Lùm xùm những bữa ăn mang nặng… “tủi hờn” ở trường học năm 2019
(Dân trí) - Nhu cầu cho học sinh tham gia bữa ăn bán trú ở trường học ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, mối băn khoăn về chất lượng bữa ăn ở trường học khiến bữa cơm mang nặng… “tủi hờn”.
Bật khóc vì bữa ăn lèo tèo của con: Phụ huynh "vây" cổng trường đòi đối thoại: Đó là câu chuyện tại Trường tiểu học Đức Thắng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Một phụ huynh cho biết, vào năm học được một thời gian ngắn, con kêu thức ăn ở trường chán và không muốn ăn. Nhiều con chỉ ăn cơm trắng, không ăn thức ăn vì thịt toàn mỡ không thể ăn nổi.
Bữa ăn trị giá 20.000 đồng chỉ có cơm trắng kèm ít củ cải xào, 3 miếng đậu phụ cùng 5 viên cá làm sẵn khiến phụ huynh bức xúc.
Phụ huynh đã đi kiểm tra và phát hiện thấy một số can dầu đựng trong bình nước lọc, không nhãn mác.
Trong buổi làm việc với báo chí ngay sau đó, bà Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thắng xin rút kinh nghiệm và hứa sẽ thiết kế lại bữa ăn cho học sinh.
Phụ huynh có con học trường công lập phản ánh bữa ăn lèo tèo đã đành, phụ huynh có con học trường tiểu học quốc tế, với học phí hàng trăm triệu/năm cũng phản ánh bữa ăn bán trú đạm bạc.
Ngày 18/9, chị H.N. có hai con theo học tại Trường quốc tế Việt Úc (VAS) cơ sở Sala đã chia sẻ hình ảnh và cùng với sự bức xúc về phần ăn của học sinh tại trường.
Trong hình ảnh là bữa ăn của học sinh trưa ngày 18/9. Theo chị N., bữa cơm của tiểu học có 4 món nhưng lèo tèo, 3 miếng gà kho nhỏ xíu, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít su su xào cà rốt, canh bắp cải, đồ tráng miệng là một miếng dưa hấu.
Nhìn khẩu phần ăn của các con, nhiều người không tin nổi vào mắt mình, nhiều người vô cùng bức xúc. Có phụ huynh đã bật khóc.
Ngay sau đó, phụ huynh đã yêu cầu gặp Ban giám hiệu nhà trường nhưng không được.
Trao đổi với Dân trí, chị N. thông tin, phí tiền ăn cho học sinh cấp 2 là gần 7,7 triệu đồng và tiểu học là 6,3 triệu đồng cho 10 tuần. Tính ra giao động từ khoảng 130.000 - 150.000 đồng/ngày cho bữa sáng, trưa và xế.
Khi chị N. đăng tải hình ảnh bữa ăn của các con, rất nhiều người bức xúc cho rằng bữa ăn đắt đỏ của các con không bằng được như bữa ăn ở các trường bình thường, thậm chí không bằng suất cơm bụi bình dân.
Quản lý cơ sở của Trường quốc tế Việt Úc cơ sở này đã bị thay thế sau khi để xảy ra sự việc bữa ăn "nhìn muốn khóc”.
Cũng tại Trường quốc tế Việt Úc, ngày 13/5, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã thanh tra đột xuất tại bếp ăn cơ sở Sunrise, quận 7, nơi xảy ra sự việc bữa ăn trưa của học sinh có giòi.
Trong bữa trưa 10/5/2019, trong phần thức ăn của học sinh có giòi bò lúc nhúc và học sinh chụp ảnh.
Nhà trường cho rằng, khả năng tại công đoạn cắt thái đã không phát hiện ra ký sinh trùng (con giòi) nằm bên trong trái cà chua.
Đại diện cung cấp suất ăn cho rằng, giòi có trong cà chua tươi sống là sự cố mang tính chất mùa vụ, bên ngoài vẫn bình thường nhưng bên trong dễ bị sâu úng khó phát hiện. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con theo học tại trường không đồng tình với giải thích này.
Dừng bữa ăn bán trú trong ngày đầu triển khai vì phụ huynh phản ánh thiếu dinh dưỡng: Đó là câu chuyện xảy ra tại Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh).
Theo đó, nhiều phụ huynh cho rằng bữa ăn chưa phù hợp với mức thu của nhà trường. Trước phản ứng của dư luận xã hội, nhà trường đã buộc phải tạm dừng tổ chức bán trú để họp phụ huynh về vấn đề này.
Qua tìm hiểu, bữa ăn trên được chụp tại bếp ăn của vào trưa ngày 16/9. Đây cũng là ngày đầu tiên nhà trường tổ chức triển khai bữa ăn bán trú cho các học sinh trong năm học 2019-2020.
Trước phản ứng của dư luận xã hội, ngày 17/9, Trường Tiểu học Thạch Linh đã gửi thông báo tạm ngừng phục vụ ăn bán trú.
Trước đó, khoảng tháng 2/2019, một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng tại trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại học sinh tại trường ăn phải món thịt lợn nhiễm sán.
Khoảng 200 bệnh nhi đã đến xét nghiệm sán tại Hà Nội, trong đó nhiều em dương tính với sán lợn.
Mặc dù vậy, nhà trường vẫn loanh quanh và đổ lỗi, không nhận trách nhiệm về sự việc.
Trên đây là một số trường hợp mà PV Dân trí ghi lại trong năm 2019. Liên quan đến chất lượng bữa ăn học đường là câu chuyện dài và không hồi kết nếu người làm giáo dục không có tâm và cơ quan quản lý nhà nước không xử lý rốt ráo.
Việc các cơ sở giáo dục phải khai thác bữa ăn bán trú do nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, cơ sở vật chất để thực hiện việc này không phải trường nào cũng có.
Việc một căn phòng vừa là giảng đường vừa để sinh hoạt ăn ngủ nên rất khó đảm bảo những yêu cầu tối thiểu.
Thứ hai, về chất lượng bữa ăn của học sinh. Trước đây, nhà trường chủ động mua thực phẩm về rồi thuê người nấu, trực tiếp giám sát và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Thế nhưng gần đây, dưới sự “chỉ thầu” của trên, phần đa các trường mua cơm do các công ty kinh doanh lĩnh vực này đảm nhiệm.
Còn nhiều và nhiều nữa nhưng bất an mà phu huynh khó có thể tin tưởng khi gửi con ở lại bán trú. Song, do điều kiện mà họ đành tặc lưỡi chấp nhận.
Mong rằng chính quyền địa phương cũng như ngành giáo dục hãy thật sự vì tương lai con em chúng ta, đừng vì cách này hay cách khác mà làm ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng bữa ăn của các cháu.
Mỹ Hà