Câu chuyện chiều cao giáo viên và những quy định khiến dư luận “dậy sóng” năm 2019
(Dân trí) - Cao 1,5m trở lên mới được dự thi vào ngànhSư phạm; không ghi xếp loại và hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học; bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên…
Đó là những quy định ở lĩnh vực giáo dục nhận được nhiều tranh cãi của dư luận trong năm 2019 vừa qua.
Quy định cao 1,5m trở lên mới được học nghề giáo: “Tốt gỗ hay tốt nước sơn?”
Tháng 2/2019, Trường ĐH Sư phạm TPHCM công bố phương án tuyển sinh dự kiến trong đó có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.
Ngay lập tức, quy định này đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi hai chiều từ dư luận xã hội và các giáo viên đang trực tiếp đứng trên bục giảng. Một bên thì dư luận trong đó có nhiều giáo viên cho rằng trong môi trường giáo dục, tiêu chuẩn về đạo đức và giá trị nghề nghiệp luôn được đánh giá cao hơn tiêu chuẩn ngoại hình. Nhiều thầy cô giáo đứng trên bục giảng suốt 15-20 năm đứng vẫn dạy tốt và được học sinh quý mến dù ngoại hình không cao. Quy định quá cụ thể các tiêu chuẩn về sức khỏe sẽ cướp đi giấc mơ của những học sinh tràn đầy nhiệt huyết với nghề trồng người.
Ngược lại, một bên dư luận thì tán đồng quy định này với lý do chúng ta đang hướng đến việc xây dựng hình ảnh đẹp cho đội ngũ nhà giáo thì nên xác định “cái đẹp” cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng để tạo ra sự cân đối khi đứng trên bục giảng. Một giáo viên có ngoại hình tốt đứng lớp luôn gây được thiện cảm và tạo hứng học cho học sinh hơn.
Ngay sau đó, phía trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng khẳng định thông tin quy định về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ những năm 2008 chứ không là tiêu chuẩn mới. Chiều cao chỉ là một chi tiết nằm trong những yêu cầu về sức khỏe của đề án tuyển sinh tổng thể với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác.
Ngay lúc ấy, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường rà soát kỹ dự thảo Đề án tuyển sinh, xác định các nội dung thực sự cần thiết, có cơ sở chắc chắn để khi ban hành đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không thể hiện chính sách phân biệt đối xử. Đồng thời, yêu cầu trường nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trước nhiều ý kiến “dậy sống” từ dư luận, Trường ĐH Sư phạm TPHCM đã gỡ điều kiện chiều cao khỏi đề án tuyển sinh dự kiến của trường.
Không ghi xếp loại và hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học: Sẽ không công bằng?
Tháng 10/2019, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý về Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học trong đó không ghi loại hình đào tạo, xếp loại.
Như vậy, không còn có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Văn bằng hệ đào tạo đại học chính quy so với các hệ đào tạo vừa học vừa làm hay còn gọi là tại chức, từ xa... có giá trị tương đương nhau.
Ngay lập tức, điều này đã đón nhận nhiều ý kiến dư luận không đồng tình và cho rằng không sát thực tế. Một số lãnh đạo trường ĐH nhận định rằng, dù dự thảo văn bằng này phù hợp với Luật Giáo dục đại học song do hiện nay cách thức tổ chứa đào tạo và chất lượng đào tạo giữa các trường khác nhau nên cần phải có giải pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa quá trình tổ chức đào tạo các hình thức đào tạo. Việc không ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi,...) rất dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học, điều này có thể vô tình làm giảm động lực phấn đấu của người học.
Hơn thế nữa xét về thực tế trong tuyển sinh, đào tạo và chuẩn “đầu ra” giữa người học ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, tại chức và từ xa hiện nay ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện cho tiếp nhận kiến thức,...
Tuy nhiên, cũng có không ít người ủng hộ quy định mới này. Theo PGS. TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thì: “Cách làm này với thế giới không lạ, còn ở Việt Nam ban đầu thì chưa quen nhưng có thể chấp nhận được. Không thể hiện xếp loại tốt nghiệp trên bằng sẽ là một cách để xã hội dần đi vào thực tế, đánh giá năng lực thật của người lao động và bớt chú ý bằng cấp hơn”
Hơn nữa, theo ông Nghĩa thì thực tế cho thấy việc xếp loại người học không có giá trị tuyệt đối và như nhau giữa các trường hoặc các ngành nghề khác nhau trong cùng một trường. Một sinh viên trung bình khá của một trường đánh giá chặt chẽ có thể ngang bằng với sinh viên giỏi của một trường bình thường.
Một số người khác cũng cho rằng việc không ghi xếp loại thì tốt hơn. Từ đó sẽ giúp việc đánh giá, nhìn nhận không chạy theo điểm số và hướng tới việc học thực chất hơn. Khi tuyển dụng, doanh nghiệp cần nhiều thông tin hơn mà bằng này dù có nội dung xếp loại cũng không thể hiện đủ.
Trước nhiều tranh cãi, phía Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng khẳng định quy định này là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước. Hơn nữa, không ghi xếp loại trên bằng nhưng thông tin ở phụ lục văn bằng còn đầy đủ, chi tiết hơn, cung cấp thông tin đầy đủ hơn về khóa đào tạo, do vậy tạo thuận lợi hơn cho các nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bỏ quy định chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C đã tồn tại 26 năm
Tháng 11/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2019-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên, tại Quyết định số 30/2008/QĐ của Bộ trưởng GD&ĐT quy định về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo chương trình giáo dục thường xuyên.
Điều này đồng nghĩa các trung tâm, cơ sở giáo dục sẽ phải dừng tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (trình độ A, B, C) từ ngày 15/1/2020. Còn các chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo quy định tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT vẫn có giá trị sử dụng.
Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/1/1993 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C) dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam. Sau này, dù có nhiều quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ nhưng loại chứng chỉ A, B, C vẫn tồn tại.
Như vậy, sau 26 năm, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C bị khai tử do không còn phù hợp thực trạng xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng. Quy định này của Bộ GD&ĐT nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giáo viên, sinh viên và dư luận xã hội.
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, việc bỏ gánh nặng thi các chứng chỉ sáo rỗng nên nên làm nhiều năm trước. Tuy nhiên ông cũng cho rằng tồn tại song song cùng chứng chỉ này còn có đề án ngoại ngữ quốc gia, việc học và sử dụng cần xuất phát từ chính bản thân các giáo viên. Dù có bỏ chứng chỉ, chính các thầy cô giáo cũng nên tự trau dồi, tự đánh giá về năng lực ngoại ngữ của bản thân, không nên để học sinh giỏi tiếng Anh trong khi người dạy không biết gì. GS Dong cho rằng “giáo viên không nên coi việc học tiếng Anh là gánh nặng, mà phải biến nó thành nhu cầu và điều hiển nhiên cần có cho mình và cho học sinh”.
Lê Phương