căn hộ nhỏ thuê gần trường học của con họ. Họ bận rộn chuẩn bị các bữa ăn và đưa đón con. Sau giờ học, họ thậm chí còn cẩn thận theo dõi các biểu cảm của con và luôn kèm cặp chúng mọi lúc.
"Một số bà mẹ quản con từ những việc nhỏ nhặt nhất. Ví dụ, nếu quãng đường từ nhà đến trường mất 20 phút để đi mà đứa trẻ không về nhà trong khoảng thời gian đó, người mẹ sẽ tìm đến giáo viên", Qi cho biết.
"Trên thực tế, một số bà mẹ nghiêm khắc vì cho rằng đứa trẻ đã không dành đủ thời gian học ở trường. Những đứa trẻ phải chịu áp lực lớn, cảm thấy mình không có quyền tự do và bắt đầu tranh cãi. Cũng vì thế mà mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên căng thẳng hơn".
Trong các cuộc trò chuyện với các bà mẹ, Qi dễ dàng nhận thấy sự lo lắng và căng thẳng. Họ nhấn mạnh sự lạc lõng trong cuộc sống hàng ngày: ở nơi xa nhà, ít tương tác xã hội, chủ yếu trò chuyện với những người mẹ khác cùng cảnh ngộ trong những lần chơi mạt chược hoặc đi mua sắm.
Hầu hết họ đều không có việc làm, hơn nữa, lịch làm việc của họ cũng trái ngược với những nhân viên văn phòng bình thường nên rất khó để hòa nhập.
Một người mẹ bần thần khi kể câu chuyện của mình. Đó là quãng thời gian cô không thể ngủ, phải lang thang trên đường một mình. Cô hoàn toàn mất đi cuộc sống riêng tư và cảm thấy có một gánh nặng đè trĩu vai. Chồng đi làm xa, cô không thể nào bộc bạch tất cả vấn đề xảy đến mỗi ngày.
Một số người tìm thấy sự thoải mái trong các phòng chơi poker hoặc khiêu vũ. Thậm chí, một số còn nảy sinh tình cảm với người khác, dẫn đến việc ly hôn.
Chấp nhận hy sinh cho thế hệ sau
Qi lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Hồ Bắc. Khi cô còn đi học, rất ít phụ huynh theo sát để kèm cặp con cái học hành. Thông thường, cha mẹ làm việc ở thành phố, con cái ở quê với ông bà.
Nhưng trong một thập kỷ trở lại, hiện tượng bà mẹ peidu đã dần trở nên phổ biến hơn. Năm 2001, Trung Quốc đưa ra chính sách sáp nhập các trường học ở nông thôn, vì thế nhiều ngôi trường buộc phải đóng cửa. Năm 2012, số trường tiểu học nông thôn giảm từ 440.000 xuống còn 155.000.
Mặc dù điều này giúp thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn về khoảng cách giáo dục nhưng rất khó để các gia đình chuyển đến thành phố cho con cái đi học tại đó. Tất nhiên, không phải tất cả các bậc cha mẹ đều cảm thấy cần phải trông chừng con cái một cách sát sao quá.
Qi nói: "Chẳng hạn, ở những khu vực có điều kiện hơn, như Quảng Đông, vùng nông thôn cũng có thể đáp ứng nhu cầu giáo dục của trẻ em. Hay các bậc phụ huynh ở tỉnh Quảng Tây và Hải Nam không quá chú trọng vấn đề này nên hiện tượng peidu ít phổ biến hơn".
Tại quận Dongzhi (tỉnh An Huy), Qi nhận thấy, cơ hội việc làm cho các bà mẹ bị hạn chế nghiêm trọng. Một số ít công việc liên quan đến lĩnh vực dịch vụ thì mức lương lại quá bèo bọt. Đặc biệt, ở vùng sâu khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc, ngay cả việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng khan hiếm khiến hầu hết các bà mẹ không có công việc.
Theo Qi, những người mẹ peidu bị kẹt giữa tư tưởng của vùng nông thôn và thành thị. Họ đã từng trải qua cuộc sống thành thị và hiểu giá trị của giáo dục hơn thế hệ trước. Tuy nhiên, họ cũng mang truyền thống đặt gia đình, con cái lên hàng đầu. Vì vậy, họ trở về nhà và chấp nhận hy sinh cho thế hệ sau.
Tại các làng quê, hầu hết người già đều khó theo kịp thời đại kỹ thuật số. Và khi giáo viên liên lạc bằng điện thoại di động, họ trở nên lúng túng hơn bao giờ hết.
Một người dân kể với Qi về chuyện một người ông không thể dạy kèm cho cháu mình. Khi đứa trẻ không hoàn thành bài tập về nhà, giáo viên đã công khai chỉ trích ông trong nhóm chung. Người ông sau đó đành thúc giục bố mẹ đứa trẻ về để kèm con học.
Cũng có một số ít các bà mẹ đã chán nản với công việc ở thành phố, vì vậy họ lựa chọn trở thành bà mẹ peidu để quên đi muộn phiền.
"Tuy nhiên, đa số cảm thấy áp lực từ xã hội và con cái. Nếu không kèm con học, người thân và bạn bè sẽ đàm tiếu về họ. Hay khi thấy những đứa trẻ khác được đến trường cùng mẹ, con họ sẽ mong muốn được mẹ mình đồng hành", Qi lý giải.
Nhà trường cũng áp đặt kỳ vọng vào phụ huynh. Nếu có cha mẹ ở gần, việc giảng dạy sẽ suôn sẻ hơn và giúp con trẻ được phát triển.
Hiện nay, ngày càng nhiều gia đình bắt đầu chú trọng đến con cái từ rất sớm. Thông thường, các bà mẹ thường bắt đầu kèm con học từ năm 3 trung học phổ thông, nhưng bây giờ là từ năm 3 trung học cơ sở. Một số thậm chí bắt đầu khi con họ học tiểu học.
Nhưng sự hy sinh đó có thực sự đáng không?
Là một nhà nghiên cứu, Qi tỏ ra bi quan. "Đối với đại đa số các bậc cha mẹ, sự kèm cặp không giúp ích nhiều. Cuối cùng, chỉ một số ít học sinh đạt điểm cao và vượt qua kỳ thi để vào đại học".
Các chuyên gia nghiên cứu hiện tượng này cũng đưa ra kết quả tương tự tại các ngôi làng, thị trấn ở tỉnh Cam Túc, Sơn Tây, Hồ Bắc, thuộc miền Trung và miền Tây của Trung Quốc.
"Thật khó để họ thay đổi bất cứ điều gì. Tất cả những gì họ có thể làm là chăm lo tốt cho cuộc sống hằng ngày của con cái, đảm bảo chúng ăn uống đầy đủ", Qi nói.
Một bà mẹ giãi bày: "Tôi hy vọng con tôi không đi chệch hướng và có thể vượt qua giai đoạn nổi loạn một cách suôn sẻ, nếu chỉ để học xong trung học. Tôi chỉ đang cố gắng hết sức mà thôi".
Tuy nhiên, với nguồn lực giáo dục hạn chế, những bà mẹ peidu đều phải đối mặt với viễn cảnh con mình sẽ bị điểm trung bình hoặc không thể thi vào đại học, bất kể họ đã hy sinh lớn lao.
Vòng lặp luẩn quẩn
Ngoài sự thất vọng, các bà mẹ còn lo lắng về những cơ hội đã mất của họ.
"Khi thời điểm peidu kết thúc, rất nhiều bà mẹ đã sang độ tuổi 40-50 và về cơ bản họ không thể đi làm nữa. Họ buộc phải sống dựa dẫm vào chồng hoặc tìm những công việc không đòi hỏi tay nghề cao ở địa phương, chẳng hạn như rửa bát", Qi thở dài.
Các bà mẹ chọn cách chôn chặt những hối tiếc về chuyện không có công việc, bạn bè, kết nối xã hội hay ý nghĩa cuộc sống cá nhân. Bản thân là một người mẹ, Qi đồng cảm sâu sắc với những áp lực mà các bà mẹ peidu phải trải qua.
Họ dành cả đời để chăm lo cho gia đình, nhưng các bà mẹ này gần như không có một mái ấm đúng nghĩa.
"Khi ốm và sốt, họ không thể nhờ vả chồng. Thay vào đó, họ vẫn phải nấu ăn cho con cái và đưa chúng đi học, trong khi chồng họ kiếm tiền ở thành phố", Qi nói.
Theo Qi, khi trách nhiệm nuôi dạy con cái tăng lên, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục cũng gánh vác trách nhiệm lớn hơn. "Chúng ta nên cải thiện giáo dục ở các thị trấn cho những người dân nông thôn không thể đến thành phố và cố gắng giảm bớt gánh nặng kinh tế của họ; các trường học nên cung cấp các dịch vụ công tương ứng cho trẻ em", cô nói.
Một số bà mẹ đã thành công nhưng lại phải trả giá.
Qi gặp một người phụ nữ có con gái đã vào được trường đại học tốt. Song, mối quan hệ của họ đã trở nên rất căng thẳng khi người con học cấp 2.
Người mẹ nói: "'Peidu' rất quan trọng. Những nỗ lực của tôi đều đáng". Giờ đây, bà đang tập trung kèm cặp cậu con trai mới bắt đầu học năm nhất trung học cơ sở.
"Nếu tôi không kèm cặp sát sao, các con sẽ trách tôi vì khiến chúng bị điểm kém và không thể vào được trường đại học tốt. Tôi đã cố gắng hết sức, dù kết quả ra sao thì tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm".