Cậu bé bán hàng rong xứ Thanh trở thành đại sứ tổ chức tình nguyện quốc tế
(Dân trí) - Học đến lớp 5, chàng trai xứ Thanh Phạm Minh Hòa lên Hà Nội bán hàng rong cùng bố mẹ. Không qua một trường học nào nhưng Hòa nói tiếng Anh “như gió” và hiện trở thành đại sứ tổ chức tình nguyện quốc tế.
Tuổi thơ bán rong, “gặm hột xoài”, rèn Anh ngữ
Ấn tượng đầu tiên với chàng trai xứ Thanh là cách nói chuyện vô cùng mộc mạc, giản dị, không kiểu cách. Đối với ai đó, tuổi thơ vất vả với những gánh hàng rong có thể nỗi tủi hổ nhưng với Hòa có lẽ nó đơn giản là “định mệnh”. Quê Hòa là một thôn nghèo ở xã Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa; mà theo lời kể của em, đó là làng Cách (trước là làng Vô Hữu) có nghĩa là cách biệt khỏi các làng khác vì bị bao bọc bởi một con sông.
Khi được hỏi năm sinh, Hòa cười nói, đến hiện tại em vẫn hoài nghi mình sinh năm 1992 chứ không phải 1994 như trên giấy khai sinh. Bởi lẽ thời điểm cậu bé chào đời chỉ ít lâu sau là làng có điện (nếu như vậy phải là năm 1992 chứ không phải 1994). Theo Hòa, ngôi làng của em là ngôi làng giáo xứ, dường như biệt lập với các làng khác trong xã nên khá nghèo nàn, lạc hậu. Cậu bé 11 tuổi lúc ấy theo chân bố mẹ ra Hà Nội bán hàng rong được bố dặn chỉ dắt bộ chiếc xe đạp vì tủ kính to quá không đi được. Hòa cứ thế dắt bộ rong ruổi khắp các con phố từ Lạc Long Quân, Thụy Khuê đến hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên rồi trở về là trời sập tối.
Chiếc xe rong bán bắp rang bơ hồi ấy thường xuyên bị đuổi đánh nhưng Hòa vẫn vui vẻ vì mang được tiền về cho bố mẹ. Các gia đình trong làng của Hòa hầu như đều ra Hà Nội bán hàng rong mưu sinh. “Không hiểu sao người ta mua cho em nhiều lắm, một ngày phải bán được 80-100 nghìn. Hồi đó, 80 nghìn là to lắm”, Hòa nói.
Nghĩ lại tuổi thơ, Hòa không buồn. Hòa vui vẻ cười kể rằng, “hồi đó các bạn cùng bán rong ở khu hồ Tây ăn xong quả xoài, còn hột xoài em vẫn lại lấy gặm bình thường”.
Hòa sống đơn giản, nghĩ đơn giản. Hòa nói, bản thân em cũng không nghĩ mình sẽ giỏi nói tiếng Anh được như hiện tại. “Ngày xưa chỉ biết muốn bán hàng được phải nói tiếng Anh được chứ không nghĩ học tiếng Anh làm gì cả. Em đi nhà thờ gặp bạn bè ở nước ngoài đi lễ, họ nói bằng tiếng Anh nên dần dần bắt chuyện học theo”.
Tốt nghiệp phổ thông, Hòa lên Hà Nội xin làm trợ lý cho Liên đoàn Sinh viên Công giáo Việt Nam với mức thù lao hỗ trợ 200 nghìn/ tháng. Công việc chính là truyền thông, sắp xếp hoạt động cho các nhóm sinh hoạt đã giúp Hòa có những mối quan hệ và nền tảng đầu tiên để thực hiện điều em mong muốn – sáng lập CLB Anh ngữ miễn phí cho các bạn trẻ không có điều kiện. CLB nay đã phát triển thành Tổ chức tình nguyện viên quốc tế Mercury mà Hòa là đại sứ.
9X xứ Thanh chính là người kết nối, tập hợp và kêu gọi các tình nguyện viên nước ngoài sang Việt Nam để giao lưu, trải nghiệm văn hóa địa phương và dạy tiếng Anh miễn phí thường xuyên cho bất kì ai có nhu cầu học. Ngoài tiếng Anh, CLB còn dạy cả tiếng Hàn và tiếng Nhật.
“Số em may mắn được học tiếng Anh, em muốn tìm cách để các bạn khác như em hoặc không có điều kiện cũng được học”, Hòa cười nói.
Theo Hòa, các lớp học của Mercury chủ yếu tạo môi trường cho các bạn giao tiếp, phản xạ với người nước ngoài, chứ không nặng về ngữ pháp, sách vở.
“Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”
Hòa cho biết, công việc của em giống như một đại sứ ở Việt Nam. Em sẽ làm thủ tục cho các bạn tình nguyện viên sang Việt Nam; cũng là người đón tiếp, lo chỗ ăn ở cho tình nguyện viên khi họ đặt chân tới, sau đó phân lịch tình nguyện viên tới các lớp.
Hiện tại, tổ chức có 5 cơ sở ở Hà Nội với khoảng hơn 300 học viên. Các tình nguyện viên dạy hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên địa điểm học vẫn phải đi thuê nên ban quản trị vẫn phải thu một khoản tiền nhỏ của học viên để chi trả cho các khoản tiền nhà, điện nước, sách vở với mức phí giao động từ 200-400 nghìn/ tháng/ học viên tùy thuộc vào giá thuê phòng ở mỗi địa điểm và tùy thuộc vào số lượng học viên đăng ký ở mỗi cơ sở. Khoản phí này cũng được sử dụng để chi trả mức lương hỗ trợ cho các bạn quản lý, điều phối viên, trợ giảng ở mỗi cơ sở.
Hòa đang từng bước thay đổi sứ mệnh của tổ chức. Để Mercury không chỉ là chương trình dạy ngoại ngữ miễn phí mà còn là cầu nối thực hiện trao đổi tình nguyện viên quốc tế (đưa tình nguyện viên quốc tế sang Việt Nam và ngược lại).
Tổ chức của Hòa sẽ trực tiếp hỗ trợ các bạn trẻ Việt về ngoại ngữ, cách làm việc, rèn luyện các phẩm chất để có thể được các tổ chức quốc tế, các trường đại học quốc tế chấp nhận giao lưu tình nguyện và cao hơn là giành được học bổng du học.
Hòa vui mừng cho biết, một số bạn trẻ Việt Nam đang được tổ chức của em giúp hoàn tất các thủ tục để sớm sang các quốc gia khác học tập, trao đổi tình nguyện viên. Mong muốn của Hòa là sẽ nhiều bạn trẻ hơn nữa được chuẩn bị mọi điều kiện (tiếng Anh, kỹ năng sống, các điều kiện khác…) để chinh phục ước mơ du học.
Để trang trải cuộc sống, Hòa nhận tour hướng dẫn viên cho các nhóm khách nước ngoài sang Việt Nam, làm đồ họa cho các cửa hàng, công ty. Thời gian buổi tối Hòa dành cho tổ chức của mình. Chàng trai 9X cho biết, thu nhập của em khá bấp bênh nhưng bù lại em có thời gian làm điều mình thích. Chính vì suy nghĩ “tiền để làm gì” này nên Hòa trước đây Hòa thường xuyên bị bố mẹ, họ hàng mắng là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Hòa đóng vai trò như một đại sứ, cầu nối giữa các tình nguyện viên quốc tế với Việt Nam và ngược lại.
Hòa tâm sự, vì miễn phí nên nhiều học viên thậm chí còn mang tâm lý “thích thì học, không thích thì bỏ”. Khó khăn lớn nhất của tổ chức là tiền thuê phòng ốc. Vào tháng Tết, tháng Hè không ai đi học, Hòa lại loay hoay xoay sở, lúc thì lấy tiền túi, lúc thì có bạn bè giúp đỡ, số tiền xin tài trợ được cũng rất ít.
Có lúc khó khăn và gia đình bắt bỏ, Hòa không làm nữa. Nhưng lại có người gọi điện hỏi về các lớp học miễn phí, em lại lao vào làm. Với Hòa, công việc đó “như con sóng cuộn mình vào, không bỏ được”.
Nhiều đêm chàng trai trẻ thức trắng để làm việc với các trường, các tổ chức tình nguyện quốc tế qua Skype, chat (vì lệch múi giờ) nhưng vì được làm việc mình thích nên em không thấy mệt mỏi, khó chịu.
Hòa không nghĩ 5-10 năm nữa em sẽ ra sao, có kiếm được nhiều tiền hay không, em chỉ quan trọng bản thân thấy hài lòng với hiện tại.
Khi hỏi Hòa rằng em có bao giờ có ý định đi học đại học không, em nói có vài trường ở châu Âu, châu Mỹ mà em làm việc cùng và hay nhận tình nguyện viên của họ có ngỏ ý mời em sang học miễn phí nhưng em không muốn đi. Không phải chỉ vì bản thân chưa đủ điều kiện được cấp visa mà còn bởi “nếu em đi thì ai làm những công việc này. Em đi học thì chỉ một mình em được lợi, còn nếu em ở lại thì em có thể giúp được nhiều bạn trẻ”, Hòa bộc bạch.
Lệ Thu
Ảnh: NVCC