Cảnh báo các chiêu lừa đảo của nhà tuyển dụng "rởm" dụ sinh viên sập bẫy
(Dân trí) - Các thủ thuật lừa đảo của các nhà tuyển dụng "rởm" ngày càng tinh vi hơn. Dưới đây là những chia sẻ của các bạn sinh viên đã từng bị lừa và cách phát hiện điểm bất thường của nhà tuyển dụng lừa đảo.
Sinh viên càng có nhu cầu tìm kiếm việc làm thì càng có nhiều nhà tuyển dụng "rởm" sử dụng các thủ thuật lừa đảo để lừa tiền những người "chân ướt chân ráo" vào xã hội.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bạn Vũ Linh Trang (19 tuổi), sinh viên Trường Đại học FPT ngành kỹ thuật phần mềm cho biết, Trang đã từng suýt bị lừa khi làm công việc trực kênh online tại nhà.
"Mình từng được nhà tuyển dụng "rởm" nhận vào làm công việc trực online tại nhà. Những nhà tuyển dụng này thường sẽ không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm nhưng lại bắt buộc người trúng tuyển phải có thẻ ngân hàng", Trang nói.
Sau khi thực hiện thao tác đơn giản gửi tin nhắn cho các "khách hàng", Trang sẽ được nhận hoa hồng từ 10-15% cho mỗi đơn hàng: "Họ sẽ gửi cho mình một trang web và yêu cầu mình đăng nhập.
Giao diện của những trang web đó thường giống với các sàn thương mại điện tử lớn để tạo sự uy tín. Sau khi nhận được hoa hồng cho 1-2 đơn hàng đầu tiên, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu mình chuyển một số tiền cụ thể để tiếp tục công việc "chốt hàng ảo" này".
Đánh hơi được thủ thuật lừa đảo này, Trang lập tức liên hệ với nhà tuyển dụng để hỏi lý do vì sao cần chuyển tiền để tiếp tục công việc, năm phút sau, trang web đó lập tức thay đổi giao diện thành một trang web bài bạc cá cược bằng tiếng Trung Quốc.
Nữ sinh viên nói, "cờ đỏ" của các nhà tuyển dụng lừa đảo này khá phổ biến, đa số sẽ là "việc nhẹ lương cao" như xem video Tiktok, đánh máy văn bản, đánh đề cương, chốt đơn online,...
Đến khi người trúng tuyển thấy tiền hoa hồng cao, nhà tuyển dụng "rởm" sẽ yêu cầu họ chuyển khoản một số tiền nhất định để tiếp tục công việc và không hoàn trả lại.
"Các trang web có tên miền truy cập lạ thường chính là cú chốt hạ cuối cùng để các nhà tuyển dụng lừa đảo này thành công lấy được hết số tiền trong tài khoản của bạn.
Đa số các trang web giả này sẽ có máy chủ đặt ở nước ngoài để chúng khó lộ địa chỉ IP và tuổi thọ của các tên miền thường chỉ từ 1 đến 2 tháng", Trang chia sẻ.
Khác với Linh Trang, bạn Vũ Hà Duyên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết cô từng bị lừa đảo khi đi tìm công việc gia sư, một trong những công việc dạy thêm phổ biến đối với các bạn sinh viên.
"Mình đã tham gia vào nhóm sinh viên gia sư trên Facebook. Trong đó, trang Gia sư T** Đ** được nhiều người trong nhóm đánh giá là một trong những trang cung cấp việc làm gia sư lớn và uy tín.
Mình được trung tâm gia sư hỏi sơ lược về trình độ học vấn cũng như thành tích học tập, môn học mình sẽ phụ trách.
Tuy nhiên, ngày hôm sau đến trung tâm gia sư để tiếp nhận lớp học họ cũng yêu cầu mình đóng 600.000 đồng làm tiền cọc", Duyên nói.
Nữ sinh kể rằng lúc đó bạn không có nhiều tiền mặt trong người nên đã cọc trước 300.000 đồng để lấy thông tin cá nhân của học sinh mình chuẩn bị dạy.
Sau khi kết thúc 2 giờ dạy học (tính theo tiền thù lao là 150.000 đồng), trung tâm gọi điện và yêu cầu Duyên không cần đến lớp dạy nữa. Số tiền cọc trước đó và tiền thù lao của Duyên bặt âm vô tín.
Duyên chia sẻ: "Các bạn sinh viên đi làm thêm cần chú ý các thủ thuật lừa đảo. Đặc biệt là khi các nhà tuyển dụng yêu cầu đóng một chi phí gì đó mà không có hợp đồng đảm bảo quyền lợi của mình".
Bạn Tân Tuấn, sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cũng từng trải qua những câu chuyện bị lừa đảo khi đi làm thêm.
"Mình từng nhìn thấy bài đăng tuyển dụng của một cửa hàng tiện lợi. Do tâm lý mong muốn kiếm việc làm nên mình đã nộp hồ sơ xin việc và được "nhà tuyển dụng" gọi đi phỏng vấn.
Tuy nhiên, khi đến văn phòng làm việc chỉ vỏn vẹn 3 chiếc bàn, họ lại yêu cầu mình nộp 200.000-300.000 đồng tiền đồng phục và hồ sơ xin việc. Sau khi nghi ngờ và từ chối khéo với bên tuyển dụng, họ có lời qua tiếng lại với mình", Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, Tuấn cũng từng ứng tuyển vào vị trí gõ văn bản tại nhà. Tuy nhiên khi nộp hồ sơ xin việc, họ lại cung cấp cho Tuấn một đường dẫn lạ và yêu cầu nam sinh điền số căn cước công dân, số điện thoại và thông tin ngân hàng để nhận tiền lương: "Mình đã ngay lập tức từ chốt và chặn tin nhắn của nhà tuyển dụng này".
"Khi xem các thông tin tuyển dụng, các bạn sinh viên cần lưu ý đối với các nhà tuyển dụng không cung cấp một số thông tin cụ thể như: mô tả công việc, yêu cầu công việc, quyền lợi công việc, thời gian, địa điểm,... thì không nên nộp hồ sơ vào", Tuấn chia sẻ.