Kon Tum

Cặp lồng cơm theo em đến trường

(Dân trí) - Để có trẻ đến lớp, nhiều năm nay các giáo viên trường mầm non Họa Mi, xã Sa Loon (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) đã nghĩ ra “kế”: phụ huynh tự chuẩn bị bữa ăn trưa cho con mình rồi mang đến lớp, để các bé có thể được ở lại trường học cả ngày.

Không có tiền đóng tiền ăn trưa cho con

Sa Loon là một xã nghèo của huyện Ngọc Hồi, Kon Tum với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, xem cái chữ cho con không bằng việc lên nương, lên rẫy. Mặt khác, nương rẫy của người đồng bào Tây Nguyên phần lớn đều ở xa và trên đồi núi nên thời gian đi làm của họ là từ sáng sớm đến chiều tối mới về; trong khi điều kiện kinh tế của các hộ gia đình còn nhiều khó khăn, họ không có chi phí để đóng ghóp cho những bữa ăn của trẻ tại trường, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ cùng cha mẹ lên rẫy mà không biết đến môi trường sư phạm mầm non là gì.

Từ những khó khăn trên, năm 2008, ngành giáo dục huyện Ngọc Hồi đã đưa ra mô hình “bán trú dân nuôi” để giúp trẻ em Sa Loon được đến trường, được vui chơi theo đúng lứa tuổi của các em. Mỗi buổi sáng đưa con đi học, phụ huynh sẽ làm cơm trưa bỏ vào cặp lồng mang theo con mình đến trường. Như vậy, phụ huynh sẽ được gửi con tại trường từ sáng đến chiều, mà không phải đóng góp thêm tiền, họ có nhiều thời gian và sức lực hơn cho công việc nương rẫy. Các giáo viên không còn rơi vào cảnh đến nhà vận động cha mẹ cho con đến trường, cuối năm không có học sinh.
Cặp lồng cơm theo em đến trường
Cha mẹ không có tiền đóng cho các cô giáo nấu ăn trưa, nên mỗi trẻ ở Sa Loon phải mang một cặp lồng cơm bên mình để có bữa ăn trưa, đồng nghĩa với việc được học cả ngày ở trường.
 
Cô Phạm Thị Thành, phó hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi cho biết: “Trước kia địa hình nơi đây còn nhiều trắc trở, đời sống còn khó khăn nên nhận thức của người dân cũng rất hạn chế, họ không coi trọng việc học ở mầm non nên thường mang con theo để đi làm rẫy. Đồng nghĩa với việc trường mở ra nhưng cuối năm thì học sinh lèo tèo vài em”.

Mô hình “cặp lồng cơm” được đưa ra, nhưng vẫn còn vấp phải sự thờ ơ của phụ huynh. Vậy là một chiến dịch mới lại được đưa ra, các cô giáo phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục phụ huynh đưa con tới lớp, năn nỉ phụ huynh ở lại để xem con mình được dạy dỗ, vui chơi như thế nào... “Mưa dầm thấm đất”, họ đã nhận ra con mình tới trường sẽ được vui chơi, biết nhiều điều hay, lẽ phải chứ không phải lên rẫy chịu nắng mưa cùng cha mẹ, ở nhà bò ra đất chơi… Mất gần nửa năm ròng rã, cuối cùng họ cũng nhiệt tình hưởng ứng.
 
Cặp lồng cơm theo em đến trường
Bữa ăn của các em học sinh độc nhất một món ăn mặn và một món khác là cơm, không có rau hoặc canh.

Nhưng vì đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, phụ huynh không có tiền mua cặp lồng, họ đùm cơm vào lá chuối, nhà nào “sang” hơn thì nắm cơm bỏ vào túi bóng để cho trẻ ăn trưa. “Thời gian đầu, có nhà thì mang cơm, có nhà thì không mang, khi đón trẻ vào lớp chúng tôi hỏi phụ huynh sao không mang cơm thì họ trả lời là quên”, cô Thành nhớ lại.

Nhìn những đùm cơm của trẻ, để từ sáng đến trưa cứng khô, các cô không cầm được lòng nên đã làm đơn đi quyên góp từ các nhà hảo tâm. May mắn được công ty 732 và UBND xã tài trợ tiền giúp mỗi em mua được 1 cặp lòng để đựng cơm, và tiền mua chăn, mùng, chiếu để cho các bé có chỗ ngủ trưa.

Có cặp lồng, có chỗ để ngủ trưa, nhưng nhìn khẩu phần ăn của trẻ thì các cô không khỏi giật mình, một số phụ huynh không kịp nấu cơm liền bới cơm nguội từ hôm qua cho con; một số cặp lồng chỉ có cơm trắng chứ không có thêm bất cứ thứ gì, kể cả hạt muối. May mắn hơn là một số cặp lồng có cơm, có thức ăn nhưng những món ăn vừa nhìn đã phát “hoảng”. Một con chuột vẫn chưa được mổ bụng, làm lông… mang thui cháy vàng, hay những con nhái vẫn để nguyên con mang luộc hoặc nấu… là thức ăn phổ biến của trẻ em nơi đây.

“Ở nhà cha mẹ ăn như thế nào thì họ bới cho trẻ như vậy, những con vật không qua sơ chế vẫn để nguyên rồi làm cho chín khiến chúng tôi nhìn không khỏi rùng mình. Nhìn trẻ ăn mà chúng tôi vừa thương, vừa…”, cô Thành kể.

Bữa ăn chỉ 1 món
 
Trước tình hình trên, các cô giáo phải tìm đủ mọi cách để vận động phụ huynh thay đổi tư tưởng, tổ chức các cuộc thi dành cho phụ huynh và giáo viên như: Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ, bé khỏe bé ngoan… nhằm dạy cho phụ huynh biết chế biến các món ăn, vừa hợp vệ sinh vừa có đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.

Chỉ hơn nửa năm sau, những món ăn “cổ điển” đã không còn xuất hiện trong bữa ăn trưa của các bé, mà thay vào đó là các món rất hấp dẫn như thịt kho, thịt luộc, cá kho… Nhưng có một điều, dù là bữa ăn của nhưng em bé ở vào độ tuổi đang rất cần chất dinh dưỡng, nhưng lại thiếu rất nhiều món. Các bé phải ăn cơm để từ sáng đến trưa với độc nhất một món ăn, hoặc là cá, hoặc thịt, hoặc trứng…, không hề có rau, canh.
 
Cặp lồng cơm theo em đến trường
Mỗi tuần 2 lần các cô giáo lại nấu canh, hoặc rau chia cho các em bé ăn.

Tuy vậy, để có được thành quả như ngày hôm nay đó là cả một quá trình cố gắng, đầy thử thách của các cô giáo Trường mầm non Họa Mi. “Ở đây khó nhất là công tác xã hội hóa, nói mà để phụ huynh nghe và thay đổi tư tưởng là việc làm cực kì khó khăn. Nhưng để được như ngày hôm nay là điều rất mừng ở đây. Mỗi buổi sáng, chúng tôi nhận trẻ, nhận cơm, tôi phải trực tiếp đi kiểm tra từng cặp lồng cơm của các bé xem cơm như thế nào. Cặp lồng nào cũng độc nhất một món ăn, nhưng với người dân nơi đây thì như vậy cũng khá lắm rồi. Còn nếu nói về việc đảm bảo đủ 4 chất dinh dưỡng trong một ngày như đạm, khoáng, vitamin, béo là không thể có được”, cô Thành cho biết.
 
Cặp lồng cơm theo em đến trường
Dù cơm như thế nào nhưng hầu hết các bé đều ăn hết cặp lồng cơm được cha mẹ chuẩn bị từ sáng.

Thương học trò của mình, trong khi điều kiện tài chính của trường rất hạn chế, các giáo viên phải triển khai chương trình trồng rau xanh, để giúp các bé có thêm món rau hoặc món canh. Nhưng vì nhiều lý do, mỗi tuần các cô chỉ thực hiện được 2 bữa/tuần.

Nhờ mô hình “cặp lồng cơm đến trường”, đến nay trường mầm non Họa Mi đã thu hút được 178 trẻ từ 3 đến 5 tuổi trong xã Sa Loon đến trường. Không chỉ vậy, từ mô hình này, xã Sa Loon cũng đã thành lập thêm được 1 trường mầm non khác, được tách từ trường mầm non Họa Mi, rút ngắn khoảng cách đến trường của các bé. Và hiển nhiên, mô hình trên không chỉ giúp tương lai của trẻ em nơi đây được phát triển hơn mà ít nhiều cũng đã làm thay đổi nhận thức của những người dân.
Thiên Thư